(GLO)- Sau hơn 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh, cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cùng với đó, Gia Lai còn có 2 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo và di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá. Đây đều là những di tích, di sản quan trọng của tỉnh.
Sự công nhận này chính là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ và bảo vệ giá trị di sản, di tích. Nhưng nếu coi di sản là tài sản vô giá thì chúng ta thừa hưởng được gì từ thành quả này. Bởi bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa, thiên nhiên không chỉ là bảo vệ các giá trị đặc sắc mà còn phát huy nó và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, vật chất cho con người. Đó chính là “lợi ích kép” mà ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong cuộc họp bàn về phát triển du lịch của tỉnh: “Chúng ta cần thực hiện bằng được “mục tiêu kép” trong phát triển du lịch, đó là vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hóa, danh lam thắng cảnh nhưng đồng thời phải phát triển kinh tế từ hoạt động này, thu được tiền của du khách. Nếu chúng ta cứ quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch nhưng không mang lại lợi ích gì về mặt kinh tế, thu nhập cho người dân và ngược lại, nếu chỉ chăm chăm khai thác, thu tiền của du khách mà không bảo vệ, tôn tạo, quảng bá giá trị văn hóa, di sản thì cũng không được. Hai mục tiêu này phải hòa quyện, hài hòa, đi đôi với nhau”.
|
Các hố khai quật tại Rộc Tưng-Gò Đá được làm mái che để bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, nghiên cứu (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Hoàng Ngọc |
Và du lịch phải được xem là con đường dài đưa di sản đi vào đời sống xã hội. Sau 15 năm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn chưa phát huy nhiều giá trị về mặt kinh tế. Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH truyền thông du lịch Le Pleiku-cho rằng, Gia Lai sở hữu nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên quan trọng, để khai thác gắn với phát triển du lịch thì cần có tầm nhìn xa.
Ông Hoàng Phương gợi ý: “Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo không chỉ là một danh xưng mà là kho báu để khai thác du lịch. Danh xưng thôi chưa đủ, cần phải tạo ra sự kiện, câu chuyện, nhân vật, hoạt động trải nghiệm. Ví dụ như có thể phục chế trang phục của vua, các võ tướng thời Tây Sơn cho khách thuê mặc để chụp hình. Hay sân khấu hóa, đấu võ, hướng dẫn du khách đi vài đường quyền để họ cảm nhận trọn vẹn hào khí Tây Sơn cùng với truyền thống của một vùng đất thượng võ từ quá khứ tới hiện tại. Hoặc hóa trang thành đội hình oai hùng đón khách ngay khi vừa đặt chân đến di tích An Khê đình, An Khê trường. Có hoạt động như vậy mới níu chân du khách ở lại lâu hơn với di tích, vui vẻ móc hầu bao để được trải nghiệm, đồng thời giúp chuyến đi của họ có thêm ấn tượng, điểm nhấn. Và khi có nguồn thu từ hoạt động du lịch, sẽ giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chủ động nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ và quảng bá di tích”.
|
Gia Lai đang đứng trước nhiều cơ hội để quảng bá và phát triển du lịch từ di sản. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Đặt vấn đề đường dài cho di sản, ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (1 trong 2 khu vực vùng lõi của cao nguyên Kon Hà Nừng) khẳng định, thúc đẩy du lịch, dịch vụ chính là con đường bền vững để bảo vệ và phát triển giá trị của di sản thiên nhiên này. Theo Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng: “Về lâu dài, chúng tôi đề nghị tỉnh có chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư vào khu vực này, cho phép các đơn vị, công ty hoặc tổ chức có đủ năng lực, có tâm khai thác thí điểm du lịch để hoạt động này chuyên nghiệp, bài bản hơn. Do hiện nay, nhiệm vụ này vẫn do cán bộ Khu Bảo tồn kiêm nhiệm nên không có đủ nguồn lực, con người cho hoạt động du lịch”.
Gia Lai đang đứng trước nhiều cơ hội để quảng bá và phát triển du lịch từ di sản. Nhất là với chuỗi di sản ở khu vực phía Đông vừa mới được công nhận các danh xưng cao quý. Nhưng danh xưng thôi thì chưa đủ để tạo sức hút với du khách. Vì “Nếu không tìm mọi cách để làm cho di sản sống động lên, sống trong đời sống của con người thì danh xưng “di tích quốc gia đặc biệt” cũng chỉ như khoác chiếc áo gấm lên một con ngựa sắt cũ” như ý kiến của một cán bộ ngành Văn hóa.
HOÀNG NGỌC