Hương từ chữ bay ra…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đoạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm làm nghề. Mẹ cười bảo: “Để mãi trong ngăn bàn ở cơ quan. Giờ phải dọn về trả chỗ cho người mới”. Mẹ loay hoay không biết treo chúng ở đâu trong nhà giữa những hàng giấy khen của mấy đứa cháu nội, của chồng và các con mình. “Thôi tốt nhất là mang cất đi. Cũng chẳng để làm gì”.

Mẹ ngồi hồi lâu trong phòng làm việc nhìn từng chồng báo đã phủ bụi. Bao khuôn mặt bỗng hiện ra trong tâm trí mẹ rõ đến từng ánh mắt khắc khoải, lam lũ và chứa đầy ẩn ức. Họ là những người mẹ từng gặp trong đời. Có người trong số họ tự tìm đến mẹ. Có người do số phận đẩy đưa mà mẹ tìm đến họ. Để lắng nghe và thấu hiểu những nỗi oan khuất vẫn tồn tại đâu đó trong đời. Suốt những năm cầm bút, mẹ hay bị tỉnh giấc giữa đêm vì những tiếng kêu cứu vang lên. Có thể bằng một cuộc gọi từ số máy lạ. Có lúc ai đó tìm đến tận cửa nhà. Có khi tiếng kêu vang lên trong tâm thức của một nhà báo trăn trở với nghề khi nhìn thấy đầy rẫy những bất công trong xã hội. Nhiều lần mẹ rời nhà lúc nửa đêm, đơn độc trong hành trình đi tìm lẽ phải. Rồi lặng lẽ trở về khi kết thúc cuộc hành trình mang tên “công lý”. Dù buổi sáng hôm ấy có thể rất nhiều người cầm trên tay tờ báo có bài phóng sự điều tra của mẹ. Họ bàn tán xôn xao, họ phẫn nộ tận cùng hay họ đang xót xa cay đắng cho số phận một con người, một dòng sông, một làng nghề nào đó. Thì mẹ vẫn cặm cụi với từng con chữ, không đao to búa lớn, không khoe mẽ phô trương. Mẹ như thân cây sống một cuộc đời tỏa bóng.
 
Cứ tưởng về nghỉ hưu mẹ sẽ sống những tháng ngày thanh thản, nhẹ nhõm chẳng phải bận tâm chi. Ấy vậy mà nhiều đêm liền mẹ không ngủ được, cứ ngồi với ấm trà xanh ở góc vườn nghe sương rơi trên từng phiến lá. Tôi đoán mẹ ít nhiều hụt hẫng như hầu hết những người khác khi mới về hưu. Tự nhiên thấy chân tay thừa ra, đầu óc rảnh rang không biết nghĩ chuyện gì. Mẹ thường nhắc “giờ này tòa soạn chắc đang họp giao ban. Sáng nào đến mẹ cũng hay xem thư bạn đọc gửi về”. Có buổi trưa nắng như đổ lửa mẹ nhìn trời nhắc nhớ “Cây phượng bên cửa sổ chỗ mẹ hay ngồi chắc là inh ỏi tiếng ve. Mỗi lần mệt mỏi mẹ hay nhìn cái màu đỏ ấy để thấy mình được tiếp thêm năng lượng. Mà hôm về mẹ còn chưa kịp chào ông bảo vệ già. Trời nắng thế này phòng bảo vệ nhỏ xíu chẳng có điều hòa. Chiếc quạt chạy suốt ngày chỉ càng thêm nóng. May mà còn có tán cây”. Đến tận khi xếp quần áo vào va li để chuẩn bị đi du lịch mẹ vẫn còn lấn cấn với một dự án từ thiện nào đó mà tòa soạn nơi mẹ từng làm việc vẫn phát động hàng năm. Tôi động viên mẹ:

 

 Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân


 - Làm việc cả đời rồi giờ đến lúc nghỉ ngơi. Mẹ cứ đi chơi một chuyến rồi về tính tiếp.
 
- Nhưng phải kịp để sửa sang trường học nhân lúc tụi nhỏ nghỉ hè. Con mà lên trên đó vào mùa mưa chắc cũng sẽ chẳng cầm lòng được. Năm ngoái cả tòa soạn kêu gọi đóng góp sửa được một đoạn đường đến trường đã không còn lầy lội. Năm nay tính sửa trường, thay ít bàn ghế hỏng, mua cho tụi nhỏ bộ quần áo mới.
 
