Hoàng Sa trong tâm thức người trẻ: Những 'cây bàng vuông' ở trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thông qua các cuộc triển lãm lưu động đưa Hoàng Sa về với trường học, những thế hệ học sinh tại TP.Đà Nẵng nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về chủ quyền đối với quần đảo thân yêu của Tổ quốc.

Khi triển lãm Hoàng Sa về với Trường Hoàng Sa

Tôi thật sự xúc động trước những chia sẻ từ 2 học sinh Trường THCS Hoàng Sa (Q.Sơn Trà) sau khi được xem triển lãm về chủ quyền Hoàng Sa do Nhà trưng bày (NTB) Hoàng Sa phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức vào tháng 11.2023. Em Nguyễn Thị Phương Minh (lớp 9/1) cho biết thông qua triển lãm, em đã đọc những bản đồ về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa từ xa xưa, được xem những hình ảnh về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, được nghe tài liệu Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn…, từ đó, em được biết rằng từ rất sớm, VN đã xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trường THCS Hoàng Sa với những thế hệ học sinh nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về chủ quyền Hoàng Sa. Ảnh: Hoàng Sơn

Trường THCS Hoàng Sa với những thế hệ học sinh nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về chủ quyền Hoàng Sa. Ảnh: Hoàng Sơn

"Sau khi xem triển lãm, em càng hiểu sâu sắc hơn Hoàng Sa được mọi người nhắc đến là một phần máu thịt của Tổ quốc. Nhận thức được ý nghĩa của Hoàng Sa đối với chủ quyền của VN, trong tương lai, em sẽ tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền biển đảo VN trên Biển Đông, nhất là đối với quần đảo Hoàng Sa nhằm góp tiếng nói vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà", Minh chia sẻ.

"Khi tham gia triển lãm lưu động, em nhìn thấy những bức ảnh lịch sử về hoạt động của người Việt trên đảo Hoàng Sa với nụ cười trên môi, em thấy tự hào vì chúng ta đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này", em Huỳnh Bảo Ngọc (lớp 9/1) nói và cho biết thêm: "Sau triển lãm, em nghĩ mình cần thực hiện các clip ngắn để truyền đạt thông tin về Hoàng Sa đến các bạn. Hiện kiến thức về Hoàng Sa chủ yếu thông qua sách vở chưa đủ sâu. Khi làm các clip với hình ảnh sinh động, rõ nét sẽ khiến các bạn hứng thú hơn và nhận thức đúng đắn để bảo vệ chủ quyền biển đảo".

Học sinh, thầy cô giáo chăm chú lắng nghe thuyết minh viên NTB Hoàng Sa nói về chủ quyền biển đảo. Ảnh: Hoàng Sơn

Học sinh, thầy cô giáo chăm chú lắng nghe thuyết minh viên NTB Hoàng Sa nói về chủ quyền biển đảo. Ảnh: Hoàng Sơn

Cô Lê Thị Kim Oanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Sa, chia sẻ rằng với niềm tự hào mang tên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những năm qua, nhà trường luôn ý thức việc phải giáo dục thật tốt về chủ quyền Hoàng Sa cho các học sinh. Nhà trường thường xuyên lồng ghép giáo dục chủ quyền thông qua các môn học để các em nhận thức và tri ân những thế hệ cha ông đã gìn giữ đảo, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền.

"Với đặc thù hầu hết học sinh là con em ngư dân và các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo, như cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân…, chúng tôi luôn nỗ lực để khơi dậy niềm tự hào trong các học sinh khi có cha, mẹ đang là những người bám biển, gìn giữ chủ quyền Hoàng Sa", cô Oanh nói.

"PHỦ SÓNG" Ý THỨC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN

TS sử học Lê Tiến Công, Giám đốc NTB Hoàng Sa kiêm Chánh văn phòng UBND H.Hoàng Sa, cho biết nhận thấy không gian NTB khá nhỏ hẹp không thể đón tiếp cùng lúc hàng trăm học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử biển đảo nên từ năm 2022, đơn vị đã nảy ra ý tưởng đưa triển lãm Hoàng Sa về các trường học. Việc chủ động tiếp cận học sinh để cung cấp thông tin đúng đắn, chính thống về chủ quyền Hoàng Sa còn giúp các em không phải di chuyển quá xa để đến NTB. Trong 2 năm (2022 và 2023), NTB Hoàng Sa đã phối hợp Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức 24 cuộc triển lãm lưu động tại 24 trường THCS và THPT.

