Hà Nội xây dựng thành phố thông minh: Chồng chất các vấn đề đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hiện nay, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lớn đang tập trung xây dựng nền tảng thành phố thông minh.

Vậy, thành phố thông minh là gì? Người dân được lợi gì khi sống trong thành phố thông minh? Xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội có gì khác so với các thành phố khác?...

Đây là những vấn đề được người dân cả nước nói chung, người dân Thủ đô nói riêng đặc biệt quan tâm.

Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 đã chỉ rõ, Hà Nội phải phấn đấu để thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Hà Nội đang tích cực thực thi nhiệm vụ này bằng những bước đi đầu tiên trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.


 

Một góc khu đô thị mới Mỹ Đình , huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Một góc khu đô thị mới Mỹ Đình , huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)



Xu thế tất yếu

Thành phố thông minh hay đô thị thông minh được hiểu là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Phát triển theo hướng “thông minh” là sự lựa chọn mang tính tình nguyện. Trên thế giới có khoảng 180 thành phố thông minh.

Song, trong thực tế bùng nổ công nghệ số, việc nắm bắt và làm chủ công nghệ, xây dựng thành phố thông minh trở thành nhiệm vụ tất yếu, đặc biệt đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, một thành phố năng động như Hà Nội. Bởi vậy, sự tình nguyện ấy còn mang tính bắt buộc.

Đảng, Nhà luôn chú trọng việc phát triển Thủ đô Hà Nội - thành phố rộng hơn 3.000km2 với 7,65 triệu dân thành một đô thị hiện đại, đáng sống.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, thu hút, trọng dụng nhân tài cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới xây dựng hình ảnh thành phố đô thị văn minh - năng động - hội nhập.

Nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội bổ sung tại Nghị quyết về việc điều chỉnh “Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020,” đồng thời nâng kinh phí thực hiện chương trình từ 1.252 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng thành phố thông minh.

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, tiến trình xây dựng thành phố thông minh của thành phố gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh; giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến năm 2025) hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; giai đoạn 3 (từ sau năm 2025) sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Hiện nay, Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế, môi trường, năng lượng, bảo đảm an ninh trật tự…

Công dân “Thủ đô thông minh” được gì?

Lợi ích hai chiều thành phố thông minh mang lại rất rõ nét, một mặt là công cụ chủ yếu để cải cách hành chính, giúp giảm chi phí quản lý bộ máy chính quyền, chi phí của doanh nghiệp; mặt khác lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, mang lại môi trường tích cực, an toàn cho công dân.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nền tảng chính quyền điện tử dần được hình thành tại Thủ đô Hà Nội.

Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu dân và kết nối mạng WAN đến tất cả các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã cùng 584 xã, phường, thị trấn.

Đáng chú ý, đã có 538/1.833 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, mức độ 4.

Với nền tảng trên, năm 2018, Hà Nội tập trung xây dựng, hình thành Trung tâm Điều hành thông minh và triển khai một số thành phần cơ bản của các hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh.

Thành phố đang hình thành, hoàn thiện 3 trung tâm chức năng của Trung tâm Điều hành thông minh gồm Trung tâm giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm hỗ trợ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin; Trung tâm quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông.

Một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh như hệ thống thông tin giao thông tích hợp; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh… đang được xây dựng.

Đặc biệt, người dân 4 quận nội thành Hà Nội đã được tiếp cận hệ thống hỗ trợ tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe qua điện thoại thông minh (iParking) tại các điểm trông giữ xe ôtô.

Thành phố đã nhân rộng mô hình này từ 17 điểm lên 146 điểm và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân nhờ sự tiện dụng, minh bạch, tránh tình trạng “chặt chém” khi gửi xe.

Đối với việc xây dựng hệ thống du lịch thông minh, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2018 nêu rõ, các thành phần cơ bản của hệ thống này sẽ được hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng trong năm nay gồm Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng mobile; bản đồ số du lịch Hà Nội; phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch.

