Du lịch xanh nơi “chảo lửa” Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa”, ông Nguyễn Ngọc Trìu (SN 1976, thôn Hưng Phú, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) quyết định tìm lối đi riêng bằng cách chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng hoa.

Mô hình nông trại nơi “Thung lũng hồng” của ông đã trở thành địa điểm hút du khách gần xa.

U50 khởi nghiệp

Như bao nông dân khác ở vùng “chảo lửa”, ông Trìu đã nhiều năm chật vật với cây điều và cây thuốc lá. Gia đình ông có mảnh đất rộng khoảng 6 ha bên bờ sông Ba, nơi được biết đến với cái tên đầy thơ mộng là “Thung lũng hồng” ở khu vực giáp ranh 3 địa phương Ayun Pa, Krông Pa, Ia Pa. Sau hơn chục năm canh tác, các loại cây trồng chỉ cho năng suất thấp, giá cả bấp bênh nên ông luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho gia đình.

Đầu năm 2023, trong một lần cùng gia đình đi tham quan ở khu vực bờ kè Bến Mộng (thị xã Ayun Pa), thấy mô hình trồng hoa cánh bướm được trồng trong diện tích khá nhỏ song vẫn thu hút sự chú ý của nhiều người. Sẵn có mảnh đất bằng phẳng với địa thế sông núi hữu tình, ông Trìu quyết định bỏ cây điều và thuốc lá để trồng hoa. Với ý tưởng khá “điên rồ” ấy, ông vấp phải sự phản đối của họ hàng và bạn bè.

“Họ nói tôi khùng rồi mới bỏ cây điều trồng hoa, ở cái tuổi ngũ tuần rồi mà còn nghĩ chuyện làm du lịch. Nhưng vợ con tôi lại rất ủng hộ, tin tưởng vào mô hình mới, phù hợp khả năng đầu tư, mong muốn vừa làm kinh tế vừa phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn vẻ đẹp núi non hùng vĩ nơi đây”-ông Trìu bộc bạch.

Du khách check-in tại nông trại của ông Nguyễn Ngọc Trìu (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa). Ảnh: Ngọc Trung

Du khách check-in tại nông trại của ông Nguyễn Ngọc Trìu (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa). Ảnh: Ngọc Trung

Cậu con trai lớn của ông là Nguyễn Ngọc Trung (SN 2000) có nhiều năm làm nghề đầu bếp cho các khu du lịch tại TP. Đà Nẵng. Đi nhiều nơi, được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch, Trung nhận thấy mảnh đất của gia đình rất tiềm năng để mở mô hình nông trại trồng hoa kết hợp dịch vụ ăn uống, cắm trại, câu cá giải trí… Và rồi, “Đồi hướng dương farm” ra đời mang theo bao tâm huyết của cha con ông Trìu.

Tháng 4-2023, ông Trìu hăm hở với những nhát cuốc đầu tiên cho dự án mới. Song, những hạt giống đầu tiên ông gieo trồng đều thất bại khiến ông mất cả thời gian, công sức và tiền bạc. Qua nhiều lần thử nghiệm, các loại hoa cánh bướm, vạn thọ và đặc biệt là hướng dương đã phát triển xanh tốt. Đất không phụ công người, những bông hoa rực rỡ khoe sắc từ cuối năm 2023 và khu vườn bắt đầu đón khách tham quan.

Hướng đến du lịch xanh

Theo ông Trìu, vì là bãi bồi trù phú nên khu vực “Thung lũng hồng” phù hợp với các loại hoa. Không những vậy, nhờ được núi non sừng sững bao quanh, một bên mênh mông dòng nước sông Ba nên khí hậu khá mát mẻ. Chỉ cách quốc lộ 25 khoảng 600 m, song khu vực này có sự phân khúc về nhiệt độ rõ rệt. Giữa cái nắng như đổ lửa có một “Thung lũng hồng” tương đối ôn hòa như một thế giới khác.

Bởi vậy, dù phải trải qua con đường đất ngoằn ngoèo dưới chân đèo Tô Na, du khách vẫn trầm trồ như được tặng một món quà trước khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Nông trại của gia đình ông Trìu nhanh chóng thu hút du khách khắp nơi tìm về. Những cụm từ như “cánh đồng hoa hướng dương” hay quán cà phê “view biển”… được chia sẻ tràn ngập trên các trang mạng xã hội.

Địa điểm uống cà phê bên bờ sông Ba được gọi ví von là "view biển". Ảnh: Văn Ngọc

Địa điểm uống cà phê bên bờ sông Ba được gọi ví von là "view biển". Ảnh: Văn Ngọc

Ông Rơ Lan Baih-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm: “Đây là mô hình du lịch mới nên chính quyền địa phương rất ủng hộ. Đợt Tết vừa qua đã có một lượng khách rất lớn đến tham quan, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân tộc thiểu số tại chỗ. Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị hướng dẫn ông Trìu cũng như người dân làm các thủ tục liên quan để phát triển mô hình bền vững và quy mô hơn”.

Chị Hà Thị Thu (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) hào hứng: “Ở gần đây ít có điểm du lịch nên khi nghe có cánh đồng hoa lớn như vậy, chị em chúng tôi rủ nhau đi thử. Dù qua lại nhiều lần nhưng tôi quả thực bất ngờ khi nơi đây đẹp và mát mẻ như vậy, lại có không gian cho lũ trẻ chạy nhảy.

Vườn hoa khá rộng nhưng chỉ thu có 30 ngàn đồng kèm thêm một phần nước, giá cả rất phải chăng. Mong nhà vườn tiếp tục cải tạo, trồng thêm các loại hoa, cây che bóng mát để mọi người tiếp tục có dịp ghé thăm, check-in”.

Không chỉ vậy, nông trại của ông Trìu cũng cung cấp lều bạt để cắm trại và phục vụ ăn uống theo phong cách nướng BBQ. Nhiều gia đình đã chọn nơi đây để tổ chức họp mặt, thư giãn mỗi khi có dịp. Anh Trần Văn Thanh (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Tôi rất thích câu cá và nơi đây rất lý tưởng. Ở đây có thể câu được các loại cá mè dinh, cá chốt, cá bống… rất thú vị. Ở vùng này rất khó tìm được địa điểm mát mẻ, phong cảnh hữu tình như vậy”.

Ông Trìu thống kê, từ khi mở cửa vào cuối năm 2023 đến nay, nông trại của ông đã có hơn 4.000 lượt người đến tham quan, trong đó có rất nhiều du khách ngoài tỉnh. Ông Trìu hồ hởi: “Hầu hết du khách đều khen ngợi và có những góp ý rất tích cực cho gia đình. Đó là niềm vui về tinh thần mà chúng tôi không có được nếu quanh năm chỉ trồng điều hay thuốc lá.

Chúng tôi cũng mong chính quyền địa phương hướng dẫn, ủng hộ để hoàn tất các thủ tục, mở thêm các dịch vụ như chèo thuyền. Gia đình cũng đang nghiên cứu trồng thêm các loại hoa đẹp hơn nữa, hướng đến loại hình du lịch xanh bền vững”.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.