Tối 31.3, tại Trung tâm y tế H.Chư Sê (Gia Lai), nữ bác sĩ N.T.D.H trong khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu đã bị một người đàn ông hành hung. Sự việc xảy ra khi bác sĩ H. đang khám cho bệnh nhân N.V.T (49 tuổi) và vỗ nhẹ vào chân bệnh nhân để điều chỉnh tư thế thăm khám.
Một người đàn ông nằm giường bên cạnh đã có những lời lẽ thách thức, đe dọa và sau đó xông tới đánh vào mặt, đầu nữ bác sĩ. Khi được điều dưỡng hỏi lý do, người đàn ông này thản nhiên trả lời "thích thì đánh" rồi rời khỏi trung tâm y tế.
Vụ việc tại Chư Sê không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó chưa lâu, tại Gia Lai, một nhân viên y tế tại Trạm y tế xã Kon Thụp (H.Mang Yang) cũng bị hành hung dẫn đến phải nhập viện.
Ở Tây nguyên, do có những yếu tố đặc thù như mật độ dân cư thưa so với các thành phố lớn, hệ thống y tế còn thiếu về nhân lực, phương tiện, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, thì các nhân viên y tế phải "thêm công, thêm việc" để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Song "lá chắn" trước những cơn giận dữ vô cớ như trên là rất mong manh và thường khi xảy ra chuyện thì thành… việc đã rồi!
Bạo hành y tế không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân. Nếu tình trạng này càng diễn biến theo chiều hướng xấu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhân viên y tế, đặc biệt tại các khu vực đã thiếu thốn nhân lực như tuyến huyện, xã.
Những vụ việc trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng cơ chế bảo vệ hiệu quả cho nhân viên y tế. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng nhân viên y tế trở thành đối tượng để trút giận. Họ phải được tôn trọng, bảo vệ. Bên cạnh đó, việc cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường an ninh tại các cơ sở y tế và nâng cao nhận thức của người khám, chữa bệnh cũng là những giải pháp cần được triển khai đồng bộ. Môi trường làm việc an toàn là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.
Theo Trần Hiếu (TNO)

Triệu tập đối tượng hành hung bác sĩ ở Chư Sê
