Con đường đất rách tướp, gập ghềnh sỏi đá, thủng lỗ chỗ bởi hố, rãnh chạy ngang qua điểm trường thường xuyên vắng vẻ, hiu quạnh bỗng trở nên sôi động bởi tiếng máy nổ, tiếng nói cười. Cô ngừng soạn bài, nhìn về phía những âm thanh mang hơi thở hiện đại ấy, cười dịu dàng.
Sẽ là một khởi đầu mới đây- vừa gấp trang giáo án, cô vừa nói nhỏ, chỉ đủ cho mình nghe. Trong đầu nghĩ về cái ngày, các em học sinh quần áo sạch sẽ tinh tươm đến trường ngay cả khi mưa gió. Và ô tô, xe máy sẽ chạy vào tận nơi, chở hàng và mua hàng. Thầy, cô giáo sẽ không còn trầy trật mỗi ngày đến trường với bê bết bùn đất.
Bởi con đường sẽ được đổ bê tông phẳng phiu trong nay mai!
Bao đời nay, con đường chạy qua điểm trường mảnh như sợi chỉ, quanh năm suốt tháng toàn thấy những bóng người lầm lũi đi bộ. Thỉnh thoảng có xe từ tỉnh, từ huyện về thì đậu tít trên trụ sở xã.
Xung quanh điểm trường là mấy chục nóc nhà quần tụ với nhau, bám chênh vênh sườn núi. Đường đi không tính bằng cây số mà bằng giờ đi bộ. Một giờ, hai giờ... nhìn lại vẫn thấy núi, thấy rừng. Bao đời nay vẫn vậy, làm cho bàn chân con người quen với chuyện lội suối, băng rừng, đạp gai góc, bụi bờ; cái đầu con người không nghĩ được cái hay, cái mới.
Thiệt thòi về giao thông kéo theo sự thiệt thòi đủ thứ. Từ tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mua bán nông sản làm ra, đến chuyện học hành của con em, chuyện khám chữa bệnh, chuyện xây dựng đời sống mới.
Ngày đầu tiên cô nhận trường, nhận lớp là ngày mưa lũ dầm dề. Con đường ngập ngụa bùn đất. Cô và một đồng nghiệp phải bỏ xe, đi bộ vượt núi, băng qua những rẫy mì, rẫy bắp, đến trường khi đêm đã khuya.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Sáng ra, nhìn rừng núi âm u, nhà cửa lác đác bên sườn núi, trường lớp tạm bợ, dụng cụ dạy học thiếu thốn, suy nghĩ đầu tiên là... về nhà, làm gì cũng được. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cô tặc lưỡi “thôi thì cứ thử ít ngày xem sao”. Ấy vậy mà tình yêu nghề, yêu trò giữ chân cô lại nơi này suốt 10 năm qua.
Hơn 3.000 ngày ấy, không thể tính được cô đã đi bao đêm, vượt bao suối, bao đồi mới duy trì được sĩ số học sinh cho lớp học. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân vẫn quan niệm “con chữ không no được cái bụng như làm ruộng, làm rẫy”, nên học sinh vắng học, nghỉ học thường xuyên. Cô giáo phải bám làng, bám hộ, phối hợp với già làng vận động người dân cho con em đến trường.
Mỗi lần nhắc đến chuyện này, người già lại nói “sương đêm trên dãy núi kia cũng không nhiều hơn mồ hôi cô giáo”…
Chiếc xe tải chở đất đá khựng lại trước mấy gian nhà xập xệ kéo cô ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh lái xe rụt rè bước vào: Xin lỗi, cô cho xin miếng nước. Cô dẫn anh ra vại nước mưa sau nhà. Từ nơi này có thể phóng tầm mắt về dãy núi xanh rì.
Ở đây, ngoài đồng nghiệp, dân làng hiếm hoi lắm mới thấy người lạ ghé qua. Và gần như ai cũng vậy, đều rất vội vàng, thời gian của họ đã phai và rơi rụng theo cuộc hành trình dài, với quanh co đèo dốc, với hoang vu núi rừng.
Thế cho nên, việc có khách, lại là một chàng trai, khiến cô ngượng ngùng, lúng túng. Không biết mình có nên mời anh ấy ngồi chơi không nhỉ? Cô băn khoăn tự hỏi rồi tự cười thầm về độ “lẩm cẩm” của mình.
Lấy đầy bình nước, chàng trai nhìn qua gian nhà đơn sơ, cười cười: Ngày 8/3, cô giáo không đi chơi đâu à?
