Hiểm họa từ quán karaoke - Bài 1: Lơ lửng những "điểm chết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

L.T.S: Sau hàng loạt vụ cháy quán karaoke gây hậu quả thảm khốc gần đây, vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở này tiếp tục là chủ đề nóng. Qua thực tế, vẫn có những hành vi cố tình lách luật, bất chấp an toàn tính mạng khách hàng để trục lợi; chưa kể việc “tiền kiểm”, “hậu kiểm” khi cấp phép hoạt động từ cơ quan chức năng còn rất lỏng lẻo.  
 

Chúng tôi được đưa từ tầng 4 lên tầng 5 bằng một lối cầu thang bộ tối om, chật hẹp và ngóc ngách. Tiếp viên nam tên Đ. nhanh nhẹn dẫn khách vào bên trong. Nghe chúng tôi lo lắng: “Tầng này chỉ có một lối lên xuống là cầu thang bộ đó thôi hả em? Lỡ có cháy biết chạy đường nào?”. Đ. cười, trấn tĩnh chúng tôi: “Cứ an tâm hát ạ! Ở đây hổng có cháy chiếc gì đâu!”.

Đó là khởi đầu một cuộc đi hát karaoke.

 

- Bảng hiệu lớn của các cơ sở karaoke trên đường Phạm Viết Chánh (quận 1, TPHCM)
Bảng hiệu lớn của các cơ sở karaoke trên đường Phạm Viết Chánh (quận 1, TPHCM).


Ẩn họa

Trong vai nhóm khách đi hát karaoke, chúng tôi ghé một quán karaoke trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM). Khác hẳn các quán karaoke thông thường có bảng hiệu rực rỡ bịt kín mặt trước, điểm karaoke này hạn chế đèn led quảng cáo, đèn điện bên trong cũng khá mờ ảo. Phải chú ý lắm, người đi ngang mới biết đây là cơ sở kinh doanh karaoke.

Sau lời nói chắc nịch “ở đây hổng có cháy chiếc gì đâu”, chúng tôi bước vào căn phòng karaoke đặc biệt nhất nhì quán, được thiết kế kín đáo. Theo quan sát, phòng hát này cách âm rất cao, không gian trong và ngoài đều kín. Chưa kể, hệ thống dàn âm thanh karaoke và  đèn led được thiết kế kín căn phòng với chế độ âm thanh bật rất lớn. Điều này khiến người bên trong phòng khó hình dung được bên ngoài đang xảy ra điều gì.

Trước khi vào phòng karaoke, chúng tôi kịp ghé qua khu vực tầng 1 của căn nhà được dùng làm quầy thu ngân, chỗ ngủ cho nhân viên quán, với la liệt dây, ổ điện trên nền nhà. Lối đi duy nhất rộng chưa đủ 2 người đi song song, cũng bị chiếm dụng chất nhiều thùng carton, để hàng hóa phục vụ kinh doanh.  

Ngồi chừng 5 phút, tiếp viên thông báo quán có phục vụ hút shisha với đủ mùi hương như bạc hà, dâu, táo… và bỏ nhỏ “hít xíu cho thoải mái”. Bình shisha vừa châm lửa đỏ được nam nhân viên nhanh chóng đem vào để chính giữa phòng karaoke. “Mấy bữa nay có nhiều vụ cháy karaoke lắm, có mỗi lối thoát này ớn lạnh ghê. Còn đường thoát hiểm nào nữa không em, chỉ trước để còn biết chạy”, chúng tôi băn khoăn. Nghe vậy, nam tiếp viên phục vụ liên tục bảo chúng tôi an tâm, nhưng không chỉ được có thêm lối thoát nào. “Có gì đâu mà sợ! Sống chết có số. Từ đó giờ ở đây có xảy ra cháy nổ gì đâu”, nam tiếp viên nói.

Rời điểm karaoke trên đường Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi đến “phố karaoke” đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 và vào quán karaoke F.Y. Nghe khách tỏ vẻ lo lắng về cháy nổ, nhân viên quán trấn an: “Yên tâm hát, hệ thống PCCC ở đây rất đảm  bảo”. Thế nhưng, ngay từ mặt tiền quán, bảng quảng cáo đèn led đã gần như bao trọn phía trước tòa nhà. Không gian bên trong căn phòng mà chúng tôi được đưa lên khá kín, ngột ngạt trong tiếng nhạc ầm ầm. Vách tường thiết kế nhiều lớp cách âm, trang trí đèn led, laser, đèn chùm… nhằm tăng độ phấn khích cho khách.

 

Thông tư 147 năm 2020 của Bộ Công an quy định rõ về lắp đặt biển quảng cáo tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar. Cụ thể, biển quảng cáo ngang đặt tại mặt tiền công trình, mỗi tầng chỉ được đặt một biển, chiều cao tối đa 2m; biển quảng cáo dọc phải bảo đảm chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m, nhưng không vượt quá chiều cao của tầng đặt biển quảng cáo, mặt ngoài biển quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình tối đa 0,2m… Quy định này nhằm tạo độ thông gió, tránh tụ khói bên trong tòa nhà cũng như thuận lợi cho việc cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy nổ, nhưng chẳng mấy cơ sở karaoke mà chúng tôi  ghi nhận thực hiện đúng quy định này.
 


