Liên tục những gói cứu trợ hàng chục ngàn tỉ, hàng trăm ngàn tỉ đã được nhà nước quyết định công bố để giúp người lao động và các khối/ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh tạm thời vượt qua khó khăn trước mắt do tác động bởi đại dịch Covid-19.
Mới nhất, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị quyết về gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng. Với gói này, khoảng 20 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng sẽ được hỗ trợ tiền "tươi" trong thời gian 3 tháng. Theo đó, những người lao động nghỉ không lương và người bị tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên sẽ được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng; những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động hay có hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm cũng sẽ được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay…
Đối với khối doanh nghiệp (DN), bên cạnh gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỉ đồng, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP quy định về việc gia hạn nộp các loại thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng và tiền thuê đất trong 5 tháng. Có 5 nhóm đối tượng DN được thụ hưởng chính sách này.
Với những quyết định kịp thời của nhà nước như vậy, các nhóm đối tượng được hỗ trợ nhìn chung cảm thấy phấn khởi và ấm lòng. Chắc chắn tinh thần đoàn kết sẽ được thắt chặt hơn, tất cả sẽ vững tin hơn để vừa chống Covid-19 vừa chuẩn bị hồi sức và bật dậy sau dịch.
Quyết sách như vậy được cho là rất đúng đắn, song điều cần thiết lúc này nữa là phải vừa trao trúng đối tượng phải vừa nhanh chóng, kịp thời. Cần kíp hơn cả là gói an sinh xã hội. Bản chất của an sinh xã hội là bảo đảm phần nào thu nhập cho người dân, người lao động trong hoàn cảnh chẳng may bị giảm hoặc mất nguồn thu vì ngừng việc, thôi việc. Do đó, yếu tố thời điểm là rất quan trọng. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện nhóm đối tượng lao động đang làm việc chỉ 2-3 ngày/tuần khá đông, họ không muốn nghỉ hẳn và DN cũng muốn giữ chân họ. Vì thế, cần giải ngân thật nhanh để hỗ trợ thu nhập cho nhóm này nhằm thực hiện được mục tiêu kép là DN không tổn thất về lực lượng sản xuất và người lao động không bị mất việc hẳn.
Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương, tổ chức cơ sở, DN phương án thực hiện để tiền đến tay người cần được hỗ trợ một cách sớm nhất. Nếu cứ áp dụng các nguyên tắc/ quy định như thông thường để triển khai thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng "trên thông, dưới tắc". Cho nên, cần phải quán triệt điều này trong toàn hệ thống: Các gói cứu trợ mới nhất này phải được thực thi theo hoàn cảnh không bình thường. Đất nước đang có đại dịch, là hoàn cảnh không bình thường, vì vậy phải vận dụng cách làm mới, linh hoạt, nhanh chóng. Đừng để lặp lại trường hợp bồi thường cho người dân bị thiệt hại trong vụ án môi trường Formosa (Hà Tĩnh), cả 1 năm sau tiền mới tới tay các nạn nhân!
Và để đồng tiền an sinh được chi trúng đối tượng, tránh lạm dụng hay trục lợi, cần công khai minh bạch tối đa các tiêu chí và danh sách các nhóm thụ hưởng; đồng thời huy động rộng rãi sự giám sát của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và báo chí - truyền thông.
Theo A.Q (NLĐO)