Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, hạ tầng và dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đến nay, 100% xã đã phủ điểm phục vụ bưu chính; 100% xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm; sóng điện thoại 3G, 4G cũng đã được phủ đến thôn, làng. Hiện tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet cáp quang đạt 50%, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt hơn 57%; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động, thiết bị thông minh đạt hơn 61% dân số trưởng thành và đã từng bước tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số phục vụ đời sống. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đã phủ sóng cho 17/21 thôn, làng chưa kết nối internet di động.
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ký kết hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Hà Duy |
Bên cạnh đó, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai đến 100% cơ quan khối Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đây là hệ thống mạng xương sống, nền tảng kết nối cho các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số của chính quyền địa phương. Hệ thống hội nghị truyền hình đã được kết nối 100% thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh, đảm bảo tối đa chất lượng và an toàn bảo mật thông tin, đáp ứng cho các phiên họp trực tuyến diễn ra 24/7 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt của lãnh đạo tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm này, kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh bước đầu được hình thành. Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông đã được tăng cường đầu tư và hoạt động hiệu quả. Các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ. 100% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh đã phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Tỉnh cũng đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Hiện nay, tất cả thông báo thuế, quyết định cưỡng chế nợ thuế được thực hiện và gửi theo phương thức điện tử. Ảnh: Hải Bình |
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho biết: “Là địa phương còn nhiều khó khăn, Gia Lai xác định lấy chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá, vươn lên, là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-1-2022 về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu chuyển đổi số tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của tỉnh, thay đổi mô hình khởi nghiệp kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), đưa Gia Lai trở thành tỉnh có kinh tế-xã hội phát triển khá trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên vào năm 2030”.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Quang Liêm-Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT): “Gia Lai đã sở hữu hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất. Với hệ thống các giải pháp công nghệ thông tin mà tỉnh hiện có như: hệ thống giám sát an toàn thông tin tập trung (SOC) cho các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chính quyền điện tử tỉnh; hệ thống sao lưu dữ liệu cho các hệ thống dùng chung trên địa bàn tỉnh; hệ thống thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh; hệ thống phòng họp không giấy tờ eCabinet; hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; hệ thống phần mềm quản lý công chức, viên chức… cho thấy Gia Lai hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng Chính phủ điện tử tiến tới chuyển đổi số chính quyền, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh”.
Doanh nghiệp chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy |
Theo Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18-4-2023 của UBND tỉnh về kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, đối với phát triển chính quyền số, Gia Lai phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện trực tuyến đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 90%, cấp xã đạt trên 70%. Đối với phát triển kinh tế số, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%. Về phát triển xã hội số, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đạt 75% hộ gia đình, 100% cấp xã; tỷ lệ phủ sóng di động tới thôn, làng, tổ dân phố đạt 100%; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G hoặc 5G.
Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nền tảng chính quyền điện tử vẫn có những hạn chế. Đó là một số hệ thống thông tin mới chỉ phát triển theo chiều rộng, triển khai còn rời rạc, nhỏ lẻ, chưa có tính tổng thể, đồng bộ; cơ sở pháp lý cho việc xây dựng chính quyền điện tử đến nay còn chưa thật đầy đủ. Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; còn thiếu cơ chế xác thực các hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…
Mới đây, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025 với VNPT. Theo đó, VNPT sẽ phối hợp, hỗ trợ tỉnh triển khai các giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền móng cho việc chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trong đó, VNPT phối hợp khảo sát, tư vấn đề án, giải pháp tổng thể về chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh; xây dựng hạ tầng số, các nền tảng dùng chung, đảm bảo an toàn an ninh thông tin; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, đồng bộ có sự chia sẻ kết nối, phát triển hệ sinh thái số, các dịch vụ trên nền tảng số, các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh.
Đồng thời, VNPT phối hợp với tỉnh tư vấn, hợp tác chuyển giao công nghệ và triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phối hợp triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử hướng tới phát triển toàn diện nền kinh tế số…
Trong tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh cũng rất tích cực triển khai thực hiện trong phạm vi quản lý. Ngày 17-4, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 14-3, Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực số và Phát triển khởi nghiệp (Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên) phối hợp cùng Công ty cổ phần Công nghệ mới phát triển Quốc tế KTS Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn về công tác chuyển đổi số và khởi nghiệp cho các cán bộ, viên chức, thanh niên, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Pleiku. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với các sở, ngành thuộc tỉnh tổ chức nhiều buổi tập huấn liên quan đến công tác chuyển đổi số.