Hình ảnh cô giáo vùng cao vượt đường đầy bùn đất để đi dạy gây xúc động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh một cô giáo bị trượt té, xe hư, người lấm lem đầy bùn đất… trên đường đến trường. Đó là cô Lê Sương Sương (31 tuổi), giáo viên mầm non tại điểm trường bản Sắt, tỉnh Quảng Bình.

Cứ mỗi mùa mưa đến là những thầy cô giáo tại điểm trường bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, phải rất vất vả vượt qua những con đường đầy bùn đất mới tới được nơi dạy học. Cô Sương sinh sống ở xã Trường Sơn, nhà cách điểm trường hơn 15 km, trong đó có một đoạn khoảng 5 km đầy bùn đất, gây khó khăn cho việc di chuyển. Hằng ngày, cô Sương phải thức dậy vào lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị di chuyển đến trường và trở về nhà khi đã tối muộn.

Hình ảnh chiếc xe máy của cô giáo Lê Sương Sương bị hư hại trong quá trình vượt đường đầy bùn đất để đến trường gây xúc động

Hình ảnh chiếc xe máy của cô giáo Lê Sương Sương bị hư hại trong quá trình vượt đường đầy bùn đất để đến trường gây xúc động

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Sương trở về quê công tác tại Trường mầm non Trường Sơn (tỉnh Quảng Bình). Cô giáo trẻ cho biết trường này nằm ở trung tâm của xã nên đường sá, cơ sở vật chất không khó khăn như trong bản Sắt. Công tác tại đây được 6 năm thì cô Sương xung phong đến chăm sóc... trẻ em ở điểm trường bản Sắt. Đây là một bản nghèo ở xa vùng trung tâm, người dân tại đây chủ yếu là dân tộc Bru - Vân Kiều.

Cô giáo Lê Sương Sương thường xuyên té ngã, quần áo dính đầy bùn đất trong quá trình đến trường

Cô giáo Lê Sương Sương thường xuyên té ngã, quần áo dính đầy bùn đất trong quá trình đến trường

“Mình còn trẻ, nhiều sức khỏe, có thể chịu được khó khăn nên xung phong lên đây. Tuy hơi cực nhưng mình thấy hạnh phúc vì trẻ em và phụ huynh rất kính trọng cô giáo”, cô Sương nói.

Vào mùa mưa, cô giáo này thường xuyên té ngã trên đường đến trường dẫn đến trang phục lấm lem bùn đất. Cô Sương cho biết có hôm không kịp chuẩn bị cơm mang theo nên cả ngày chỉ ăn mì gói cho qua bữa. “Động lực để mình đến trường mỗi ngày đó chính là tình yêu dành cho trẻ em. Các em ở đây có thể thiếu cái ăn, mặc… nhưng giàu tình cảm và kính trọng thầy cô hết mực”, cô Sương chia sẻ.

Cô Sương cho biết vào mùa mưa thường xuyên gặp tình trạng xe máy bị hư giữa đường. Mỗi lần như vậy, cô giáo này phải bỏ xe lại ven đường và đi bộ đến trường, hết giờ dạy học thì nhờ người chở về. Có hôm không nhờ được ai thì cô giáo này phải đi bộ về nhà. Chiếc xe máy của cô Sương theo thời gian cũng bể hết kính chiếu hậu, yên rớt ra khỏi thân xe.

“Nếu giáo viên chúng mình khổ 1 thì trẻ em tại đây phải khó khăn đến 10. Người dân trong bản còn nghèo nên việc ăn uống của các em thiếu chất, ít có đồ mới để mặc. Trên bản cũng không có điện và sóng điện thoại”, cô Sương nói.

Hành trình chăm sóc trẻ cô giáo Sương tại bản Sắt vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Tuy nhiên bằng tình yêu thương, mong muốn trẻ em tại đây có được tương lai tốt hơn nên cô giáo trẻ này vẫn luôn vững tin, quyết liệt chinh phục những đoạn đường đến trường không bằng phẳng.

Con đường đến trường đầy bùn đất do cô giáo Lê Sương Sương chụp lại

Con đường đến trường đầy bùn đất do cô giáo Lê Sương Sương chụp lại

Xem hình ảnh cô Sương phải vượt đường đầy bùn đất để đến lớp, Nguyễn Thị Hà Trinh (26 tuổi), làm việc tại 400/8b Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, xúc động cho biết: “Thương cho cô giáo mầm non phải hy sinh nhiều thứ để đến trường. Mong rằng những cô giáo vùng cao sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về cả vật chất và tinh thần để vững tâm đến trường”.

Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho cô Sương: “Là nữ mà sao chị ấy lại mạnh mẽ được như vậy? Mình được sinh sống và làm việc tại thành phố mà đôi khi ra đường gặp kẹt xe, trời nắng một chút là đã than vãn. Trong khi đó, các cô giáo vùng cao hằng ngày phải vượt hàng chục cây số trên những con đường đầy bùn đất để đi dạy”.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.