Tại mỗi điểm đến, NTB Hoàng Sa thường dành khoảng 7 ngày trưng bày, thuyết minh, giới thiệu tư liệu. Để tăng tính tương tác, NTB còn tổ chức các cuộc thi như: Em yêu biển đảo quê hương; thi ảnh Tuổi trẻ với biển đảo quê hương; thi rung chuông vàng… "Điều đáng mừng, mỗi lần tổ chức triển lãm, chúng tôi lại nhận được sự chào đón của các trường, sự hưởng ứng nhiệt liệt của các học sinh. Năm 2023, NTB chủ động đưa tư liệu Hoàng Sa đến các trường học, ước khoảng hơn 10.000 học sinh được tiếp cận tư liệu từ triển lãm lưu động và các cuộc thi trên", ông Công nói.

Thầy giáo Võ Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, kể rằng vào năm 2022, thời điểm thầy còn làm Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm, đã dành không gian tốt nhất cho cuộc triển lãm lưu động về Hoàng Sa. Nhà trường sắp xếp để tất cả học sinh có thể tham quan và tìm hiểu lịch sử biển đảo. Đánh giá rất cao những giá trị mà triển lãm lưu động mang lại, thầy Võ Trinh cũng góp ý NTB Hoàng Sa có thể chuyển giao các bài thuyết trình, tư liệu… cho giáo viên môn lịch sử, địa lý để các trường chủ động trong việc truyền đạt, giáo dục học sinh. "Về làm Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ đóng chân tại xã vùng xa Hòa Sơn (H.Hòa Vang), tôi thấy các học sinh đều mong mỏi cuộc triển lãm sẽ về với trường. Cùng với trưng bày trực quan, nhà trường sẵn sàng bố trí phòng đa năng để trình chiếu các bộ phim về chủ quyền Hoàng Sa cho học trò xem", thầy Trinh nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, cho biết thông qua hoạt động này, Thành đoàn mong muốn sẽ giúp thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên nhận thức đúng đắn về chủ quyền biển đảo; khơi dậy lòng yêu nước và ý thức kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ quyền biển đảo VN. Chị Thảo nói: "Thời gian tới, Thành đoàn sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các chuyến Hành trình biển đảo quê hương đến tham quan và trải nghiệm tại các đơn vị hải quân đóng trên địa bàn Đà Nẵng; phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về biển đảo…, đồng thời đẩy mạnh hoạt động đưa trưng bày lưu động tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn để tiếp cận và truyền thông đến đối tượng sinh viên".

Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, bất kỳ một hành động nào, dù lớn dù nhỏ thể hiện được ý thức về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa đều rất đáng trân trọng. Vì vậy, có thể đánh giá cao hoạt động triển lãm lưu động đến các trường THCS, THPT nhằm "phủ sóng" ý thức bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa trong hầu hết trường trung học. Cuối năm 2023, sau buổi lễ phát động cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" tổ chức ở Đà Nẵng, Ban Bí thư T.Ư Đoàn và Thành ủy Đà Nẵng đã trao tặng nhiều bản đồ VN khổ lớn, có gắn mã QR cho một số cơ sở giáo dục, như Trường THPT Phan Châu Trinh và NTB Hoàng Sa...

"Từ đó, theo tôi, để việc giới thiệu tư liệu, hình ảnh về Hoàng Sa thật sự gần gũi, dễ hiểu đối với các thế hệ học sinh, NTB Hoàng Sa nên đi đồng thời trên "hai chân". Một là cho học sinh tham quan trực tiếp NTB Hoàng Sa hoặc các triển lãm lưu động; hai là, thông qua công nghệ số phổ cập những thông tin về Hoàng Sa đối với học sinh thế hệ 4.0", ông Tiếng chia sẻ thêm.

Trở lại câu chuyện Trường THCS Hoàng Sa, trước khi chúng tôi ra về, cô Phó hiệu trưởng kể trong khuôn viên nhà trường có 3 cây bàng vuông được cán bộ, chiến sĩ là chồng của các cô giáo mang đến trồng, nay đã đơm hoa, kết trái. Dưới gốc bàng vuông ngát xanh, ngày ngày, các học sinh vẫn đang tích cực học tập, rèn luyện. Các em tựa những "cây bàng vuông" đang được vun đắp ý chí để cắm thật chắc những chiếc "rễ" ý thức trong bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...