(GLO)- 42 năm sau ngày giải phóng, Gia Lai đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước với những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực. Ký ức về một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu trước kia đã dần được thay thế bằng bức tranh kinh tế-xã hội sống động, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ngày 17-3-1975 là cột mốc đáng nhớ trong lòng mỗi người Gia Lai. Sau bao năm phải chịu cảnh bom giày đạn xéo, thời điểm ấy, họ đã có thể yên tâm bắt tay xây dựng lại cuộc sống mới. Để rồi, hơn 4 thập kỷ nhìn lại, tất cả đều khẳng định rằng: Mảnh đất cao nguyên này đã có những đổi thay mạnh mẽ.
42 năm sau ngày giải phóng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Ảnh: Đ.T |
Đổi thay từng xóm, từng làng
Hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình chính là những người đã sinh sống và gắn bó với Phố núi từ trước giải phóng đến giờ. Ngày qua ngày, họ vẫn lặng lẽ dõi theo từng bước chuyển mình của quê hương và cảm nhận những đổi thay rõ rệt ngay chính trong gia đình mình. Bà Nguyễn Thị Hoa (11/169 Nguyễn Tất Thành, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) là một trong số đó.
Trong ký ức của bà Hoa, trước kia, khối phố 44 nơi bà cư ngụ là một vùng ngoại ô vắng vẻ, nghèo nàn, nhà cửa thưa thớt. Nghề thợ mộc của cha lẫn công việc ruộng vườn của mẹ không đủ để trang trải cuộc sống qua ngày cho 6 miệng ăn. Sau khi tỉnh nhà được giải phóng, dẫu vất vả song gia đình bà Hoa vẫn quyết định bám trụ ở thị xã Pleiku. Năm 1978, bà Hoa vào làm việc cho Công ty Ăn uống rồi chuyển hẳn về công tác tại Đội Công trình xây dựng (Sở Thương nghiệp) vào năm 1982 cho đến lúc nghỉ hưu. Còn ông Dương Văn Tính-chồng bà-thì được Nhà nước cho đi học rồi phân công làm tại Xí nghiệp Vận tải Ô tô số 1 (Gia Lai). Như nhiều gia đình khác, cuộc sống của vợ chồng bà Hoa những năm đầu sau giải phóng cũng gặp không ít vất vả song cũng dần được cải thiện, đặc biệt là từ sau khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới. “Hòa bình, chúng tôi có cơ hội để làm việc ổn định. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của gia đình dần được nâng cao rõ rệt theo sự phát triển của quê hương. Hai đứa con của tôi đều có điều kiện tốt để học hành đến nơi đến chốn, ra trường tìm được việc làm phù hợp. Giờ kể lại, các con tôi vẫn không tin được là so với trước kia cuộc sống đã thay đổi lớn như thế “-bà Hoa vui vẻ tâm sự.
Không chỉ ở thành thị, bộ mặt khắp các vùng quê trong tỉnh, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có sự đổi thay nhiều mặt. Điện-đường-trường-trạm được quan tâm đầu tư, người dân đã biết làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Già làng Đinh Triêng (làng Lợt, xã Kông Pla, huyện Kbang) năm nay đã tròn 80 mùa rẫy. Thế nhưng khi chia sẻ về những đổi thay của làng mình sau 42 năm hòa bình, giọng già vô cùng hào sảng: “Trước kia làng mình toàn nhà sàn đơn sơ, tạm bợ, đói khát liên miên. Hết chiến tranh thì đỡ khổ hơn, yên tâm làm ăn mà không lo bom rơi đạn lạc nữa. Đặc biệt là từ năm 2000, dân làng đã biết học theo người Kinh trồng cây mía thay cho cây bắp, cây mì. Những năm gần đây, được chính quyền địa phương và Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ làm cánh đồng lớn, cả làng ai cũng háo hức cùng nhau thực hiện, thu nhập mỗi năm trên 70 triệu đồng/hộ. Nhiều người đã xây được nhà to, mua được ti vi, xe máy, con cái được đến trường học chữ. Không ai còn bị cái đói nó quấn lấy nữa nên phấn khởi lắm”.
Tôi tin tưởng rằng với những tiền đề vững chắc đã có, tỉnh ta sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và ngày càng phát triển trong tương lai. Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai |
Những thành tựu đáng ghi nhận
42 năm qua, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền các cấp cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, tỉnh nhà đã có bước phát triển to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử, làm thay đổi bộ mặt từ đô thị đến nông thôn.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng khá (giai đoạn 1976-1990 bình quân hàng năm tăng 3,5%; giai đoạn 1991-2010 bình quân hàng năm tăng trên 11%; giai đoạn 2011-2015 bình quân tăng 12,81%). Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,48%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm, gấp gần 40 lần so với năm 1991 (năm chia tách tỉnh); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.722 tỷ đồng (bằng 109% Nghị quyết, tăng 22% so với năm 2015). Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực với 30 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đặc biệt, qua các thời kỳ phát triển, những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đã được phát huy, khai thác mang lại hiệu quả cao. Trong nông nghiệp, tỉnh đã hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn với 120.000 ha cao su, gần 79.000 ha cà phê, 15.000 ha hồ tiêu, 38.000 ha mía…; tổng đàn bò của tỉnh trên 400.000 con (đứng đầu khu vực Tây Nguyên và thứ hai cả nước sau Nghệ An). Trên địa bàn tỉnh có 43 công trình thủy điện lớn nhỏ đang vận hành với tổng công suất trên 2.194 MW, cung cấp sản lượng lớn điện năng cho cả nước.
Từ một địa phương có hạ tầng hết sức yếu kém, đến nay, toàn tỉnh đã có 17 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại II, 2 thị xã, 1 đô thị loại IV với 222 xã, phường, thị trấn. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng Hàng không Pleiku, quốc lộ 14, quốc lộ 19... được quan tâm đầu tư. 100% xã đã có điện sinh hoạt, có điện thoại và có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia… Trong những thành tựu quan trọng mà tỉnh nhà đạt được suốt hơn 40 năm qua cũng phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của TP. Pleiku. Từ một thị xã hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, quân và dân Pleiku đã xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế-chính trị của tỉnh nhà. Ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku phấn khởi cho biết: Hiện TP. Pleiku đang tập trung cho 2 nhiệm vụ quan trọng, đó là: xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I và phấn đấu hoàn thành nông thôn mới trước năm 2019 (đều sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố).
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội của tỉnh cũng đạt được những bước tiến quan trọng. Tỉnh đã lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình giảm nghèo, đến nay không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020 là 19,71%. Đời sống của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng căn cứ cách mạng luôn được quan tâm.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác đầu tư với các địa phương, khu vực được chú trọng; các thành phần kinh tế được tạo các điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt kết quả tích cực. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết. Công tác quốc phòng-an ninh được đẩy mạnh, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo dựng được thế trận lòng dân…
Tin rằng, những bước tiến quan trọng nói trên sẽ tạo đà để Gia Lai ngày một phát triển, tạo vị thế vững chắc trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Hồng Thi