Giữ chân người làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến mọi hoạt động du lịch gần như đóng băng. Có người đang làm du lịch thì phải bỏ nghề, người tìm công việc khác cầm cự chờ thời, nhưng cũng có người may mắn khi vẫn giữ được công việc chuyên môn để chờ ngành “công nghiệp không khói” phục hồi. Tuy nhiên, sự phân tán nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành du lịch Gia Lai khi dịch bệnh được khống chế.
“Án binh bất động” là cụm từ được ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Du lịch Le Pleiku mô tả về ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay. Nếu trong các đợt dịch Covid-19 trước, người làm du lịch vẫn còn khá lạc quan tìm cách sống chung với đại dịch để chờ cơ hội phục hồi thì đến đợt dịch này, nhân lực của ngành phải tỏa mọi hướng mưu sinh và không nhiều kỳ vọng như trước. “Theo dự đoán thì dịch bệnh sẽ còn ảnh hưởng thêm một thời gian nữa, có thể là 1 năm hoặc lâu hơn. Vì vậy, nhân lực ngành du lịch đều phải bươn ra ngoài làm đủ nghề để kiếm sống”-ông Hoàng Phương cho biết.
Chuyến thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) của đoàn khảo sát du lịch cộng đồng vào tháng 11-2020. Ảnh: Minh Châu
Chuyến thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) của đoàn khảo sát du lịch cộng đồng vào tháng 11-2020. Ảnh: Minh Châu
Trong đợt dịch này, Công ty TNHH Truyền thông Du lịch Le Pleiku gần như dừng hoạt động vì tất cả tour đều bị hủy và chưa có kế hoạch hoạt động trở lại. Tạm thời, ông Phương chuyển sang bán sách online. Ông cho hay, từ các đợt dịch trước đã làm thêm mảng này nên “quầy sách online” của ông không còn xa lạ với bạn đọc. Ông Phương chia sẻ: “Bán sách và làm du lịch có sự tương tác qua lại, đó là nhờ đọc nhiều sách để viết bài giới thiệu cho bạn đọc mua mà tôi cũng tích lũy thêm kiến thức để giới thiệu cho du khách. Tôi có những khách hàng khá thường xuyên, trong đó có lượng khách nhất định là bạn bè trong ngành du lịch. Cũng từ công việc mới này, tôi biết thêm nhiều khách hàng khá thú vị. Ví dụ có một kiến trúc sư ở Gia Lai thường xuyên mua sách về văn hóa Tây Nguyên và khá am hiểu về vùng đất này. Hay có những hướng dẫn viên rất chịu khó đọc để tích lũy kiến thức. Đó cũng là niềm vui nho nhỏ trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) tạm ngừng đón khách trong mùa dịch song không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà con đều làm nông. Tuy nhiên, hướng dẫn viên du lịch của làng có người cũng phải vất vả mưu sinh. Chị Đinh Thị Sơm mới tham gia hướng dẫn được vài đoàn khách thì dịch bệnh tiếp tục bùng phát khiến hoạt động đón khách tại làng phải tạm dừng. Chị bộc bạch: “Mình rất thích công việc hướng dẫn, nhưng khi làng không có khách, mình phải tìm việc khác để có thu nhập. Mình vào TP. Hồ Chí Minh tìm công việc mới được 3 tháng và thu nhập cũng tạm ổn. Mình hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế để hoạt động du lịch trở lại bình thường, khi đó mình mới có thể trở về tiếp tục công việc hướng dẫn tại làng”.
Đinh Thị Sơm-hướng dẫn viên tại Làng Du lịch cộng đồng Mơ Hra (huyện Kbang) phải tạm xa công việc hướng dẫn, vào TP.Hồ Chí Minh để mưu sinh
Chị Đinh Thị Sơm-hướng dẫn viên tại Làng Du lịch cộng đồng Mơ Hra (huyện Kbang) phải tạm xa công việc hướng dẫn, vào TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh. Ảnh: Minh Châu
Là hướng dẫn viên tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, chị Vũ Thị Chinh cho biết, đặc thù công việc là đi bộ nhiều, có ngày dẫn khách trekking hàng chục km tham quan, khám phá hệ sinh thái phong phú tại đây. Công việc tuy vất vả, nhưng khi tạm ngừng đón khách để phòng-chống dịch Covid-19 thì chị lại cảm thấy cuồng chân. Chị chia sẻ: “Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng thuộc Vườn Quốc gia có 2 nhiệm vụ chính là phát triển du lịch và tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đội ngũ hướng dẫn viên có 4 người, vừa làm hướng dẫn vừa kiêm nhiệm các công việc khác. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động du lịch, chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời xây dựng và đề xuất các dự án phát triển du lịch. Ngoài các tuyến đã và đang khai thác thì chúng tôi cũng khảo sát xây dựng các tuyến mới để tăng thêm sự trải nghiệm cho du khách khi hoạt động du lịch bình thường trở lại”.
Không phải ai cũng giữ được công việc chuyên môn để chờ ngày ngành du lịch phục hồi. Trước khó khăn do dịch bệnh, không ít người phải bỏ nghề. Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đã dùng từ “rơi tự do” để nói về cú sốc của ngành du lịch trong đại dịch. Theo ông Hải, nếu như các đợt dịch trước, nhân viên còn được hưởng 30-50% mức hỗ trợ thì đợt dịch này, một số doanh nghiệp đã cho nhân viên nghỉ không lương. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin: “Hiện có người đã  chuyển sang công việc khác, nhưng cũng có những người chỉ chuyển việc tạm thời. Trong khi đó, tùy điều kiện mà các doanh nghiệp có cách làm khác nhau để giữ chân nguồn nhân lực. Doanh nghiệp kinh doanh nhiều nhóm ngành thì vẫn đủ sức cân đối để bù lỗ cho mảng du lịch, cốt giữ chân những người làm có thực lực. Nhưng cũng có doanh nghiệp đã cho hầu hết người lao động nghỉ việc. Tùy điều kiện mà doanh nghiệp giữ chân người lao động, nhưng số ở lại vẫn ít hơn rất nhiều so với số mất việc. Chắc chắn nguồn nhân lực sẽ thiếu hụt khi du lịch hoạt động trở lại”.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm trên 30 năm trong lĩnh vực này, ông Hà Trọng Hải cho rằng, sự thiếu hụt này sẽ chỉ là tạm thời, ngắn hạn. Bởi lẽ, du lịch vẫn là mảnh đất màu mỡ, có sức hút đối với nguồn lao động. “Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực du lịch rất lớn. Quy luật đào thải sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho ngành này và cần tin tưởng vào công tác phòng-chống dịch để lạc quan chờ du lịch phục hồi”-ông Hải chia sẻ.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Đa dạng các sản phẩm cây nhà lá vườn đã được những người nông dân chất phác ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đưa ra chợ phiên từ sáng thứ 7.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.