'Gửi' trâu, bò trên dãy Hoành Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Khi đã xong việc ruộng nương, họ đưa đàn gia súc của mình lên dãy Hoành Sơn thả hoang rồi phó mặc cho núi rừng. Đến khi lúa chín vàng đồng, họ lại cặm cụi đi tìm

Buổi chiều oi ả của ngày hè nóng bức sau mùa gặt, trên các ngả đường quê ở xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã thấy hàng đàn gia súc chia từng tốp nhỏ men theo các con đường quê tiến vào dãy Hoành Sơn. Phía sau đoàn trâu, bò là những người dân xách nách đủ thứ đồ dùng.

Nhờ rừng trông hộ

Thấy chúng tôi hiếu kỳ, ông Chu Đức Thanh (55 tuổi; ngụ xã Quảng Kim) giải thích rằng họ đang đưa trâu, bò đi vào rừng để "gửi" nhờ trông hộ.

Lân la hỏi chuyện, chúng tôi mới biết cách làm lạ lùng này của người dân, vì không phải chăn thả nhưng vẫn quản lý chặt như ở các vùng khác, mà là như "cá cược với Trời" do đàn trâu, bò được "gửi" tháng này qua tháng khác trong rừng sâu ngút ngàn.

Đàn bò nhà ông Thanh có 5 con. Tay ông cầm roi điều khiển hướng đi của đàn bò. Thi thoảng, miệng ông hô to: "ùi ùi" (nghĩa là đi), "hò hò" (nghĩa là dừng lại). Những câu này là khẩu lệnh mà bà con nơi đây vẫn dùng để chỉnh đường đi, nước bước của đàn gia súc nhà mình.

Ông Chu Đức Thanh đang “gửi” đàn trâu trên dãy Hoành Sơn
Ông Chu Đức Thanh đang “gửi” đàn trâu trên dãy Hoành Sơn

Vượt chừng hơn 5 km đường rừng đến chân đèo Ngang (ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) của dãy Hoành Sơn, ông Thanh cho đàn bò dừng lại uống nước. "Trâu, bò thả trên rừng này như kiểu cá cược vậy. Có nhiều trường hợp đàn gia súc vừa mới lên đến rừng hai tháng thì chết cả đàn. Chúng chết vì rét, bệnh tật... Cũng có những đàn sinh ra đã ở rừng, quen với khí hậu trên này nên béo tròn quanh năm" - ông Thanh nói.

Đàn bò của ông Thanh đi liên tục gần nửa ngày đường nên tỏ ra rất mệt. Khi gặp một con suối, chúng vội chia nhau ra từng vị trí đắm mình trong dòng nước. Chúng quật đuôi đành đạch, mũi cứ phì ra như những con hà mã khát bùn.

Chúng tôi theo đoàn người cuốc bộ hơn 7 km đường rừng thì đến địa điểm mà những người nông dân chọn làm nơi gửi "cả cơ nghiệp". Trước mắt chúng tôi là một vùng núi mênh mông, dường như lâu lắm không có dấu chân người lui tới. Thi thoảng nghe tiếng động loạt xoạt. Đấy là khi những con trâu, bò luồn rừng đi tìm nguồn thức ăn, nước uống.

Trâu, bò của người dân “gửi” lên rừng quanh năm trên dãy Hoành Sơn

Trâu, bò của người dân “gửi” lên rừng quanh năm trên dãy Hoành Sơn

Vượt thêm 2 km đường núi, men theo con đường lởm chởm đá tai mèo, chúng tôi lên đến đỉnh Hoành Sơn. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra các triền núi đầy cỏ tranh xung quanh, thấy trâu, bò chắc phải cả trăm con của người dân từ các xã quanh vùng, như: Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Đông. Những đàn trâu say sưa gặm cỏ, như được trở về với chính ngôi nhà của mình. Đỉnh núi này thoắt nắng, thoắt mưa như bốn mùa gối đầu nhau trong một ngày vậy.

Theo người dân nơi đây, đợt gửi trâu hằng năm sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3 âm lịch. Khi đó, vụ mùa tạm thời kết thúc. Đến tháng 8, đàn trâu mới rời rừng già về với chủ để cày cấy. Sau vụ mùa tháng 10, họ lại gửi trâu vào rừng để "ăn Tết". Trong suốt những ngày tháng dài đằng đẵng, đàn trâu lang thang qua các dãy núi sâu để kiếm thức ăn và sống đời hoang dã.

