(GLO)- Ngày 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương thông qua truyền hình trực tuyến từ Nhà Quốc hội tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Dung |
Ông Nguyễn Sinh Hùng-Chủ tịch Quốc hội, chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Gia Lai, có sự tham dự của đồng chí Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các vị đại biểu Quốc hội trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Tại hội nghị, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 có bố cục chưa rõ ràng, khó theo dõi, chưa thuận tiện cho việc áp dụng luật. Các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều phương án bố cục lại dự thảo luật để đảm bảo tính hợp lý, tính khoa học hơn.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp rất sôi nổi và thiết thực, xuất phát từ những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Một trong những vấn đề quan trọng đó là việc xác định tên gọi của các cơ quan hành chính địa phương, phân cấp, phân quyền cũng như mối quan hệ giữa các cấp hành chính địa phương đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chỉnh lý lại bố cục dự thảo luật để thể hiện rõ hơn tổ chức chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính và mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được bố cục gồm 13 chương, 155 điều.
Minh Dung