Giúp trẻ hiểu giá trị của đồng tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người lớn thường quan niệm “Trẻ con thì biết gì”. Nhưng với con trẻ, thiết nghĩ, nhiều việc cũng nên giúp chúng nhận thức sớm, trong đó có việc hiểu được giá trị của đồng tiền.

Sau Tết Nguyên đán, các quán ăn vặt dành cho tuổi “teen” và các cửa hàng, tạp hóa dường như nhộn nhịp hơn. Đó là vì, sau Tết, trẻ có tiền mừng tuổi. Nhiều gia đình để các con tự chi tiêu số tiền ấy nên chúng có thể tùy ý mua những gì mình thích, phần lớn là món ăn vặt, nước giải khát, hình dán…

Minh họa: LAP

Minh họa: LAP

Tôi còn nhớ cảnh một đứa bé tầm 4-5 tuổi nằm lăn ra nền nhà gào khóc ầm ĩ lên vì đòi mẹ mua thêm đồ, trong khi chiếc xe đẩy hàng đã chất đầy những món đồ chơi khá đắt tiền. Sau một hồi thuyết phục, dỗ dành không được thì người mẹ cũng đành chấp nhận rút tiền mua thêm món đồ cho con. Trước ánh mắt ái ngại của những người xung quanh, người mẹ phân trần: “Từ nhỏ, nó đòi gì là phải đòi bằng được. Mỗi lần đi siêu thị, nhà em tốn tiền mua đồ chơi cho con lắm. Mang về chơi được một lúc là chán, vứt đầy nhà”. Trước cảnh tượng ấy, tôi thoáng nghĩ đến các con mình lúc nhỏ. Mỗi lần muốn mua một món đồ gì con thích thì phải được sự đồng ý của bố mẹ và thường đi kèm với điều kiện. Hoặc là phải được phiếu bé ngoan, hoặc ăn giỏi, hoặc giúp mẹ cất dọn đồ sau khi chơi xong… Đến cửa hàng, cũng chỉ được lấy đúng một món đồ đã định trước ấy, tôi thỏa thuận với con, nếu đòi thêm thì lần sau sẽ không được dẫn đi mua đồ nữa. Những tình huống “phát sinh” khi đi ngang qua những chỗ bán đồ chơi, con ngỏ ý muốn mua món này món kia, tôi chỉ cần ghé tai con bảo: “Mẹ không có đủ tiền, mẹ còn phải dành tiền mua thức ăn cho con, cho cả nhà nữa”. Có lẽ quen với những quy định có phần nghiêm khắc ấy của mẹ nên các con tôi không nằng nặc đòi hỏi cho được theo ý thích của mình.

Từ khi các con còn nhỏ, tôi luôn cho chúng nuôi heo đất-hình thức tiết kiệm rất phổ biến trong mỗi gia đình bây giờ. Thỉnh thoảng, tôi cho con vài ngàn đồng để bỏ vào heo. Tiền lì xì hoặc tiền được cho, các con cũng tự nhét heo để dành. Mỗi năm sẽ đập heo vào đầu năm học mới để lấy tiền mua sắm đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập. Đập heo cũ đi thì mua lại con heo mới. Lâu dần thành nếp, các con rất hào hứng và có ý thức tiết kiệm. Tôi cũng đặc biệt nhắc con không được coi thường những đồng tiền có mệnh giá thấp mà chúng ta hay gọi là tiền lẻ. Tích tiểu thành đại, kiến tha lâu cũng đầy tổ… ông bà ta từ xưa chẳng đã từng răn dạy như vậy hay sao.

Tôi rất thích tham khảo cách dạy con chi tiêu hợp lý và khá tâm đắc với một vài phương pháp mà tôi cho là hữu dụng. Có người thay vì thuê người dọn nhà thì trả công cho con nếu chúng tự nhận việc dọn dẹp và làm việc đạt yêu cầu. Có gia đình làm ăn buôn bán thì “thuê” luôn con đóng hàng, chạy bàn, pha chế, bán hàng… và trả công sòng phẳng. Những việc ấy giúp trẻ hiểu được rằng muốn có tiền thì phải làm việc, phải bỏ sức lao động, cũng giống như việc người lớn phải đi làm thì mới được trả lương. Bên cạnh đó còn giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của lao động, chỉ có lao động mới có thể làm ra tiền của. Từ đó, giúp trẻ biết trân trọng giá trị của đồng tiền chân chính, được tạo ra bởi mồ hôi công sức, do lao động mà có. Vất vả mới có được đồng tiền sẽ giúp trẻ biết tự cân nhắc chi tiêu, biết tiếc khi đứng trước sự lựa chọn chi tiền cho món đồ chưa thật sự cần thiết.

