Sáng 1/5, Hoàng Thái tử Naruhito đã lên ngôi Hoàng đế ở Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa), có nghĩa là “Sự hòa hợp tốt đẹp,” tại một buổi lễ được tổ chức trang trọng ở Tokyo.
Nhật hoàng Naruhito. (Nguồn: AFP) |
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sáng 1/5, Hoàng Thái tử Naruhito đã lên ngôi Hoàng đế ở Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa), có nghĩa là “Sự hòa hợp tốt đẹp,” tại một buổi lễ được tổ chức trang trọng ở Tokyo.
Tại buổi lễ này, Nhật hoàng Naruhito đã được dâng lên ba loại thần khí (Sanshu no Jingi), gồm thanh kiếm Kusanagi, gương Yata và viên đá quý Yasakani, biểu trưng cho ba đức hạnh là dũng cảm, sáng suốt và nhân từ.
Nhật hoàng Naruhito dự kiến sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước những người đứng đầu các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với sự tham gia của các thành viên trong Hoàng gia và các quan chức chính phủ trong ngày hôm nay.
Việc Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi Nhật hoàng đã mang lại tâm lý tích cực cho người dân Nhật Bản.
Ông Kagawa, một người đến từ tỉnh Okayama, cho biết: “Bước sang thời kỳ Reiwa, tôi nghĩ rằng không chỉ kinh tế Nhật Bản mà giao lưu văn hóa sẽ tiếp tục phát triển và giao lưu quốc tế không chỉ bó hẹp ở phạm vi châu Á.”
Em Takahashi Yue, học sinh lớp 8 của một trường trung học cơ sở ở Tokyo, chia sẻ: “Em rất vui khi một thời kỳ mới của Nhật Bản đã bắt đầu”.
Trong khi đó, anh Omura lại bày tỏ hy vọng về một nền hòa bình trong thời đại Reiwa. Anh nói: “Cũng chưa thể nói trước được gì về tương lai của thời kỳ Reiwa nhưng tôi mong muốn rằng hòa bình sẽ vẫn được duy trì trong thời kỳ này”.
Theo dự kiến, lễ đăng quang chính thức của Nhật hoàng Naruhito dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22/10 với sự tham dự của khoảng 900 quan khách, trong đó có các nguyên thủ và khách mời đến từ 195 quốc gia.
Sinh ngày 23/2/1960, Nhật hoàng Naruhito là con trai cả của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Năm 1991, ông được tấn phong làm Hoàng Thái tử vào đúng ngày sinh nhật của mình.
Ông chính thức lên ngôi và trở thành vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30/4 vì tuổi cao và sức khỏe giảm sút.
Theo Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản, Nhật hoàng là “biểu tượng của quốc gia và của hòa hợp dân tộc”.
Đào Tùng (TTXVN/Vietnam+)