Huyện Đoàn Đak Đoa nhân rộng các tổ đổi công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình tổ đổi công giúp thanh niên phát triển kinh tế của huyện Đoàn Đak Đoa đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) vươn lên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.
Khu vườn cà phê của gia đình chị Mứi (làng Đê Gôh, xã Đak Sơ Mei) mấy hôm nay trở nên rộn ràng hơn bởi có sự góp sức của tổ đổi công là những ĐVTN trong làng. Với những nhân công lao động này, gia chủ không phải trả giá thuê khoán hay công nhật bởi đây đều là thành viên của tổ đổi công thuộc Đoàn xã Đak Sơ Mei, được thành lập với mục đích giải quyết lao động mùa vụ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Chị Mứi chia sẻ: “Nhà mình ít người nên không có ai cùng làm vườn. Mẹ mình đã mất, bố thì già yếu, còn anh trai thì mắt nhìn không rõ. Nhờ có tổ đổi công mà mình không phải lo lắng chuyện tìm nhân công thu hoạch cà phê”.
 Các thành viên trong tổ đổi công thuộc đoàn xã Đak Sơ Mei làm cỏ cà phê giúp gia đình chị Mứi (làng Đê Gôh). Ảnh: T.D
Các thành viên trong tổ đổi công thuộc đoàn xã Đak Sơ Mei làm cỏ cà phê giúp gia đình chị Mứi (làng Đê Gôh). Ảnh: T.D
Xã Đak Sơ Mei có trên 900 ĐVTN, trong đó có khoảng 200 ĐVTN khó khăn. Sau khi thành lập các tổ đổi công tại 5 thôn, làng, Ban Chấp hành Đoàn xã đã triển khai kế hoạch, phổ biến các tiêu chí hoạt động đến ĐVTN. Đa số các hộ ĐVTN trong xã đều trồng mì, lúa, cà phê, bời lời… nên việc giúp đỡ lẫn nhau cũng khá dễ dàng. Anh Ven (làng Đê Gôh) bày tỏ: “Cứ đến mùa vụ là các thành viên trong tổ lại tập trung đi đổi công cho nhau, có sự phân công lần lượt xoay vòng từng gia đình. Nhà nào khó khăn hơn, cần hơn thì giúp trước, xong nhà này thì sang nhà khác. Không ai quản việc nặng-nhẹ, ít-nhiều. Tất cả đều vui vẻ giúp đỡ nhau nhiệt tình”. Ngoài ra, đối với những thanh niên đi nghĩa vụ quân sự có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Đoàn xã sẽ chịu trách nhiệm phân công các tổ đổi công trực tiếp đến giúp đỡ bằng những ngày công lao động cụ thể, thiết thực. “Mô hình tổ đổi công này được Đoàn xã thành lập và đi vào hoạt động nhiều năm nay. Hiện nay, Đoàn xã có 20 tổ đổi công với 110 thành viên. Khi tham gia mô hình, ĐVTN có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế”-anh Hân-Bí thư Đoàn xã Đak Sơ Mei cho biết.
Đoàn xã Đak Sơ Mei là một trong những đơn vị triển khai và nhân rộng mô hình tổ đổi công thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế hiệu quả nhất trên toàn huyện. Hai năm gần đây, mô hình này đã có bước phát triển nhanh chóng. Đến thời điểm hiện tại, Huyện Đoàn Đak Đoa đã thành lập được 97 tổ đổi công với gần 800 thành viên. Trong đó, Đoàn xã Đak Rong có 10 tổ với 58 thành viên; Đoàn xã A Dơk có 10 tổ với 150 thành viên; Đoàn xã Kon Gang có 5 tổ với 41 thành viên; Đoàn xã Hà Bầu có 16 tổ với 97 thành viên… Ngoài ra, thành viên trong tổ đổi công còn chủ động giúp đỡ các hộ thanh niên khó khăn phát triển kinh tế bằng nhiều cách như: cho mượn máy nổ tưới cà phê, cho mượn đất trồng cây ngắn ngày, mượn phân bón… Các tổ đổi công của thanh niên trên địa bàn huyện cũng tích cực tham gia các chương trình khuyến nông như: mô hình trồng cao su trong vườn hộ, nuôi nhím, gà sao, dê thương phẩm...
Anh Hoàng Cam-Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa-cho biết: “Mô hình tổ đổi công giúp thanh niên phát triển kinh tế đang thực sự phát huy hiệu quả, vừa giúp ĐVTN yên tâm về nguồn lao động trong năm, vừa thắt chặt tình đoàn kết. Đồng thời, đây cũng là phương thức tập hợp ĐVTN hiệu quả, giúp phong trào Đoàn ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần thiết thực phát triển kinh tế tại địa phương và xây dựng nông thôn mới. Để nhân rộng mô hình này, Huyện Đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ĐVTN; xây dựng kế hoạch, giao lưu trao đổi, tư vấn về xây dựng tổ đổi công hiệu quả; lựa chọn các mô hình tổ đổi công thanh niên tiêu biểu ở các địa phương để biểu dương, nhân rộng…”.
 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Tặng quà học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu

Tặng quà học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu

(GLO)- Ngày 11-1, Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông, Chi đoàn Cảnh sát Nhân dân I (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an xã Biển Hồ tổ chức chương trình “Xuân gắn kết” tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Biển Hồ, TP. Pleiku).

Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải nhất Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai

Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải nhất Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai

(GLO)- Ngày 9-1, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức vòng chung kết Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai năm học 2024-2025 với chủ đề “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” và chương trình giao lưu truyền thống “Tiếp bước cha anh”.

Chàng trai nặng lòng với văn hóa M’nông

Chàng trai nặng lòng với văn hóa M’nông

Mặc dù là dân tộc Kinh nhưng anh Nguyễn Văn Hiếu sinh ra và lớn lên tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, Đắk Lắk) – nơi có những buôn làng người M’nông bản địa sinh sống lâu đời nên có niềm đam mê đặc biệt với nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông.

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

(GLO)- Sinh ra trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng anh Phạm Thanh Lâm (SN 1992, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã quyết định theo đuổi đam mê hội họa. Anh đã bộc lộ tài năng với tranh truyền thần và được nhiều người đón nhận.

Thư viện từ những bông hoa

Thư viện từ những bông hoa

Hoa là tượng trưng cho vẻ đẹp, sách là sản phẩm tri thức. Các bạn trẻ trong nhóm “Thư viện từ những bông hoa” đã tích hợp hai yếu tố đó làm một để chở theo những giấc mơ, mở ra chân trời mới cho trẻ em nghèo vùng cao.