Môn thể thao hấp dẫn
Hơn 1 năm tập luyện golf, anh Nguyễn Thành Nam (ở phường Quy Nhơn Nam) cho rằng: Ở golf, trong mỗi cú đánh của golfer, không ai có thể can thiệp vào người chơi, nên bộ môn này có tính chinh phục và tinh thần chiến thắng chính mình rất cao.
Một bộ gậy golf gồm 14 cây, mỗi cây gắn với một chức năng riêng biệt, được sử dụng tùy thuộc vào từng địa hình và khoảng cách. Người chơi hiểu rõ từng yếu tố về hướng gió, địa hình, độ dốc... để thực hiện động tác và đưa cú đánh chính xác. Mỗi vòng golf thường kéo dài vài tiếng đồng hồ, đồng nghĩa với việc người chơi phải đi bộ hàng cây số, vận động liên tục.

Theo ông Đỗ Thành Việt, Tổng Quản lý sân FLC Golf Links Quy Nhơn, mỗi tuần sân đón khoảng 70 - 80 golfer đến tập luyện thường xuyên. Trung bình mỗi năm, tại đây diễn ra khoảng 20 - 30 giải đấu, trong đó có 3 - 4 giải quy mô lớn, thu hút khoảng 600 vận động viên tham gia. Bên cạnh đó, các hội nhóm cũng duy trì tổ chức khoảng 2 giải đấu mỗi tháng tại sân.

Với hệ thống 36 hố có vị trí sát biển, cảnh quan đẹp, chất lượng cỏ đạt chuẩn và dịch vụ chuyên nghiệp, sân FLC Golf Links Quy Nhơn đang trở thành điểm đến lý tưởng cho cộng đồng golfer trong, ngoài tỉnh và một số golfer nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Quy Nhơn.
Không chỉ phát triển ở Bình Định (cũ), phong trào golf tại Gia Lai (cũ) cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ. Tại Giải golf miền Trung - Tây Nguyên năm 2025, Gia Lai (cũ) góp mặt cùng 15 tỉnh, thành trên cả nước và đã xuất sắc lọt vào top 4 đội giành thành tích cao. Đáng chú ý, nhiều golfer thi đấu ấn tượng và mang về thành tích cao cho địa phương như: Trần Nhật Quang, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Trần Phong, Nguyễn Tiến Việt…

Ảnh: BTC cung cấp
Gắn kết phát triển golf với du lịch
Tỉnh Gia Lai (cũ) có 2 sân tập golf, với khoảng 200 người chơi thường xuyên. Theo anh Nguyễn Tiến Việt, Quản lý sân Golf Xuân Thủy (phường Thống Nhất), nhu cầu tập luyện của golfer ngày càng tăng cao, trong khi địa phương vẫn chưa có sân golf quy mô. Các golfer luôn mong muốn Gia Lai (cũ) sớm có một sân golf tầm cỡ, không chỉ để thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác, mà còn thu hút các tay golf trong nước và quốc tế về thi đấu.

“Tôi từng tham gia nhiều giải golf trong và ngoài nước, nhận thấy golf hấp dẫn không chỉ ở yếu tố kỹ thuật mà còn ở cảnh quan thiên nhiên, môi trường chơi. Với khí hậu mát mẻ, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, hy vọng tiềm năng phát triển môn golf gắn với du lịch sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, anh Việt chia sẻ.

du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: LÊ VĂN NGỌC
Vào cuối tháng 4 vừa qua, sân FLC Golf Links Quy Nhơn (nằm trong Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn) được ghi danh nằm trong top 100 sân golf hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, các golf thủ chuyên nghiệp của Học viện Golf Zon (Hàn Quốc) đã lựa chọn sân FLC Golf Links Quy Nhơn làm nơi tập huấn, huấn luyện từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm. Việc này không chỉ giúp các golfer nâng cao kỹ năng chuyên môn, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho địa phương. Đây là cơ hội để tỉnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch thể thao, đặc biệt là loại hình du lịch golf. Đồng thời, việc đón tiếp các đoàn golf quốc tế đến tập huấn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, mở rộng hợp tác quốc tế và tạo thêm động lực để phát triển dịch vụ gắn với thể thao.
Ông Đỗ Thành Việt cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chất lượng mặt cỏ, đồng thời tập trung nâng cao kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ caddies nhằm phục vụ golfer ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ lồng ghép quảng bá văn hóa, ẩm thực địa phương thông qua các giải đấu và sự kiện. Điều quan trọng là giúp mọi người hiểu rằng golf đơn thuần là một môn thể thao và phù hợp với nhiều đối tượng, chứ không mang tính biệt lập hay “quý tộc” như nhiều người vẫn nghĩ”.