Hệ thống công viên huyện Chư Sê: Điểm nhấn đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường giao thông, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh…, huyện Chư Sê (Gia Lai) cũng dành nhiều nguồn lực để quy hoạch, phát triển hệ thống công viên trên địa bàn.
Góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
“Từ khi thị trấn Chư Sê được công nhận đô thị loại IV vào năm 2015 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã và đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng để thị trấn tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với vị thế là đô thị trung tâm phía Nam tỉnh. Trong đó, huyện Chư Sê đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch như quy hoạch chung xây dựng thị trấn Chư Sê (8 vị trí); quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm hành chính và khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn. Đặc biệt, hướng đến đô thị văn minh, năng động, huyện đã triển khai xây dựng công viên Phạm Văn Đồng nhằm đảm bảo nhu cầu vui chơi, giải trí và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…”-ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho biết.
Nằm giữa trung tâm thị trấn, công viên Phạm Văn Đồng đang được huyện Chư Sê đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Với nguồn vốn đầu tư hơn 34 tỷ đồng, công viên Phạm Văn Đồng khi đưa vào sử dụng kết hợp với các công viên sẵn có sẽ là điểm nhấn nổi bật cho trung tâm đô thị. Ông Lê Văn Minh-Trưởng ban Quản lý Công trình Đô thị và Vệ sinh Môi trường huyện Chư Sê-cho biết: Công viên Phạm Văn Đồng có quy mô hơn 5 ha. Công trình bắt đầu quy hoạch, đầu tư từ năm 2011, đến nay đã giải ngân hơn 14 tỷ đồng. Các hạng mục chính đã được đầu tư xây dựng gồm: trục đường chính bao quanh công viên; hệ thống điện; nước tưới; đường bê tông; dụng cụ tập thể dục; trụ đèn trung tâm; trụ chiếu sáng bao quanh; cổng công viên; trồng cây xanh; nhà rông; hồ bơi... Dự kiến năm 2019, huyện sẽ đầu tư thêm 5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường dạo bộ, trồng cây xanh, thảm cỏ, làm sân lễ hội...
 Công viên Văn hóa Kpă Klơng cùng công trình đường gom khu vực trung tâm thị trấn đã mang lại cho huyện Chư Sê một diện mạo mới. Ảnh: T.D
Công viên Văn hóa Kpă Klơng cùng công trình đường gom khu vực trung tâm thị trấn đã mang lại cho huyện Chư Sê một diện mạo mới. Ảnh: T.D
Hiện nay, người dân huyện Chư Sê rất phấn khởi vì được vui chơi, tập thể dục dưỡng sinh, giải trí trong không khí mát lành. Chỉ tay về phía công viên, ông Võ Luông (tổ dân phố 10, thị trấn Chư Sê) kể thêm: “Trước đây, khu vực này khá vắng vẻ, ít người sinh sống, cỏ dại mọc um tùm nên nhiều rắn rết, ruồi muỗi… Sau khi huyện quy hoạch làm công viên, có hồ nước, cây xanh, sân bóng, khu tập thể dục…, dân cư cũng dần đông đúc, nhà cửa mọc lên nhiều hơn nên người dân chúng tôi rất phấn khởi vì vừa có môi trường sống sạch đẹp hơn, vừa có chỗ cho người già đi dạo, trẻ con vui chơi. Đời sống nơi đây đang dần tươi mới hơn nhiều”. Đối với những bạn trẻ như Đinh Thị Diễm Thúy (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) thì: “Công viên này đang trở thành điểm đến của tôi và bạn bè mỗi dịp cuối tuần thay vì chỉ ngồi ở quán cà phê. Với không gian rộng rãi cùng nhiều cảnh quan đẹp, chúng tôi tha hồ trò chuyện hay chụp hình lưu niệm cùng nhau”.
Điểm tựa cho phát triển du lịch
Cùng với công viên Phạm Văn Đồng, công viên văn hóa Kpă Klơng thực sự là điểm đến của du khách cũng như người dân địa phương. Nằm ở trung tâm thị trấn Chư Sê với diện tích gần 3 ha được thiết kế mở với một số hạng mục mang đậm nét văn hóa truyền thống bản địa như nhà rông giữa công viên, đài phun nước mô phỏng hình tượng ghè rượu, hệ thống cây xanh..., công viên Văn hóa Kpă Klơng cùng công trình đường gom khu vực trung tâm thị trấn đã mang lại cho huyện Chư Sê một diện mạo mới, khang trang, thông thoáng, sạch đẹp.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công viên trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục-thể thao của người dân; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các công viên cũng góp phần chỉnh trang, nâng cấp đô thị từ loại IV lên loại III và đây cũng là một trong những hạng mục góp phần giúp thị trấn trở thành thị xã sau này. Ngoài chức năng phủ xanh đô thị, thân thiện với môi trường, các công viên còn là điểm đến lý tưởng, thú vị của người dân và du khách, là động lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch của địa phương.
“Thời gian tới, huyện sẽ bố trí thêm kinh phí đầu tư để hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan, hệ thống cây xanh, hệ thống thoát nước đảm bảo môi trường, hệ thống wifi công cộng miễn phí, bể bơi đạt chuẩn thi đấu quốc gia phục vụ cho thi đấu thể thao và tổ chức các sự kiện thể thao, là điểm tập bơi để hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước. Trong năm 2019, huyện sẽ tiến hành quy hoạch để xây dựng thêm công viên Hồ Nước ở phía Bắc thị trấn Chư Sê nhằm đáp ứng quá trình đô thị hóa, góp phần xây dựng đô thị Chư Sê ngày càng văn minh, hiện đại”-ông Nguyễn Hồng Linh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Linh, công viên Phạm Văn Đồng, công viên Văn hóa Kpă Klơng cùng với tuyến đường Phan Đình Phùng sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, tuyến đường Phan Đình Phùng được xây dựng theo quy mô đường giao thông đô thị có chiều dài 0,7 km, chiều rộng mặt đường 15 m, tổng kinh phí khoảng 15,9 tỷ đồng gồm các hạng mục như mặt đường thảm nhựa, dải phân cách trồng cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, lát vỉa bằng đá bazan… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là cơ sở để mở rộng thị trấn Chư Sê theo trục ngang, tạo mỹ quan đô thị cũng như diện mạo mới cho đô thị trẻ đầy tiềm năng.
Tấn Dung

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.