Ngoài Trung tâm Điều hành thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, Hà Nội cũng đang tập trung thiết lập các thành phần cơ bản của thành phố thông minh như hệ thống năng lượng thông minh, giáo dục thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh… hướng tới việc mang lại môi trường sống tích cực hơn cho công dân.

Nhờ đó, người dân Thủ đô có thể được sử dụng năng lượng với chi phí thấp, đi lại thuận tiện, chăm sóc sức khỏe toàn diện… Đặc biệt, người lao động sẽ có thêm cơ hội học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập, tăng khả năng cạnh tranh trên trường thế giới.

Những điểm ưu việt của một thành phố thông minh là khá rõ ràng. Song với xuất phát điểm là Thủ đô của đất nước nông nghiệp, một trong những địa phương đi đầu, làm điểm với khối lượng công việc đồ sộ, việc xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội chắc chắn gặp không ít khó khăn cần tập trung giải quyết.

Chồng chất các vấn đề đô thị

Theo các chuyên gia về kiến trúc đô thị, thách thức lớn hiện nay trong xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam là sự hình thành, phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, năng lực cạnh tranh của đô thị không cao, chất lượng đô thị yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, trật tự đô thị luôn là vấn đề nóng. Tại Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân thành phố khóa XV có 195/297 kiến nghị thuộc lĩnh vực đô thị và kinh tế, chiếm 65,7% tổng số kiến nghị.

Con số này ở Kỳ họp thứ 5 là 153/229 kiến nghị, chiếm 66,8% và tại Kỳ họp thứ 6 là 165/227 kiến nghị, chiếm 72,7%. Tỷ lệ trên cho thấy cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm đến kinh tế và đô thị.

Cách đây 10 năm, Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, với quỹ đất rộng gấp 3,6 lần. Hà Nội đã khang trang hơn nhờ sự ra đời của nhiều khu đô thị mới và các tuyến đường huyết mạch như đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội-Lào Cai, tuyến Nhật Tân-Nội Bài...

Các quy hoạch phân khu, quỹ đất dành cho y tế, giáo dục... đều cơ bản được hoàn thành. Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây, Xuân Mai được định hướng trở thành các khu đô thị vệ tinh, góp phần giảm áp lực cho vùng đô thị lõi.

Tuy nhiên, đến nay tình trạng quá tải hạ tầng vẫn đang diễn ra gay gắt. Khu đô thị, chung cư mọc lên ngày càng nhiều ở nội đô, tạo thêm áp lực cho các bệnh viện, trường học công lập.

Trong khi đó, các “cực đô thị” vẫn quá đìu hiu, vắng vẻ, Phú Xuyên, Sóc Sơn… cơ bản vẫn là những huyện thuần nông. Riêng Hòa Lạc đã thu hút 81 dự án với tổng số vốn 66.000 tỷ đồng, giao đất trên 360ha nhưng vẫn ngổn ngang, vắng vẻ.

Về giao thông, tiêu chí đầu tiên của giao thông thông minh là chấm dứt tình trạng tắc nghẽn, tích hợp nhiều loại hình giao thông tân tiến, đáp ứng mọi nhu cầu đi lại của người dân.

Thành phố Hà Nội đã có nhiều tuyến đường cao tốc, đường vành đai. Trong 10 năm, thành phố đã xây mới 223km đường, hoàn thành 9 cầu vượt nhẹ, 37 hầm bộ hành, 33 cầu đi bộ, 8 hầm chui cơ giới, 68 hầm chui phục vụ dân sinh…

Tuy nhiên, sự phát triển của hạ tầng giao thông vẫn chưa bắt kịp nhu cầu thực tế. Tình trạng tắc đường và các điểm ngập úng trong khu vực nội đô vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều người.

Mới đây nhất, cơn mưa xảy ra vào cuối tháng 7 khiến đường phố ngập sâu, tắc nghẽn nhiều giờ, nhất là trên các tuyến phố được coi là “điểm đen” như Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng, Vương Thừa Vũ…

Các tuyến đường sắt đô thị cũng đang dần hiện hữu trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên chưa có một dự án nào hoàn thiện, không ít dự án chậm tiến độ, đội vốn lên hàng nghìn tỷ đồng.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhận định, Hà Nội sắp đạt đến ngưỡng của một siêu đô thị, nhưng quá trình tăng dân số lại không tỷ lệ thuận với sự cung ứng hạ tầng và quản lý đô thị.

