Duyên thơ Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ở xứ mình, những người bén duyên với thơ khá nhiều. Trong bài viết này, tôi chỉ nói đến một người thơ ở phố núi Pleiku là Đào An Duyên.
Đào An Duyên có gửi cho tôi tập thơ “Ngày đã qua” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Phía trên tập thơ có ghi: Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Và tôi cũng được biết Đào An Duyên được giải thưởng thơ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tôi chưa gặp Đào An Duyên ngoài đời, chỉ gặp trong thơ, trong những bài thơ mà tôi cho là có duyên, như chính tên nhà thơ vậy.
“Ru mùa” là một trong những bài trong tập thơ mà tôi thích: “À ơi.../Cái rét đầu đông/Mưa hiu quạnh. Cải đã ngồng sắp hoa/Ta ngồi ru nỗi đường xa/Câu hát cũ dưới thềm nhà rêu phong.../...Hình như trời đã lập đông/Bàn tay lạnh/Giữa thinh không vẫy đò/À ơi.../Ru những mong chờ/Cớ sao con nhện chăng tơ giữa chiều...”.
Cái duyên trong thơ cũng như cái duyên ngoài đời của người con gái không chỉ là duyên dáng trong đường đi nước bước mà còn là cái duyên đằm thắm, mặn mà, cái duyên mà cha ông mình nói: Duyên thầm.
Tập thơ “Ngày đã qua” của tác giả Đào An Duyên. Ảnh: Khánh Châu
Tập thơ “Ngày đã qua” của tác giả Đào An Duyên. Ảnh: Khánh Châu
Duyên thầm ấy là cái duyên ẩn sâu trong tâm hồn, tính cách của con người cũng như trong từng câu chữ, của bài thơ: “Người cũ như sương buổi sớm/Mát ta một chút ngày nồm/Nửa đời chồn chân mỏi gối/Dịu dàng một ánh sao hôm.../...Người cũ giờ thành kỷ niệm/Lâu lâu ta lỡ chạm vào/Thương mình cũng thành ký ức/Đa đoan niềm cũ mà đau...” (Người cũ). “...Người đi về phương ấy/Có gặp lại ngày xưa/Và một ta thơ dại/Nhặt tháng ngày vu vơ” (Phương ấy).
Được biết, Đào An Duyên sinh ra ở quê lúa Thái Bình, lập nghiệp ở phố núi Pleiku, là một cô giáo yêu thơ và làm thơ. Thơ Đào An Duyên nặng tình với cả hai vùng quê này: “Con cúi lạy tháng mười đậu trên bông lúa uốn câu/Cong cong dáng mẹ/Hình hài con từ ấy lớn dần/Con nhờ đất mà thảo thơm tấm lòng nhân hậu.../...Con ngủ giấc thị thành mơ bông lúa uốn câu/Mẹ thắt đáy lưng ong ngồi quạt cho cha mắt ngời hạnh phúc/Tháng mười về. Dòng sông quê hiền hòa uốn lượn/Con soi mình. Mơ một giấc trong xanh” (Mơ giấc trong xanh).
Trong bài “Chiều Pleiku”: “...Hoa quỳ vàng khắc khoải/Xoay tít vòng bánh xe/Chiều ngoại ô bất chợt/Thương cánh chuồn triền đê/Dốc lên rồi dốc xuống/Đổ vào chiều Pleiku/Người đi xa có nhớ/Bốn mùa sương giăng mù...”.
Bây giờ, người ta nói nhiều đến cách tân thơ, đến chuyện thơ phải khác những gì đang có. Riêng tôi, trước sau vẫn cho rằng, thơ là thơ, dù cách tân đổi mới thế nào thì thơ vẫn phải là “ý tại, ngôn ngoại” như ông cha mình ngàn năm nay đã quan niệm. Tôi vừa đọc một số bài viết về nữ nhà thơ Mỹ Louise Gluck-người đạt giải Nobel văn học năm 2020, mới hay bà cũng cho rằng: Thơ phải ít chữ, kiệm lời, thơ là “phong cách của tư tưởng”.
Thời còn là sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), tôi đã nghe nói đến thơ tượng trưng của nhóm Dạ Đài. Thời đó, người ta có ý phê phán quan điểm của nhóm Dạ Đài. Nay tôi tìm đọc lại, mới hay nhiều điều trong đó đúng với quan điểm thơ của tôi: “...Thơ phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới trên hàng chữ phải ẩn giấu muôn ngàn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy...”. Nói điều này để soi chiếu vào nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Đào An Duyên.
Đào An Duyên là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, nghề chính là giáo viên, chưa phải là nhà thơ chuyên nghiệp. Thế nhưng, thơ Đào An Duyên khá nhuần nhị, khá chuyên nghiệp. Ấy là tôi muốn nói đến những câu, trong nhiều bài thơ của Đào An Duyên có sức gợi, sức cảm, có ý ngoài lời ẩn giấu sau hàng chữ: “Sương giăng giăng tràn môi mắt/Ta ôm một thuở si mê...” (Cõng mùa). “Ta ru đời chưa ngủ/Ru lên ánh trăng gầy/Trăm năm tình vẫn vậy/Nỗi buồn nào qua đây/Ta ru nghìn đêm trước/Môi son giấc mơ ngoan/Giọt mưa khuya thềm vắng/Cơn mưa nào đi hoang” (Ru đêm). “...Em đàn bà phận mỏng/Nợ anh đời tơ vương...” (Nợ).
“...Có lẽ nào tình đã cũ/Khi mỗi bình minh em thức dậy...” (Mưa du ca). “...Đó là ngày. Em-người đàn bà đằm thắm...” (Em ngồi vá lại tháng năm em).
Tâm sự với tôi qua Facebook, Đào An Duyên nói rằng: “Em coi thơ như người bạn để gửi gắm những suy nghĩ, cảm xúc của cuộc đời. Trong sự giả chân lẫn lộn, thơ không bao giờ phản bội người anh ạ”.
Khi người thơ Đào An Duyên đã bén duyên thơ, hẳn thơ không phụ lòng người, tôi thiển nghĩ vậy.
DƯƠNG KỲ ANH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.