Vô số biến cố

Việc "gửi" đàn gia súc của người dân thoáng nghe có phần đơn giản, bởi nó giúp bà con nông dân bớt vất vả vì phải bỏ công chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng vì phương pháp chăn thả tự nhiên này đã khiến đàn gia súc bị "rừng hóa" và trải qua vô số biến cố may rủi và "đầu cơ nghiệp" có thể không quay về được với chủ nữa.

Ông Từ Văn Nghị (48 tuổi, ở xã Quảng Kim) kể cách đây 5 năm, trong một đợt dịch bệnh, trâu, bò thả trên rừng nối nhau chết từng đàn. Khi bà con lên rừng tìm, ai cũng ngồi sụp xuống đất khóc ròng vì trâu, bò chết hàng loạt. Nhìn xác trâu, bò chết, lòng quặn thắt. Nhiều người vì thế lâm vào cảnh nợ nần, tán gia bại sản.

Theo ông Nghị, trước đây đàn trâu của ông có 7 con, cũng bằng phương pháp "gửi" cho rừng mà chết dần, nay chỉ còn 3 con.

"Năm đó, tui phải đi gánh thịt trâu, bò thường xuyên. Cứ sáng ra là có người đến kêu nhìn thấy trâu chết. Có nhiều đàn chết đến 3 năm sau mới tìm thấy, chỉ còn lại từng đống xương. Năm ấy, tiếc nhất là con trâu nghé mới được năm rưỡi tuổi, béo đẹp lắm!" - ông Nghị ngậm ngùi.

Việc "gửi" trâu, bò vào rừng cũng có nhiều chuyện đau lòng. Vì khi trâu, bò được đưa vào rừng, bản tính hoang dã của chúng sẽ được đánh thức, nên nhiều khi chúng trở thành mối hiểm họa cho chính người chủ. Có người sau mấy tháng đi tìm lại đàn trâu, đã bị chúng lao vào húc bị thương, nhiều người thấy trâu của mình mà phải bỏ chạy thục mạng. Thậm chí, có người phải bỏ mạng giữa rừng vì bị trâu húc.

Ông Thanh kể lo đàn trâu, bò bị rừng hóa là một chuyện; còn lo nữa là nhiều kẻ xấu đã lợi dụng việc này để vào bẫy, bắt trâu giết thịt. Ngày trước, chuyện mất trâu, bò xảy ra như "cơm bữa", nay mọi người năng vào rừng trông nom hơn nên việc mất trộm đã ít xảy ra.

Thắc mắc việc "gửi" trâu, bò vào rừng lắm rủi ro, sao người dân lại chọn cách này? Nhiều người dân cho biết đây là tập quán lâu nay, vì trong rừng có nhiều cỏ tranh. Với lại, hiện giờ ruộng nương ngày càng hẹp dần. Mùa hè đồng khô, cỏ chết nên nguồn thức ăn hạn hẹp, phải "gửi" trâu, bò vào rừng đỡ tốn công chăm sóc. Khi đến mùa vụ, mùa rét lại tìm về chăm bẵm. Thi thoảng 1-2 tháng, người dân lại lên rừng thăm dò để nắm bắt tình hình của chúng.

Nhưng ngoài rủi ro thì cũng có cái may, vì sau khi "gửi" trâu, bò cho núi rừng vài tháng, khi lùa về lại thấy có thêm vài con nghé. Có gia đình nhờ vậy mà dần dần xây được nhà, sắm xe máy.

Bẫy cũng rất khó

Những đàn trâu, bò sống lâu năm trên rừng, dần sinh đàn đẻ lứa. Không ít người chủ dù biết đó là trâu, bò nhà mình nhưng không làm cách nào để lùa chúng trở về lại nhà, phải thuê thợ bẫy.

Thợ bẫy lấy tiền công mỗi con trâu có khi lên tới 1 triệu đồng. Anh Phan Văn Bình, ngụ xã Quảng Hợp, kể do chăn thả ở rừng cả năm trời nên anh bất lực trước 4 con bò của nhà mình đã bị "rừng hóa". Dù đã thử qua nhiều cách nhưng không tài nào bắt về được, đành phải thuê thợ bẫy. Khi bẫy được thì chúng đều bị thương nặng, buộc phải gọi họ hàng, người quen lên rừng sâu để thịt bò, mang về bán.

Ông Đàm Văn Đô (63 tuổi, ngụ xã Quảng Châu) và đội săn của ông là một trong những nhóm thợ bẫy "gạo cội" của người dân vùng này. Ông Đô kể những đàn trâu, bò sống ở rừng lâu năm cứ thấy người là lao như tên lửa, không kể bụi rậm, nên rất khó để đưa chúng về được. Ông lanh lợi nên nhận bắt giùm cho các chủ trâu, bò khi họ cần. Công việc này gặp vô số nguy hiểm, rất vất vả, nhưng trời phú cho sức khỏe nên cứ làm.

