Hai văn bản ông Vũ Văn Ninh đã ký khi cổ phần hóa Cảng QuyNhơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ những sai phạm, khuyết điểm trong quá trình cổ phần hóa, hơn 75,01% vốn của Cảng Quy Nhơn do Nhà nước sở hữu đã được chuyển nhượng cho tư nhân. Cho đến nay, những nỗ lực thu hồi lại số cổ phần này của Vinalines vẫn chưa có kết quả. 
Tại kỳ họp thứ 35 (diễn ra từ ngày 24 - 26/4/2019), Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã thực hiện xem xét các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan đến thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Theo UBKT, vi phạm của BCSĐ Bộ GTVT và một số cá nhân đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành GTVT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Kết luận của UBKT cho thấy một bức tranh ảm đạm đằng sau thành tích “đi đầu” về cổ phần hóa mà Bộ GTVT đã đạt được nhiều năm trước đó.
Trong một chi tiết đáng chú ý, UBKT cũng đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm, thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Văn Ninh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) vì có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Được biết, tại hội nghị tổng kết công tác cổ phần hóa vào tháng 12/2015, ông Vũ Văn Ninh (trên cương vị Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp khi đó) đã đánh giá Bộ GTVT “đi đầu trong thực hiện công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN” với “thành tích” triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch được phê duyệt (giai đoạn 2011 - 20215).
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, trường hợp của Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn (nay là CTCP Cảng Quy Nhơn - Mã CK: QNP) - đơn vị sở hữu cảng Quy Nhơn - cho đến nay vẫn còn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.
 
Ông Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ GTVT tổ chức ngày 9/12/2015 (Ảnh: mt.gov.vn)
Hai văn bản có chữ ký của ông Vũ Văn Ninh khi CPH Cảng Quy Nhơn
Ngày 4/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 276/QĐ-TTg về Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012 - 2015. Trong đó, nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ tại QNP sau cổ phần hóa.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 17/9/2018, Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ (VPCP) sau đó đã mắc nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này.
Cụ thể, ngày 4/4/2013, Bộ GTVT đã có văn bản số 2900/BGTVT-QLDN đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Nhà nước chỉ nắm giữ 49% vốn điều lệ QNP. Tới ngày 7/3/2014, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản số 9210/BGTVT-QLDN đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn trong công ty này.
Các công văn nêu trên được Thanh tra Chính phủ xác định không đúng với nội dung đề án tái cơ cấu Vinalines của Thủ tướng Chính phủ trước đó.
Mặc dù vậy, dựa trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, ngày 27/5/2013, VPCP vẫn thực hiện tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 747/TTg-ĐMDN về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ là 49% vốn.
Bên cạnh đó, mặc dù đề nghị cho bán hết 49% vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn của Bộ GTVT là thiếu cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn nhưng ngày 8/9/2014, VPCP vẫn trình Phó Thủ tướng ký ban hành Văn bản số 1652/TTg-ĐMDN cho bán hết 49% vốn Nhà nước.
Đáng chú ý, cả 2 văn bản nêu trên do VPCP đề xuất đều do ông Vũ Văn Ninh trên cương vị Phó Thủ tướng ký ban hành.
Về quá trình thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, theo Thanh Tra Chính phủ, việc Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% vốn tại QNP cho Công ty Hợp Thành (tên đầy đủ: CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành) theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm các quy định pháp luật.
Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải thu hồi về sở hữu Nhà nước đối với 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành.
Được biết, số tiền  thu về từ việc chuyển nhượng là 536,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thu hồi lại số cổ phần này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thu hồi cổ phần Cảng Quy Nhơn kéo dài
Năm 2018, trả lời phỏng vấn báo chí 1 tuần trước khi Thanh tra Chính phủ ký kết luận thanh tra về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, ông Lê Hồng Thái - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cảng Quy Nhơn - đã phát đi những tín hiệu lạc quan về vấn đề này.
Ông Thái cũng từng là người sáng lập và đại diện cho Công ty Hợp Thành – doanh nghiệp từ nhà đầu tư chiến lược đã trở thành chủ của Cảng Quy Nhơn. Vào tháng 3/2017, ông Thái đã bán hết vốn nắm giữ tại Công ty Hợp Thành, ngay sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương có ý kiến yêu cầu xem lại quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.
 
Ông Lê Hồng Thái (thứ 2 từ trái qua) tại buổi tiếp nhận cổ phần Cảng Quy Nhơn (Nguồn:Cảng Quy Nhơn)
Ông Lê Hồng Thái đã đưa ra nhiều dẫn chứng khẳng định Công ty Hợp Thành đã làm thật khi mua lại Cảng Quy Nhơn và cho thấy nhà đầu tư này sẵn sàng trả lại số cổ phần đã nhận chuyển nhượng dù thương vụ đã được hoàn tất từ lâu.
“Vì lợi ích quốc gia, không riêng chúng tôi mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nghĩa vụ thực hiện” - ông Lê Hồng Thái nói với báo Lao Động.
Trong khi đó, trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Quyền Tổng Giám đốc Vinalines (đơn vị được giao “đòi” lại số cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn) - khẳng định “có đủ tiền để trả lại cho Công ty Hợp Thành”.
Tưởng chừng như với sự sẵn sàng của 2 bên, thương vụ này sẽ nhanh chóng được tiến hành nhưng sau 1 năm có kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi lại số cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước bán sai phạm tại QNP vẫn chưa ghi nhận nhiều tiến triển. 
Ngày 8/4/2019, Vinalines đã có công văn đề nghị tạm dừng cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của QNP để chuẩn bị cho công tác bàn giao 75,01% cổ phần theo kết luận thanh tra.
Trước đó, Vinalines cũng đã có báo cáo gửi Bộ GTVT thống kê nhiều khó khăn trong quá trình thu hồi 75,01% vốn Nhà nước ở Cảng Quy Nhơn. Trong đó, Vinalines cho biết Công ty Hợp Thành đã đề xuất mức giá 751,4 tỷ đồng cho lô 30,3 triệu cổ phần QNP, cao hơn khoảng 335 tỷ đồng so với giá mua cách đây 4 năm.
Nhà đầu tư này đã đưa ra 4 lý do để chứng minh sự hợp lý của đề xuất trên.
Thứ nhất, giá trị gốc Công ty Hợp Thành đã thanh toán cho Vinalines khi mua 75,01% cổ phần QNP là 415 tỷ đồng. Thứ hai, giá trị của cảng Quy Nhơn tăng lên từ khi Công ty Hợp Thành tham gia quản lý, điều hành là 336 tỷ đồng. Thứ ba, chi phí cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp cùng ngành cảng biển là 78,4 tỷ đồng.
Cuối cùng là giá trị đầu tư công sức, chất xám, trí tuệ trong giai đoạn quản lý, điều hành để nâng cao năng suất, doanh thu, lợi nhuận cho QNP cùng mức tổn thất của nhà đầu tư trong lợi nhuận kế hoạch tương lai đã xác định trong phương án kinh doanh mất đi khi thực hiện thoái 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn được “định giá” là 26,5 tỷ đồng.
Trong khi mức giá chuyển nhượng vẫn còn là vướng mắc, ngày 9/4/2019, Hội đồng quản trị QNP đã quyết định hoãn họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 và sẽ tiến hành tổ chức sau. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể, điều này cũng đồng nghĩa quá trình thương lượng giữa 2 bên xem ra vẫn chưa đem lại kết quả.
Phạm Duy (VietTimes)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.