Gia Lai lên "cổng trời" ngắm thông cổ thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên đỉnh núi cao hơn 1.000 m ở đèo Mang Yang (thuộc địa phận xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, Gia Lai) có một rừng thông 2 lá rộng khoảng 200 ha. Nơi đây có rất nhiều cây thông cổ thụ với đường kính khoảng 1,5 m chứa đựng nhiều giá trị về sinh thái lẫn du lịch.
Ngắm thông từ độ cao... 1.000 m 
Rừng thông nói trên nằm trên đỉnh núi Kon Hrung ở khu vực đèo Mang Yang (theo tiếng Bahnar, Mang Yang có nghĩa là cổng trời), cách TP. Pleiku khoảng 70 km. Nếu không có sự giúp đỡ của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê thì không dễ đến được rừng thông này bởi đường rất khó đi.
Cách trụ sở UBND xã Hà Tam khoảng 500 m có một con đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu. Men theo con đường dài 4 km này sẽ đến suối Cát. Nơi đây có 1 chiếc lều của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê. Hành trình đi bộ chinh phục núi Kon Hrung cao hơn 1.000 m để ngắm thông cổ thụ bắt đầu từ điểm này. Trước khi chinh phục núi Kon Hrung, anh Bùi Trọng Quân-Tổ phó Tổ bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê-nói qua về chặng đường: “Đoạn đường từ suối Cát (theo tiếng Bahnar là Đak Hyam) lên đỉnh núi có chiều dài gần 4,5 km. Ta sẽ mất khoảng 4 giờ để lên và xuống núi. Đường lên núi rất khó đi vì nhiều dốc đứng. Mọi người nên bỏ bớt đồ đạc lại, chỉ cần xách theo nước uống”.
 Trên núi Kon Hrung có rất nhiều cây thông cổ thụ. Ảnh: N.T
Trên núi Kon Hrung có rất nhiều cây thông cổ thụ. Ảnh: N.T
Cơn mưa giông buổi chiều trước đó không làm vơi cái nóng hầm hập ở vùng phía Đông tỉnh. Sau 1 km đầu tiên đi bộ theo con đường mòn quanh co và nhiều dốc đứng bé tẹo giữa rừng, 10 người leo núi dừng chân nghỉ chặng đầu tiên. Mồ hôi bắt đầu túa ra. Càng lên cao, đường càng khó đi hơn. Bước chân của nhiều thành viên trong đoàn bắt đầu nặng như đeo đá. Tiếng cười đùa vơi dần. Số lần dừng nghỉ ngơi đã dày hơn.
Khi tai nghe nặng hơn tiếng thở thì những cây thông cổ thụ dần hiện ra trước mắt. Giữa một khoảng rừng nhiệt đới, sự xuất hiện của những cây thông có thân to đến mức 3 thanh niên mới ôm xuể và thẳng tắp như một mũi tên chỉ vào trời xanh tạo thêm nét hùng vĩ cho núi Kon Hrung. Càng lên cao, thông cổ thụ càng xuất hiện nhiều hơn. Có nhiều cây thông mọc chênh vênh bên vách núi nhưng vững chãi, cành lá sum suê tạo thêm vẻ hoang sơ. Khí trời dịu hơn và trên nền đất ẩm của con đường mòn xuất hiện dấu vết còn mới của một số loại thú rừng.
Đến một bãi đất bằng phẳng khoảng 2 sào với hàng trăm cây thông đủ kích cỡ tỏa bóng mát là chân đã chạm đến đỉnh Kon Hrung. Cảnh vật nơi đây như một bức tranh. Dưới nền đất là thảm cỏ xanh mướt. Lưng chừng là vô vàn cây mua nở hoa phơn phớt tím. Phía trên cao là những cây thông 2 lá thân thẳng tắp. Trên cùng là sắc xanh của bầu trời. Nắng xuyên qua kẽ lá điểm thêm ánh lấp lánh, xa xa có những đám mây trắng lững lờ trôi. Gió nhè nhẹ thổi kèm theo tiếng reo của lá thông. Chim rừng chuyền cành đua nhau hót. “Theo tìm hiểu của chúng tôi thì rừng thông này có từ thời Pháp xâm chiếm nước ta với tổng diện tích là 200 ha. Trong rừng, đan xen những cây thông cổ thụ khoảng 100 năm tuổi là những cây thông non”-ông Phan Thanh Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê-cho hay.
Tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ
Ngoài việc tạo hệ sinh thái đa dạng và điều hòa khí hậu, rừng thông cổ thụ trên núi Kon Hrung rất có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Là người có thời gian gắn bó lâu năm với công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Đak Pơ, ông Đỗ Hữu Long-Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê-chia sẻ: “Trên dãy núi ở đèo Mang Yang có nhiều cảnh đẹp thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, khu vực này còn có 1 sân bay dã chiến thời Mỹ xâm chiếm cùng nhiều ngọn thác đẹp. Khu vực này cũng tiếp giáp với Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Hàng năm, vào mùa nắng, có rất nhiều người dân ở Đak Pơ và các huyện lân cận rủ nhau đến đây vui chơi và tránh nóng. Là bởi, nhiệt độ trên đỉnh núi Kon Hrung thấp hơn dưới chân núi khoảng 4 độ C”.
Rừng thông hai lá giàu tiềm năng du lịch. Ảnh: N.T
Rừng thông hai lá giàu tiềm năng du lịch. Ảnh: N.T
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại khu vực rừng thông 2 lá này, những năm qua, huyện Đak Pơ triển khai nhiều hoạt động bảo vệ và kêu gọi đầu tư. “Theo sự chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã giao rừng thông này cho Tổ nhận khoán và bảo vệ rừng Hà Tam. Hiện nay, các thành viên của tổ thay nhau tuần tra bảo vệ rừng thông. Chúng tôi cũng mới mở đường dẫn lên đỉnh núi giúp du khách đi lại thuận tiện hơn”-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết thêm. Trước đó, năm 2017, từ nguồn kinh phí của tỉnh, UBND huyện Đak Pơ đã làm một con đường bê tông dài 3 km nối quốc lộ 19 đến chân núi Kon Hrung. Ngành chức năng huyện Đak Pơ cũng đã bắt giữ và đưa ra xét xử một số đối tượng khai thác trộm nhựa thông trên núi Kon Hrung. 
Nói về kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch đang bị bỏ ngỏ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Ngô Khắc Ngọc cho biết: “Rừng thông xã Hà Tam nằm trong đề án quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030. Năm 2017, có một doanh nghiệp chia sẻ dự định xây dựng hệ thống cáp treo lên núi. Đầu năm 2018, có một đoàn khách từ Đức đến khảo sát và có ý định xây dựng khu du lịch. Tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệp nào đầu tư kinh phí. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển du lịch; đồng thời tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí hoàn thành nốt 1 km đường còn lại trên đoạn đường nối từ quốc lộ 19 vào đến chân núi”.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.