Nhóm thợ bẫy đang xử lý con bò đã bị “rừng hóa”

Nhóm thợ bẫy đang xử lý con bò đã bị “rừng hóa”

Trưa nắng gắt, ông Đô cùng đội thợ săn gồm 3 thanh niên lực lưỡng, tranh thủ ăn vội nắm cơm đùm, rồi chuẩn bị dây thừng, gậy, dao để "bẫy" một đàn bò.

"Tui bẫy ở đây được 10 năm nay rồi. Hiện trên vùng rừng này còn khoảng trên 100 con trâu, bò thuộc dạng "rừng hóa". Những con này thấy người là lao tới để húc, hai mắt xanh lè" - ông Đô nói.

Theo ông Đô, việc bẫy đàn trâu bò rất khó, đặc biệt giữa địa hình rừng núi hiểm trở. Khi giăng bẫy thành công, ông cùng nhóm thanh niên dùng gậy gộc chiến đấu, lùa chúng vào nơi đã "bày binh bố trận" mới hy vọng bắt được. Khi chúng dính bẫy thì đặt dây thòng lọng quàng cổ, trói chân bắt từng con. Thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng những người thợ săn nói nếu không nhanh trí, quyết liệt và gan lì thì sẽ dễ bị trâu húc hoặc giẫm lên chân, rất nguy hiểm.

Trời chập choạng tối. Từng nhóm người tản ra ngắm nghía đàn trâu, bò của mình, có người vuốt ve chúng một lát rồi về, để cho chúng quen hơi chủ. Có một điều đặc biệt, dù không hề làm dấu nhưng những người chủ nơi đây không bao giờ nhận nhầm trâu, bò của nhau, giữa hàng trăm con hao hao gặm cỏ giữa núi rừng. Từ xa, họ đã chỉ ra đàn trâu, bò của mình, rất chính xác.

Nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao

Ông Đàm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Châu, cho hay tình trạng thả rong trâu, bò trong rừng của người dân vùng này đã tồn tại từ bao đời nay. Những năm gần đây, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con làm chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ để phát triển đàn trâu, bò một cách bền vững. Bởi trâu, bò được thả rông trong rừng đa số là loại chất lượng thấp và giá trị không cao. Không những thế, chăn nuôi theo cách này thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, vì đàn trâu, bò không được tiêm phòng đầy đủ. Cùng với đó, việc chăn thả hoang dã có lúc gây nguy hiểm cho chính người chủ.

Link bài gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/gui-trau-bo-tren-day-hoanh-son-20230722191149424.htm

Có thể bạn quan tâm

Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay

Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay

Từ một người khuyết tật, chị Nguyễn Thị Huyền đến từ Đắk Nông không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Chị chia sẻ: “Đẹp không chỉ ở nhan sắc, đi không chỉ nhờ đôi chân, chim cánh cụt vẫn có thể bay nếu chúng ta đủ niềm tin và nghị lực”.
Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 3: Đối đầu với quân đội Nhật ở An Khê

Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 3: Đối đầu với quân đội Nhật ở An Khê

(GLO)- Trước khí thế sôi sục của Nhân dân từ nông thôn đến thành thị trên cả nước đang vùng lên như nước vỡ bờ, Tri huyện Tân An Phan Sĩ Sàng đã bỏ trốn; quân đội Nhật lặng lẽ rút khỏi An Khê. Đoàn Thanh niên Chấn Hưng cử anh Trần Thông cùng một số thanh niên cốt cán vào Đồn Bảo an gặp Đội Kiệt để giải thích hiện trạng đất nước, địa phương và đề nghị giải giáp vũ khí, giải tán lính Bảo an ở huyện lỵ.
Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 2: “Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ”

Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 2: “Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ”

Ư(GLO)- Đỗ Trạc thường đọc cho bạn bè ở vùng An Sơn nghe trong giai đoạn anh từ Huế trở về quê để chờ thời, chuẩn bị cho một hành trình mới trong đời, đó là những câu đầy trăn trở trước thời cuộc: “Nào ai tỉnh, nào ai say/Lòng ta ta biết, chí ta ta hay/Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ/Hà tất cùng sầu đối cỏ cây…” (Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác-người theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh). Một số thanh niên và trí thức nông thôn ở An Khê bấy giờ đang hoang mang, đứng ở ngã ba đường. Không khí chiến tranh khá ngột ngạt bao trùm khắp nơi, các tổ chức yêu nước bị giặc khủng bố, đàn áp.
Rước rể