Thành phố thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng và phúc lợi xã hội. Cứ giữ tình trạng này, sau một đến hai thập kỷ nữa, tình trạng bế tắc, quá tải của hệ thống giao thông sẽ ngày càng nan giải.

Vấn đề không của riêng ai

Quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường hay các thách thức trong phát triển công nghệ, đảm bảo an ninh mạng… không phải là vấn đề của riêng Hà Nội. Đây là khó khăn mà nhiều siêu đô thị trên thế giới đã hoặc đang phải đối mặt.

Tại Tokyo, Nhật Bản, ước tính khoảng 11 triệu người sử dụng tàu điện ngầm mỗi sáng, nhân viên các trạm tàu điện buộc phải “chèn ép” hành khách trong khi mỗi hành khách cố gắng chiếm lấy từng cm khoảng không ít ỏi.

Ở Hong Kong (Trung Quốc), do giá nhà đất quá cao, khoảng 200.000 người đang phải sống trong những căn nhà siêu nhỏ, có căn chỉ 5m2, các chuyên gia phân tích đã cảnh báo nguy cơ thị trường bất động sản "sụp đổ" ở khu vực này…

Vấn đề xảy ra tại những thành phố lớn trên thế giới chỉ ra rằng, thiết bị, phần mềm có thông minh đến đâu cũng trở nên vô dụng nếu không đáp ứng nhu cầu của người dân, không đảm bảo an toàn. Hà Nội cần nhìn vào đó để rút kinh nghiệm, đưa ra lộ trình xây dựng thành phố thông minh một cách khả thi, tránh lãng phí tiền của, nhân lực.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào tháng 7/2018, ông Eric Garcetti, Thị trưởng thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ) chia sẻ, Los Angeles cũng từng chịu tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, chỉ sau 30 năm xây dựng thành phố với những chính sách hợp lý, mức độ ô nhiễm không khí đã giảm được 90%.

Los Angeles luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Hà Nội giải quyết các vấn đề đô thị, tiến tới xây dựng thành phố thông minh.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Thục, muốn đổi mới, đô thị phải được quy hoạch theo dạng hợp tác giữa chính quyền, nhà chuyên môn, nhà đầu tư với cơ chế chủ động tham gia và giám sát của người dân tại địa điểm quy hoạch. Đây không phải việc của riêng chính quyền đô thị mà là công việc của mỗi công dân đô thị.

Cũng theo các chuyên gia, mục đích cuối cùng của xây dựng thành phố thông minh là tạo ra sự tiện lợi cho dân cư. Kiến trúc phải kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại với yếu tố truyền thống và sự thân thiện với môi trường.

Mức độ thụ hưởng các tiện ích không quá chênh lệch giữa các nhóm cư dân. Chỉ số về môi trường phải được cập nhật liên tục để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Cơ sở dữ liệu được liên thông nhưng phải có tính bảo mật cao, tránh rò rỉ hoặc sử dụng thông tin cá nhân sai mục đích…

Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ, tiếp thu cái mới, quá trình xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội cũng phải đảm bảo kế thừa, phát huy nét đẹp riêng có trong văn hóa để phát triển bền vững, lâu dài.

Văn Cảnh-Mai Linh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều nhà văn hóa trên địa bàn thị xã An Khê được lắp đặt hệ thống dụng cụ thể thao ngoài trời để đáp ứng nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe của người dân. Ảnh: N.M

An Khê đẩy mạnh xây dựng khu dân cư văn hóa

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay, tất cả thôn, làng, tổ dân phố ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đều đạt tiêu chí văn hóa và tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí này.

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Cấp phép môi trường thực hiện dự án Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai

Cấp phép môi trường thực hiện dự án Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai

(GLO)- UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 531/GPMT-UBND về việc cấp phép môi trường cho Công ty cổ phần Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của dự án Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai (tại 238 Lê Duẩn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.