“Cần Thơ gạo trắng, nước trong”, câu ca ấy phần nào đã nói lên sự trù phú mà tạo hóa ưu ái cho vùng đất được mệnh danh là Tây Đô, tức thủ đô miền Tây Nam Bộ.
Từ bến Ninh Kiều, chúng tôi xuống thuyền. Xuôi theo dòng nước, cả đoàn đến chợ nổi Cái Răng - nơi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm, ăn uống trên sông.
Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan đặc sắc của thành phố Cần Thơ. Tại đây, những chiếc thuyền không chỉ chở đầy trái cây mà còn cả hoa.
Để tham quan khu chợ này, du khách không cần dậy sớm như trước kia. Ngày nay, người dân đã hạn chế buôn bán trên sông nên chợ không còn quá tấp nập. Mùa ngắm chợ nổi tốt nhất chủ yếu vào dịp Tết.
Khách Tây háo hức thưởng thức đặc sản miền tây tại chợ nổi.
Sau khi đã "chán chê" ở chợ Cái Răng, cả đoàn quyết di chuyển đến địa điểm tiếp theo ở gần đấy. Đó là lò hủ tiếu.
Tại đây, các du khách khác tận mắt chứng kiến người dân Cần Thơ sản xuất hủ tiếu theo phong cách truyền thống. Thậm chí, họ còn có thể thử sức với công đoạn cắt bánh.
Buổi trưa, cả nhóm tìm đến vườn trái cây. Điểm nổi danh nhất tại Cần Thơ là khu Mỹ Khánh. Tuy nhiên, tôi quyết định đến thăm một vườn du lịch sinh thái nhỏ hơn nầm gần Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam.
Đồ ăn ở đây rất tuyệt. Đặc biệt, giọng nói ngọt ngào của những người phục vụ miền sông nước khiến các du khách từ miền ngoài không ngớt lời khen tặng.
Tại vườn, du khách có thể tham quan thoải mái. Chỉ với 50.000 đồng, họ có thể lựa chọn những loại trái cây mình thích.
Một trong những loại trái cây đặc trưng của vùng sông nước Cần Thơ là dâu da. Loài này thường rộ trái vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến đây vào cuối tháng 5, dâu da trên càng vẫn còn rất nhiều. Cả đoàn miệt mài hái và vẫn không hết một góc nhỏ.
Buổi chiều, nhóm đến thăm khu di tích lịch sử Giàn Dừa, một địa danh gắn với thời khai hoang mở cõi. Để đến đây, du khách phải đến bên Rạch Sung, đi phà qua bờ rồi thuê xe ôm để di chuyển. Đến tối, chúng tôi dạo bến Ninh Kiều, ghé cầu Tình Yêu.
Người dân ở đây chủ yếu vẫn làm nghề vườn là chính, mỗi hộ là một loại vườn riêng. Từ cuối năm 2014, các hộ nhà vườn mới kết hợp để làm du lịch cộng đồng, tạo nét rất riêng và trọn vẹn ở trên cồn.
Tại vườn, khách có thể đặt mua bánh xèo với giá 25.000 đồng/chiếc. Đến hộ làm bánh truyền thống, bạn có thể học cách làm bánh kẹp. Trẻ nhỏ có thể học nghịch với bột để làm bánh phục linh.
Ngoài ra, chúng tôi còn thuê ghe để đi dạo vòng quanh cồn và đi đến bè cá. Chỉ trên ghe, bạn mới có thể ngắm toàn cảnh bức ảnh làng quê rất bình yên của vùng đất này.
Theo zing