Việc tiết kiệm, cân nhắc trong chi tiêu tiền bạc hoàn toàn không phải là keo kiệt, bủn xỉn. Biết chi tiêu hợp lý là một kỹ năng thiết yếu trong xã hội hiện đại. Nhiều gia đình có thu nhập ở mức trung bình nhưng luôn chủ động được cuộc sống nhờ việc biết sắp xếp chi tiêu hợp lý. Ngược lại, nhiều gia đình thu nhập khá, nhưng lại luôn rơi vào tình cảnh thiếu trước hụt sau, giật gấu vá vai, bởi thói quen phung phí, không biết cách quản lý và chi tiêu tiền bạc. Rõ ràng nếu biết cân nhắc khoản này sẽ thoải mái khoản khác. Ngày càng có nhiều lớp dạy kỹ năng quản lý tài chính cá nhân được mở, chứng tỏ vấn đề chi tiêu tiền bạc đang ngày càng được quan tâm hơn.

Thiết nghĩ, bằng cách này hay cách khác, mỗi người lớn chúng ta cũng nên giáo dục để trẻ hiểu giá trị của đồng tiền từ sớm. Hiểu giá trị của tiền bạc, trẻ sẽ biết quý trọng tiền bạc, quý trọng công sức làm ra tiền bạc và khi lớn lên, chắc chắn chúng sẽ biết cách chi tiêu tiền bạc hợp lý nhất cho cuộc sống của mình.

Có thể bạn quan tâm

Gắn kết sinh viên Việt-Lào

Gắn kết sinh viên Việt-Lào

(GLO)- Nhờ sự quan tâm, đồng hành của các thầy-cô giáo cùng sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, các lưu học sinh Lào đã hòa nhập với môi trường mới, tự tin giao tiếp và học tập tốt.

Khánh thành Nhà bia di tích Công an Gia Lai tại Tây Ninh

Khánh thành Nhà bia di tích Công an Gia Lai tại Tây Ninh

(GLO)- Chiều 17-4, tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Công an tỉnh Gia Lai tổ chức lễ khánh thành Nhà bia di tích Công an Gia Lai. Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì buổi lễ.

Cán bộ, đảng viên lan tỏa thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội

Cán bộ, đảng viên lan tỏa thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội

(GLO)- Với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thường xuyên chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực khi sử dụng mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả chế độ chính sách, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ông Đỗ Xuân Lâm luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu trong mỗi chuyến đi. Ảnh: L.V.N

U70 đạt giải “Vô lăng vàng”

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với nghề lái xe, ông Đỗ Xuân Lâm (SN 1960, trú tại tổ 4, phường Trà Bá, TP. Pleiku) luôn tâm niệm phía sau tay lái là hạnh phúc của rất nhiều gia đình.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đức Cơ phối hợp tuần tra, bảo vệ đường biên (ảnh đơn vị cung cấp).

Phụ nữ Đức Cơ góp sức bảo vệ bình yên biên giới

(GLO)- Huyện Đức Cơ có 3 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Chính sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các xã biên giới và đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và bảo vệ bình yên biên giới.

Ông Nay Chin (ở giữa) tuyên truyền cho người dân về tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Ảnh: M.P

Ông Nay Chin vì bình yên thôn, làng

(GLO)- Với uy tín của mình, ông Nay Chin (thôn Điểm 9, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện thường xuyên phối hợp với chính quyền, lực lượng an ninh cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động những người từng lầm lỡ theo “Tin lành Đê ga” quay trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

“Cắt tóc thiện nguyện 0 đồng”: Lan tỏa yêu thương

“Cắt tóc thiện nguyện 0 đồng” lan tỏa yêu thương

(GLO)- Hơn nửa tháng qua, với điểm “Cắt tóc thiện nguyện 0 đồng” tại số 323 Nguyễn Viết Xuân (phường Hội Phú, TP. Pleiku), nhóm thợ cắt tóc trẻ đã góp phần lan tỏa yêu thương đến nhiều người, nhất là lao động nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.