Rước rể

Khi cô gái Êđê muốn lấy người con trai ưng ý làm chồng, bên nhà gái phải nhờ ông mai là em trai mẹ hoặc người lớn tuổi trong dòng họ am hiểu luật tục chuẩn bị sính lễ mang đến nhà trai làm lễ hỏi chồng. Sau thời gian 'gửi dâu' từ 2 đến 3 năm, nhà trai chấp thuận sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành rước rể.
Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 1: Từ lúc trong tim“bừng nắng hạ”

Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 1: Từ lúc trong tim“bừng nắng hạ”

(GLO)- Trước khi qua đời, ông Đỗ Hằng, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Huyện ủy An Khê (tỉnh Gia Lai) đã gửi cho chúng tôi tập tài liệu về Anh hùng Đỗ Trạc-người có công khai sáng, mở đường đầu tiên cho phong trào cách mạng An Khê với di nguyện là: Hãy viết một tập ký về người anh hùng trong kháng chiến chống Pháp trên đất An Khê. Sau nhiều tháng nghiên cứu, chấp bút, đến nay, chúng tôi cơ bản đã hoàn thành tập truyện ký về cuộc đời người con của quê hương An Khê, xin trích đăng một phần giới thiệu cùng bạn đọc.
Ông Hoan '7 trên 1' và '7 trong 1'- Bài 1: Khởi xướng tái lập tỉnh

Ông Hoan '7 trên 1' và '7 trong 1'- Bài 1: Khởi xướng tái lập tỉnh

Gần 35 năm - một chặng đường không phải là ngắn. Mỗi địa phương khi nhìn lại hành trình ấy không thể không nhận thấy việc trở lại địa giới hành chính cũ đã khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn lên. Những đô thị tỉnh lỵ, huyện lỵ như lột xác từ “lọ lem” thành “công chúa”!
Đám tang của già làng

Đám tang của già làng

Con trâu không chịu bước đi, dù đám đông đã cố sức kéo căng dây buộc mũi lẫn dùng roi quất đen đét. Bí quá, người làng hò nhau trói trâu lại, treo chân lên hai thanh gỗ lớn rồi khiêng đến nơi làm lễ. Hôm nay, cả làng đâm trâu, làm nghi thức cúng lễ tang cho già làng Alăng Vàng, vị già làng khả kính của tổ Đào (thôn Pho, xã Sông Kôn, Đông Giang).
Mưu sinh dưới tán rừng

Mưu sinh dưới tán rừng

(GLO)- Từ việc đi hái lan rừng, bắt ốc núi đến lấy mật ong hay thu “lộc trời” dưới gốc xoay cổ thụ đã giúp nhiều người dân ở cao nguyên Gia Lai có thêm thu nhập. Cùng với đó, nghề giữ rừng còn giúp cho cuộc sống của họ bớt nhọc nhằn, trở thành “cứu cánh” trong việc cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.
Chuyện tình con nước nổi

Chuyện tình con nước nổi

Nhà có 5 anh em, thì đã có 3 người gặp được “nửa kia” của cuộc đời mình trong những chuyến theo cha đánh bắt cá đồng xa. Tổ ấm của họ đơn sơ trên những “ngôi nhà” là chiếc ghe bầu, rày đây mai đó mưu sinh theo con nước bạc. Con cái họ cũng sinh ra trên ghe. Thứ chạm mặt đầu tiên của những đứa trẻ từ lúc lọt lòng cũng là nước, là cái nắng cháy da, là ngọn gió bấc vùng châu thổ.
Nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản: Khó khăn trong quản lý, giám sát

Nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản: Khó khăn trong quản lý, giám sát

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 76 điểm khai thác mỏ khoáng sản nhưng chỉ có 32 mỏ lắp đặt trạm cân, camera giám sát. Tuy nhiên vấn đề giám sát, quản lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định về kết nối, đội ngũ cán bộ quản lý ít, nhiều điểm mỏ nằm ở nơi không có điện lưới...
Yêu thương xoa dịu đau thương…

Yêu thương xoa dịu đau thương…

Hơn một năm trước, những mầm xanh phút chốc mất cha mẹ do đại dịch COVID-19 từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về Đà Nẵng. Câu hỏi đặt ra lúc ấy, rằng các em sẽ sống và hòa nhập ra sao ở vùng đất mới, với những con người lạ lẫm khi vết thương còn buốt nhói?