Ngay đoạn đầu đường Phạm Viết Chánh (quận 1), các quán karaoke như A., K. cũng đều gắn biển quảng cáo gần như che kín mặt tiền. Đến cơ sở karaoke K.S. (phường 11, quận Gò Vấp), bên trong mỗi phòng karaoke đều được trang bị bàn ghế sofa hình chữ U, vách tường được thiết kế các lớp mút xốp cách âm, ván ép, tấm nhựa trang trí phù điêu và hệ thống đèn điện khắp phòng…

Bít bùng lối thoát

Trên tuyến đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), đứng từ xa cũng dễ dàng nhận ra quán karaoke K.T., phía trước được trang trí bằng khung quảng cáo rộng hàng chục mét vuông, kéo dài từ tầng 1 qua nóc tòa nhà. Cách đó không xa, quán karaoke G.Đ.E. thiết kế theo dạng hình hộp với một tầng trệt và 6 tầng lầu. Mặt trước của quán được trang trí biển quảng cáo bằng khung sắt kiên cố, rộng hơn 5m, cao 15m. Tương tự, các quán karaoke F.Y., Gia đình N.T… cũng được che kín mặt tiền bởi các biển quảng cáo bít bùng từ dưới lên trên.

 

Biển quảng cáo lớn của một số cơ sở karaoke
Biển quảng cáo lớn của một số cơ sở karaoke


Cũng như trên đường Sư Vạn Hạnh, hàng loạt quán karaoke trên nhiều tuyến đường ở các quận, huyện khác của TPHCM, cũng bị bịt kín bởi các biển quảng cáo bằng khung sắt kiên cố kèm theo hệ thống đèn led, dây điện chằng chịt. Đặc biệt, tại  khu phố Bùi Viện (quận 1), nhiều cơ sở hoạt động như quán bar, karaoke, beer club có dạng nhà ống nằm san sát nhau. Khoảng hở duy nhất là mặt tiền các căn nhà này cũng bị bịt kín bởi biển quảng cáo. Trong đó, quán S.B., N.S. được lắp các biển quảng cáo kiên cố bằng sắt nhô ra khỏi mặt tường tòa nhà gần nửa mét, bất chấp quy định về an toàn PCCC.

Không chỉ lắp đặt biển quảng cáo bít bùng từ dưới lên trên, các quán karaoke còn tận dụng tầng trệt làm nơi đậu xe máy cho khách đến hát. Vào các khung giờ cao điểm buổi tối hoặc ngày lễ, xe máy xếp chi chít từ trong nhà ra đến vỉa hè. Thậm chí, nhiều quán có lối đi chật đến nỗi hai người phải nghiêng vai, hóp bụng mới lách được qua nhau, nhưng cũng bị lấn chiếm làm nơi chất hàng hóa, để dụng cụ; các thiết bị PCCC không được trang bị, hoặc có cũng sơ sài, mang tính đối phó với cơ quan chức năng.

Từ thực tế chứng kiến tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, cho thấy, hiểm họa cháy nổ luôn chực chờ. Những “điểm chết” bao gồm hệ thống điện không được đấu nối chắc chắn; kết cấu không gian kín; nhiều thiết bị điện công suất lớn được sử dụng các vật liệu dễ bắt lửa; cầu thang bộ, hành lang chật hẹp, không đảm bảo số lối thoát hiểm; biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà. “Bước vào một quán karaoke là gần như giao tính mạng cho nhân viên, chủ quán, cơ quan chức năng, mà quên những “điểm chết” đang lơ lửng trên đầu”, khách đến hát tại một tụ điểm karaoke lo lắng.

 


Kiến trúc sư PHAN QUANG VINH, Công ty TNHH Kiến trúc và xây dựng An Gia: Quy hoạch khu vực dịch vụ karaoke riêng

Thực tế hiện nay, các quán karaoke thường thuê mướn nhà dân để cải tạo, phục vụ nhu cầu kinh doanh. Do vậy, việc cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Khi cải tạo sẽ làm thay đổi kết cấu của công trình, làm ảnh hưởng tuổi thọ công trình, công trình nhanh xuống cấp.

Nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của dịch vụ kinh doanh karaoke đối với người dân, các địa phương nên quy hoạch khu vực riêng về dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường. Nếu được quy hoạch riêng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân, cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng công trình; giải quyết được nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân.

Chị VÕ THỊ ANH NGỌC, quận Bình Tân, TPHCM: Cẩn trọng không thừa

Lâu nay đi karaoke, ít người quan tâm, để ý đến lối thoát hiểm. Đa số khách thấy các quán có thang máy, thang bộ, tổng cộng 2 lối là nhiều rồi; còn lối thoát hiểm khẩn cấp bên hông các tòa nhà khi xảy ra hỏa hoạn không bao giờ chú ý. Chưa kể, khi đến quán thường là “tăng 2” “tăng 3”, xỉn hết rồi còn ai quan tâm phòng cháy làm gì.

Giờ mỗi lần đi vào quán karaoke, tôi đều phải hỏi mấy bạn nhân viên phục vụ một câu phòng ngừa là: “Các lối thoát hiểm ở đâu?”. Hỏi cho chắc cú, lỡ có chuyện gì xui xui mình còn biết đường chạy…

Anh NGUYỄN VĂN DŨNG, ngụ quận 12, TPHCM: Đừng để “mất bò vẫn chưa làm chuồng”

Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy hàng loạt quán karaoke sai phạm về PCCC khi lắp biển quảng cáo từ tầng 1 lên đến sân thượng, có khi cao đến vài chục mét, rồi vào trong thì đèn laser hoa hết cả mắt, không biết đâu là lối đi, cũng chẳng thấy lối thoát nạn ở đâu. Cơ quan chức năng nên nghiêm khắc hơn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, hoặc có những biện pháp chế tài thật nặng. Còn nếu cứ như hiện nay thì không biết tai họa lại ập đến lúc nào.


Theo NHÓM PV (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…