Ngày 8/3 ư? Cô hơi giật mình. Thế nào mà quên béng đi mất. Cô quýnh quáng tìm điện thoại, rồi lại thôi.
Đã bao lâu rồi nhỉ, kể từ ngày cô quyết định ở lại với ngôi trường nằm heo hút trên lưng núi này, cô không còn nhận được hoa và thiệp chúc mừng của người ta? Cô cũng không nhớ.
Ở đây không có ngày 8/3. Cô lắc đầu, nói với anh. Phụ nữ ở đây ngày nào mà chẳng như ngày nào, sáng sớm lên ruộng rẫy hoặc chăm con heo, con bò; chiều về lo giã gạo, nấu cơm cho chồng con. Cứ tối tăm mặt mũi đi ấy chứ.
Vả chăng, trong suy nghĩ của họ, ngày 8/3 không khác gì những ngày còn lại. Càng không có khái niệm về hoa và quà.
Còn cô, mỗi ngày đến lớp từ 6h30’ để đón học sinh. Nếu như có em nào vắng không lý do lại phải tất tả chạy đến nhà tìm.
- Hôm nay vẫn như vậy à – Anh nheo nheo mắt, nhìn cô.
- Vẫn như vậy thôi anh. Không thể cho các em học sinh nghỉ học để tổ chức hoạt động cho ngày này được”- cô nói, lòng chợt nao nao khi nghĩ rằng ở đâu đó ngoài kia đang chộn rộn những chuyến đi chơi xa, những bữa liên hoan vui vẻ, hoa tươi và quà tặng.
Nhưng sự nao nao ấy chỉ lướt qua mà thôi. Rồi cô lại thấy vui vui bởi ý nghĩ: Với mình, ngày nghỉ nào cũng là ngày 8/3 mới đúng, nếu hiểu theo nghĩa, đó là ngày phụ nữ được chăm sóc, được yêu thương hơn.
Ngày nghỉ nào cũng vậy, nếu cô không có việc về trường chính hoặc tranh thủ về nhà, các em học sinh sẽ ríu rít đến đón cô giáo. Hành trình của cô trò nhẩn nha, không vội vã, bắt đầu từ sáng tinh mơ và trở về lúc chiều phai.
Khi thì theo phụ huynh lên rẫy, nơi cô có thể ngắm thỏa thích, chụp ảnh thỏa thích với những bông lau nở tim tím bên sườn núi. Khi thì theo già làng vào rừng tìm thuốc, ngẩn ngơ hỏi tên, công dụng từng loại cây, rồi hít hà: Ơ, cây này vẫn thường nhìn thấy mà không biết nó có công dụng như vậy.
Cũng có hôm, theo trai làng đi suối bắt cá. Cô trò lóng ngóng tập giăng lưới, rồi háo hức lội theo con suối trong veo, rập rờn những mảng cỏ xanh rì.
Trong cuộc đi về xuôi ngược khắp núi rừng ấy, cô trò hay bất chợt ghé lại những ngôi nhà bên đường, viện cớ xin ly nước đỡ khát. Và khi ra về, bao giờ cô trò cũng lỉnh kỉnh xách theo quà của chủ nhà, như nắm măng khô, trái bắp, bó rau, thậm chí là xâu thịt khô…
Mỗi lần nắm níu từ giã, mỗi lần nghe bà con nhắn với theo “cô giáo ở lại với dân làng lâu thật lâu nhé ”, cô lại xao xuyến, lại thấy mình hạnh phúc.
Vậy thì có khác gì ngày 8/3 đâu?
Ngồi một lúc, anh lái xe chào tạm biệt, nói ráng chạy thêm vài chuyến vật liệu nữa trước khi trời tối. Chiếc xe rùng rùng nổ máy. Cô cũng đóng cửa để đến nhà một học sinh phải nghỉ học vì ốm.
Khuya, khi trở về, cô thấy một bó hoa rừng thật tươi gài trên cánh cửa, những cặp cánh mỏng ướt đẫm sương núi. Một tờ giấy xé ra từ cuốn sổ ghi dòng chữ: Chúc mừng ngày 8/3. Cô rưng rưng muốn khóc.
Đêm ấy, gian nhà xập xệ như sáng bừng lên bởi bó hoa rừng.
http://www.baokontum.com.vn/toa-soan-ban-doc/hoa-trong-suong-nui-18071.html
Theo Hồng Lam (baokontum)