Ia Ko khó “về đích” nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xã Ia Ko (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) là 1 trong 9 xã trên địa bàn tỉnh đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2023. Đến nay, xã vùng sâu này mới chỉ đạt được 11/19 tiêu chí và rất khó về đích NTM như kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của xã Ia Ko, đến thời điểm này, xã còn 8 tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông; cơ sở vật chất văn hóa; nghèo đa chiều; thu nhập; lao động có việc làm; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Khắc Dương cho hay: Ia Ko là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với những loại cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, mì, bắp, lúa. Toàn xã có 1.339 hộ với 6.060 khẩu, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 62,7%. Là xã thuần nông, trình độ dân trí thấp nên việc huy động nguồn kinh phí đóng góp trong dân còn hạn chế, khó hoàn thành tiêu chí thu nhập, hộ nghèo. Dự kiến đến cuối năm 2023, xã phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí gồm: lao động có việc làm; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế. Còn 5 tiêu chí rất khó hoàn thành trong năm nay.

Nhiều tuyến đường giao thông ở làng O Bung (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) còn là đường đất nên gây khó khăn cho người dân đi lại. Ảnh: L.N

Nhiều tuyến đường giao thông ở làng O Bung (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) còn là đường đất nên gây khó khăn cho người dân đi lại. Ảnh: L.N

Theo phân tích của Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ko: Đối với tiêu chí giao thông, tỷ lệ đường ngõ xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm, để đạt chuẩn cần đầu tư thêm 3,5 km. Theo đó, UBND xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự sửa sang, phát quang, mở rộng đường thôn đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, việc tuyên truyền vận động bà con đổ đất cấp phối các tuyến đường lầy lội vào mùa mưa còn gặp nhiều khó khăn. Để đầu tư thêm 3,5 km đường giao thông cần kinh phí 3,3 tỷ đồng nhưng địa phương chưa có nguồn.

Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao; các nhà văn hóa thôn, làng còn thiếu công trình phụ trợ; nhà văn hóa làng Sur A và làng Vel đã xuống cấp. Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 38,06 triệu đồng nhưng để đạt chuẩn NTM phải là 47 triệu đồng (tăng thêm 9 triệu đồng), địa phương hiện không thể thực hiện được. Về tiêu chí nghèo đa chiều, tổng số hộ nghèo và cận nghèo là 305/1.339 hộ, chiếm 22,78% và để đạt chuẩn phải giảm 191 hộ. Tuy nhiên, toàn xã hiện chỉ có 16 hộ đủ điều kiện thoát nghèo, còn lại 175 hộ cần hỗ trợ.

Dự kiến tổng kinh phí cần hỗ trợ là 6,836 tỷ đồng, trong đó địa phương đã hỗ trợ 3,108 tỷ đồng đối với bò giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, còn lại 3,728 tỷ đồng chưa có nguồn kinh phí. Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cũng khó đạt vì hiện tại xã không có hệ thống cấp nước tập trung, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và chất thải rắn y tế chưa được xử lý theo quy định, tỷ lệ hộ có nhà tắm, nhà vệ sinh bể chứa nước và đảm bảo 3 sạch đạt 63%, chưa thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định.

Làng Tai Glai được UBND xã Ia Ko chọn làm điểm xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số nhưng mới đạt 16/19 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí chưa đạt gồm: lao động; tổ chức sản xuất; môi trường và an toàn thực phẩm. Ông Lê Minh Thành-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tai Glai-cho hay: “Khó thực hiện nhất là tiêu chí môi trường. Làng chưa có phương tiện thu gom rác tập trung nên còn tình trạng người dân tự xử lý rác thải, không đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Tai Glai là làng điểm xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Ảnh: Lê Nam

Tai Glai là làng điểm xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Ảnh: Lê Nam

Còn theo ông Puih Moh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn O Bung thì: Làng có 275 hộ (hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 61%), tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 18%. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, định hướng sản xuất, mô hình phát triển kinh tế cho người dân nhưng do điều kiện gia đình, nhận thức một số hộ còn hạn chế nên chưa thể thoát nghèo. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nhánh trong làng vẫn còn là đường đất. Do đó, việc triển khai xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ko cho biết: “Chúng tôi mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ xã nguồn vốn để hoàn thiện những tiêu chí còn lại. Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi trên diện tích kém hiệu quả sang cây trồng hiệu quả hơn để nâng cao thu nhập. Xã sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2024”.

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.