- Mẹ cứ góp chút tiền là được. Cả tòa soạn biết bao nhiêu người mẹ sợ gì không có ai lo.
 
- Biết vậy. Nhưng mẹ vẫn muốn đi. Mảnh đất ấy mẹ còn nợ nhiều ân tình lắm.
 
Mẹ bắt đầu hồi tưởng lại quãng đường trèo đèo lội suối, ăn ngủ với rừng hơn mười năm trước. Khi đó nhiều cánh rừng phòng hộ ở miền núi phía Bắc bị tàn phá dữ dội. Nhiều nơi còn xuất hiện chợ gỗ trái phép ngang nhiên hoạt động công khai mà không bị cơ quan chức năng nào xử lý. Đất trống, đồi núi trọc, những cơn mưa đổ xuống rào rào. Chẳng mấy chốc từng bản nhỏ trở thành rốn lũ. Hàng trăm người chết, không biết bao nhiêu ngôi nhà đổ sập, gia súc gia cầm bị cuốn trôi. Cứ mùa mưa đến là đời sống của người dân chìm trong biển nước. Ban đầu mẹ về đó để viết bài mùa lũ. Sau vì đau đớn xót xa mà đi tìm căn nguyên của lũ. Vang lên trong đầu mẹ là tiếng kêu cứu của những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn. Nơi bàn chân mẹ đi qua còn dấu rìu để lại. Nhựa của cây rỉ ra như máu. Đất đai thì bị lũ xói mòn còn trơ sỏi đá. Trong suốt thời gian làm phóng sự điều tra về hành trình gỗ lậu mẹ được người dân tận tình giúp đỡ. Nhờ có họ mà mẹ vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy để cất lên tiếng nói của rừng. Loạt bài phóng sự của mẹ đã phơi bày và đấu tranh với tội ác của những kẻ tàn phá rừng. Đồng thời lên án các cơ quan chức năng đã làm ngơ khi nhìn máu của rừng phải chảy hàng ngày. Bài đã viết xong, nhiệm vụ đã hoàn thành. Mẹ rời đi mà lòng vướng lại nơi lớp học nghèo, những mái nhà xiêu vẹo và ánh nhìn khắc khoải của những người đàn bà gấu váy nhăn nheo, móng tay đen nhẻm. Thương những em nhỏ nơi đây đói cơm khát chữ, khi đường đến trường còn quá đỗi gian nan. Những trăn trở về một vùng đất mình đã từng qua đã thôi thúc mẹ nhiều lần trở lại. Mẹ gom từng đôi ủng, chiếc áo ấm, cuốn vở mới còn thơm mùi giấy làm quà cho lũ nhỏ. Mẹ kêu gọi những tấm lòng hảo tâm đóng góp cho những bữa cơm có thịt, cho áo ấm mùa đông, cho đường đến trường bớt đi những nhọc nhằn. Mỗi lần quay lại vùng đất ấy, lòng mẹ hân hoan khi thấy rừng đã xanh trở lại, không còn cảnh lũ lụt khi mùa mưa đến. Tiếng của lá non ngọn biếc hòa với tiếng cười của những đứa trẻ nơi đây cho mẹ thấy một cuộc đời ý nghĩa.
 
