“Đừng để lại gì ngoài những dấu chân”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ở khu vực giáp ranh giữa TP. Pleiku và huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có một điểm cao mà mọi người gọi là núi Đá hay còn gọi là đồi 37 pháo binh.

Tôi chưa lên đây bao giờ nhưng nghe nhiều người khen là nơi ngắm phong cảnh, cắm trại, check-in rất đẹp, nhất là vào lúc bình minh, hoàng hôn. Cũng vì nơi đây đẹp nên nhiều người rủ nhau lên chơi, ngắm cảnh, chụp ảnh.

Những bức ảnh selfie ở núi Đá xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội Facebook kèm theo bao dòng “tự sướng” khiến ai chưa đến đây phải... phát thèm. Nhưng hình như có một thứ mà chủ nhân của những bức ảnh ấy không ghi lại, đó là rác của họ xả ra hoặc của những người đến trước xả ra.

Nhiều người đến để chụp những bức ảnh với góc máy hất lên bầu trời, thu vào khung cảnh thiên nhiên diễm lệ ở trên cao, phía xa nhưng dường như hay cố tình lờ đi rác rưởi ở dưới chân mình. Thậm chí, để có những tấm ảnh đẹp, chính họ đã phải nhón chân qua những bãi rác. Nhưng rồi, khi đã no nê cảm xúc với những bức ảnh selfie đủ kiểu và trở xuống, họ lại góp thêm những rác rưởi trên mặt núi Đá.

Nhóm bạn trẻ ở Pleiku vừa thu gom rác thải tại khu vực núi Đá. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhóm bạn trẻ ở Pleiku vừa thu gom rác thải tại khu vực núi Đá. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngày 25-12 vừa qua, một nhóm bạn trẻ ở Pleiku đã lên núi Đá để dọn rác. Và những tấm ảnh họ đăng trên mạng xã hội Facebook có thể khiến nhiều người phải sốc, trong đó có tôi. Không ai ngờ một điểm đến đẹp như núi Đá lại nhiều rác đến thế. Rác tràn lan trên mặt đất. Rác lẩn khuất trong những bụi cây, từ bao bì ni lông, áo mưa đến chai nhựa, hộp xốp...

Chỉ trong một buổi sáng, theo ảnh chụp đăng trên Facebook, nhóm bạn trẻ kia đã thu gom được cả đống rác đựng đầy trong hàng chục bao tải, bì ni lông loại lớn. Rác đó có thể là của ai nếu không phải do những “lữ khách” đến núi Đá selfie, ngắm cảnh, cắm trại thải ra?

Ở gần ngay núi Đá, đồi thông Ia Dêr (huyện Ia Grai) cũng là một điểm dã ngoại được nhiều người tìm đến, nhất là dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu sau những cuộc vui, dưới những tàng thông xanh này không la liệt rác thải bị du khách bỏ lại. Rất nhiều nhóm tình nguyện đã lên đây thu gom rác thải, trả lại cho đồi thông vẻ thanh sạch vốn có. Nhưng rồi đâu lại vào đó, rác vẫn tràn lan, vương vãi khắp nơi.

Nhiều người đi du lịch ở Việt Nam từ lâu đã nằm lòng câu nói “Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”. Nhưng dường như khoảng cách từ lời nói đến việc làm của nhiều người vẫn còn quá xa, thậm chí là đối nghịch. Bằng chứng là tình trạng xả rác thải bừa bãi, ngắt hoa bẻ cành, viết vẽ bậy tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa vẫn nhan nhản diễn ra bất chấp những nơi này đều có biển cảnh báo, nhắc nhở, có thùng để du khách bỏ rác.

Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đang đẩy mạnh phát triển du lịch, hướng đến nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa đã được quan tâm đầu tư, bảo vệ như một nguồn tài nguyên vô giá phục vụ ngành “công nghiệp không khói”, lĩnh vực đang tạo ra rất nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho nhiều người, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng ở chiều ngược lại, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa cũng đang đối mặt với sự đe dọa, hủy hoại của mưa nắng thời gian và nhất là bàn tay con người. Trong đó, xả rác, viết vẽ bậy là những hành vi có tính hủy hoại cao nhất.

Du lịch để khám phá thiên nhiên, cuộc sống là một biểu hiện của đời sống văn minh, khi con người mong muốn làm giàu thêm kiến thức, trải nghiệm, làm phong phú thêm tâm hồn của bản thân. Nhưng để trở thành một con người văn minh thì người ta không thể chỉ biết ăn ngon, mặc đẹp, biết thưởng lãm khung cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử-văn hóa cho riêng mình mà còn phải có ý thức gìn giữ, sẻ chia những giá trị đó với cộng đồng, với thế hệ mai sau.

Vì vậy, hãy đi du lịch, hãy thỏa sức khám phá, check-in, selfie nếu có thể. Nhưng làm ơn hãy nhớ, đừng xả rác vô tội vạ, đừng viết vẽ bậy lên các di tích, “đừng để lại gì ngoài những dấu chân”.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...