Hẹn hò với sưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không riêng gì Tam Kỳ mà tại nhiều đô thị trẻ - nhất là các đô thị ở miền Trung, cây sưa vàng đang được đưa vào trồng dọc các tuyến phố ngày một nhiều hơn.  

Phố sưa ở Tam Kỳ. Ảnh: Phương Thảo
Phố sưa ở Tam Kỳ. Ảnh: Phương Thảo



Để đi đến quyết định này - cũng có thể là quyết định mang tính thử nghiệm, thăm dò, hẳn các nhà quy hoạch, kiến thiết đô thị đã nghiên cứu về đặc tính của loại cây này, từ khả năng sinh trưởng, phát triển, đến độ bám của rễ, sức chịu đựng trước các điều kiện thời tiết, trước thiên tai và nhất là độ bao phủ của tán lá.

Tôi không rành về các tiêu chuẩn của cây xanh đô thị, nhưng khi thấy cây sưa vàng xuất hiện trong phố, một cách cảm tính, cứ cho rằng... rất nên. Cây đủ cao, lá đủ dày để tỏa bóng xuống phố phường. Thân cây không quá lớn để phố có được những “khoảng trống” thoáng đãng cho tầm mắt người đi đường, cho những lứa đôi nghĩ đến chuyện hẹn hò...

Và hoa. Hoa sưa chỉ rộ vào tháng ba và mỗi đợt hoa chỉ vài ba ngày là hết. Nhưng màu của hoa thì đẹp đến khó cưỡng, vàng tươi, giòn giã, ấm áp như nắng xuân. Hoa đẹp đến độ, nếu chụp ảnh với sưa vàng, người chụp chẳng cần làm dáng thì vẫn có được những tấm ảnh đẹp. Hoa sưa vàng có một “năng lực” đặc biệt, đó là có thể che khuất, khỏa lấp những khiếm khuyết về tạo hình, để cùng người, giúp người phô diễn nhan sắc thanh xuân.

Tam Kỳ có mấy tuyến đường trồng toàn sưa vàng. Mỗi con đường có một cái tên, nhưng mỗi khi mùa hoa về, người yêu phố, yêu sưa lại chỉ gọi “đường sưa”. “Đường sưa” mùa hoa nở xôn xao như hội; người chen nhau chụp ảnh quay phim, trao nhau ánh nhìn, câu chào tươi tắn như hoa. Và “đường sưa” cũng thành chốn hẹn hò...

Nhiều người, khi xa Tam Kỳ, một trong những điều họ nhớ đến đầu tiên, nhớ nhất, là những con đường sưa, là những mùa hoa sưa... Nhớ, lẩm nhẩm hát, rồi như nghe văng vẳng trong đầu những ca từ dễ thương trong ca khúc của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải: “Phố mà có rừng cừa, phố vàng sắc hoa sưa...”.

Và đâu chỉ có vậy, nhớ về những con đường sưa của Tam Kỳ, người ta còn nhớ đến chao chát những hàng sưa mùa đông, như lúc này, khi sưa đang rũ lá. Những cánh tay sưa mảnh khảnh đưa lên trời, lặng lẽ. Nếu đúng lúc trời đang có mưa và lạnh, sẽ thấy một “màu đông” đặc trưng, khó quên...

Sưa vàng không phải, không hẳn là loại hoa đặc trưng, đặc hữu của Tam Kỳ. Nhưng khi đi từ những làng quê, từ một dải đất ven sông về phố, làm duyên cho phố, tạo dáng cho phố, sưa của Tam Kỳ và ở Tam Kỳ như đã có một cuộc hóa thân đẹp.

Theo BẢO ANH (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.