Trước kia mẹ cứ ước chừng nào nghỉ hưu sẽ cùng bố đi du lịch khắp nơi, xuống bất cứ sân ga nào mình muốn. Rồi sẽ về sống những tháng ngày bình yên trong căn nhà vườn cách thành phố gần năm mươi cây số. Mẹ sẽ chăm những luống hoa, thưởng trà, vào bếp muối dưa làm kẹo. Sẽ lên chùa vào những ngày cuối tuần. Sẽ dành thời gian viết vài thứ “linh tinh” cho riêng mình. Mẹ còn tính học viết kịch bản phim hoạt hình. Tính sẽ mua cái máy khâu nho nhỏ may rèm cửa, khăn trải bàn, váy vóc cho cháu gái. Tính nuôi mấy chục con gà đẻ trứng, đào cái ao thả cá để có đồ ăn sạch. Vậy mà trước chuyến đi du lịch đầu tiên sau khi nghỉ việc mẹ vẫn còn lấn cấn với nghề. Sáng nay đồng nghiệp của mẹ gọi điện hỏi thăm. Họ nói có độc giả quen thuộc từ Bắc Giang mang xuống tòa soạn thùng vải thiều cứ hỏi thăm mẹ mãi. Tòa soạn mùa nào cũng được biếu hoa thơm quả ngọt. Cũng có khi là mấy bó măng đắng, ít rau quê, vài cân lạc ngẫy. Họ đến để kể về dòng sông năm ấy đã hồi sinh, cánh đồng năm ấy giờ vào mùa thu hoạch, những đứa trẻ mồ côi trong ngôi chùa năm ấy giờ đã lớn… Mẹ thấy nhớ những cuộc ghé thăm, những mặt người chất phác. Còn nhớ, ngày tôi quyết định sẽ theo nghề báo, mẹ từng hỏi “con đã suy nghĩ kĩ chưa? Gia tài của một đời cầm bút không phải là những tấm bằng khen, càng chẳng có tiền tài địa vị. Thứ mà mẹ có được nằm trong lòng người khác. Trong màu xanh bạt ngàn của một khu rừng. Trong khu chợ với những mảng tối một thời giờ đã bình yên bán mua sớm tối. Tuổi trẻ các con có khi nhìn nghề bằng đôi mắt mơ hồ huyễn hoặc. Nếu không có tình yêu với nghề, mẹ sợ sau này con không đủ can đảm để dấn thân?”. Lời của mẹ ngấm vào tâm trí tôi như cơn mưa mùa hạ.
 
Mẹ đi du lịch, nhà cửa trống vắng hơn. Tôi cần tìm một cuốn sách nên vào phòng làm việc của mẹ. Căn phòng đó là nơi mọi người trong gia đình ít khi bước vào. Phần vì tôn trọng không gian yên tĩnh để mẹ làm việc, phần vì trong đó vốn chẳng có gì ngoài những chồng sách báo. Trong góc phòng treo vài bức ảnh mẹ chụp chung với vài người đàn bà miền núi, những đứa trẻ vây quanh mắt lấp lánh như sao. Trên chân chúng đang đeo đôi ủng mới. Thấp thoáng phía xa là con đường núi mới được sửa sang vẫn còn màu đất mới. Mẹ cùng họ nở nụ cười rạng rỡ, trên trán còn lấm tấm những giọt mồ hôi. Một bức ảnh chụp khi mẹ chắc ngoài hai mươi lúc mới vào nghề. Mẹ đẹp quá, trong đôi mắt thấy tràn đầy nhiệt huyết. Thêm một bức ảnh khác mẹ chụp trên cây cầu bắc qua con sông nhỏ. Đó chắc hẳn là cây cầu mẹ và các đồng nghiệp xây cho lũ trẻ nghèo đi học. Để không còn lo mỗi mùa lũ đến những mầm non đất nước phải bất chấp cả tính mạng của mình cắp sách đến trường. Tôi ngắm nhìn những bức ảnh dung dị đời thường mới thấm thía về niềm vui của cuộc đời cầm bút.
 
Những chồng báo bụi đã phủ mờ nhưng tôi tin câu chữ ấy được lưu giữ trong lòng độc giả. Vài cuốn sách hình như mẹ mới mở ra xem. Tôi nhặt được sợi tóc bạc còn vương trên trang sách. Tôi ngồi lặng yên trong căn phòng nhỏ để ngắm nhìn gia tài của mẹ. Thấy những khó khăn mà mình đang gặp phải đâu có thấm tháp gì. Cứ đi rồi sẽ đến. Không phải cuối con đường nhọc nhằn nào cũng có hoa thơm trái ngọt nhưng ít ra sẽ thấy lòng thanh thản. Tôi nhắm mắt lại, chợt ngửi thấy mùi hương từ con chữ vừa rũ bụi bay ra…

http://baolamdong.vn/vhnt/202106/huong-tu-chu-bay-ra-3062138/
 

VŨ THỊ HUYỀN TRANG
(Dẫn nguồn LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.