Hương lúa trổ đòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau những ngày bận bịu với công việc trên phố, sáng cuối tuần, anh rủ chị về thăm đồng. Không cần nói ra anh cũng biết chị hào hứng đến dường nào. Vậy là, trên chiếc xe máy cũ, vợ chồng thong dong thẳng tiến về phía đồng quê. Mùa này, lúa đang trổ đòng.
Anh bảo, dường như những ai sinh ra từ đồng làng thì mới cảm nhận hết được cái mùi vị thân thuộc, thơm khiết của đồng lúa. Dù có đi bất kỳ nơi đâu, ở bất kỳ nơi nào cũng sẽ muốn được trở về để được hít hà cái hương vị bình dị, đậm nồng của bùn đất, cái mơn man dịu nhẹ của gió, nước, mây trời một thuở.
Chuyển lên phố sống cũng đã hơn mười năm, thế mà chẳng hiểu sao anh chị lại chẳng thể xa đồng làng. Hễ có dịp rảnh rỗi, nơi đầu tiên anh chị muốn về vẫn là đồng quê. Đứng giữa thảm xanh biếc của cánh đồng lúc ban mai, khi lúa đang thì “phất cờ mà lên”, trái tim ai cũng rưng rưng thổn thức. Trong mùi hương của đồng có sự hòa quyện mùi của nắng gió, đất trời, hoa cỏ… rất đỗi quen thuộc, yêu thương!
“Hương lúa trổ đòng thơm quá, em nhỉ?”-anh hít một hơi đến căng lồng ngực rồi nhẹ nhàng nhìn chị mỉm cười. Tựa vào vai anh, chị khẽ gật đầu. Có lời ca đâu đó theo gió vọng lại: “Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa và người trồng lúa cho quê hương. Quê hương ơi có gì đẹp hơn thế, đồng lúa hẹn hò…”. Mùa lúa trổ đòng, đó là khi những bông lúa trở mình để từng chẽn đòng tách dần ra khỏi bụng lúa non tròn lẳn, trắng muốt, chi chít những hạt lúa non căng tròn sữa theo gió tỏa hương mát dịu. Trải mình giữa ngạt ngào hương lúa, tâm hồn ta như được thảnh thơi, nhẹ nhõm, càng yêu hơn vẻ bình dị quê nhà…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
“Mùa lúa trổ đòng, anh thấy những gì?”-chị khẽ hỏi. Giọng anh chậm rãi: “Anh như thấy cả tuổi thơ chúng mình vọng về, cảm thức nao nao khó tả”. Đó là những ngày ấu thơ của anh và chị trên cánh đồng rộng dài với biết bao kỷ niệm. Là thuở hai đứa còn ở tuổi lên 8, lên 10 dắt tay nhau bước chậm trên từng bờ trục, tay khẽ ấp iu từng bông lúa còn đẫm sương đêm, thích thú thu vào lòng mình tất cả hương thơm của đồng quê. Là khi anh nằm dài trên bãi cỏ hít hà hương lúa dịu dàng, khi chị vẽ bức tranh đồng làng bằng tất cả tình yêu mê đắm… Hương lúa trổ đòng là mùi của những hoài niệm mãi thuộc về miền nhớ vấn vương.
Rồi anh chợt hỏi: “Thế còn em, mùa lúa trổ đòng, em cảm nhận được gì?”. Chị nhỏ nhẹ trả lời: “Em cảm nhận được rất nhiều mùi hương gần gũi, thiết tha”. Đó là hương bùn đất đồng làng thoảng trong nắng gió để cây lúa tốt tươi. Là hương nồng đượm của giọt mồ hôi mẹ cha, những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” chỉ mong sao trời yên bể lặng để có vụ mùa bội thu. Là hương lúa trĩu vàng, chắc mẩy mang niềm vui sướng với bao dự định, ước ao cho con cái, gia đình. Hương lúa trổ đòng là mùi hương của những lo toan, vất vả nhưng là mùi yêu thương, đẹp giàu.
Mẹ chị từng nói: Nghe hương lúa trổ đòng, ta như thấy nét duyên thầm mà tràn trề sức sống của người phụ nữ thôn quê trong câu ca quen thuộc: “Thân em như chẽn lúa đòng đòng/Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”. Đó là hương đồng gió nội, hoa cỏ, chim muông giữa trù phú, bao la, thoáng đãng; là mùi rơm rạ ngai ngái, thơm tho; mùi cơm mới “dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” với tất cả nâng niu, mãn nguyện, đủ đầy. Với mẹ, hương lúa trổ đòng là tất cả an yên cho mẹ niềm thảnh thơi, hạnh phúc.
Hương lúa trổ đòng, mùi thơm thanh mát, dễ chịu đến trong ngần. Nó khiến tất cả những ai đã và đang tất tả, vội vàng khi xa đồng làng đều muốn được trở về dừng chân nghỉ ngơi, để tiếp thêm động lực cho hành trình cuộc đời vốn dĩ chẳng hề giản đơn, phẳng lặng, để ta biết trân quý hơn nơi chôn nhau cắt rốn, nơi yêu thương mãi mãi vọng về!
XANH NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.