Du lịch trải nghiệm dưới chân đèo Tô Na

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xuôi dòng sông Ba tới đèo Tô Na (khu vực giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa), du khách có cơ hội trải nghiệm tuyệt vời khi lạc vào Thung lũng Hồng với vẻ đẹp hoang sơ làm mê đắm lòng người, được thưởng thức trái cây ngọt lịm cùng đặc sản cá chốt thơm lừng.

Bức tranh thủy mặc

Sông Ba đầu mùa khô hiền hòa. Xuôi dòng, chúng tôi ghé Thung lũng Hồng. Nơi đây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ với núi đá trùng điệp, rừng cây thâm u, tĩnh mịch. Cây đang mùa thay lá, núi rừng khoác chiếc áo choàng màu vàng đẹp đến nao lòng.

Dưới ánh chiều tà, xung quanh là núi đá, mặt sông hắt lên màu hồng nhạt. Có lẽ tên gọi Thung lũng Hồng cũng được bắt nguồn từ phong cảnh nên thơ, hữu tình này.

Du khách đi xuồng máy tham quan Thung lũng Hồng. Ảnh: V.C

Du khách đi xuồng máy tham quan Thung lũng Hồng. Ảnh: V.C

Trong không gian tĩnh mịch, tiếng động cơ nổ giòn khiến đàn cò đang lim dim ngủ trong tán rừng bỗng giật mình cất cánh bay lên. Chúng chao liệng trên không trung rồi chọn dừng chân trên một mỏm đá ven bờ.

Theo dòng nước lững lờ, hiền hòa trôi, con xuồng đưa chúng tôi tiến sát đập thủy điện Đak Srông 3A. Khói bếp bay lên từ những ngôi nhà sàn ven sông do người dân dựng tạm khi đến đây canh tác. Vài khóm hoa cúc, hoa cánh bướm hòa cùng những bụi cỏ lau rung rinh trong gió.

Với kinh nghiệm gần chục năm gắn bó với dòng sông này, người lái xuồng chia sẻ với chúng tôi: Khúc sông này buổi sáng thường lặng gió, rất thích hợp để du ngoạn. Du khách có thể tham quan Thung lũng Hồng ngắm nhìn thiên nhiên kỳ vĩ, cũng có thể xuôi dòng xuống đập thủy điện. Đứng trên đập, phóng tầm mắt ra xa sẽ cảm nhận rõ nhất sự mênh mông của sông nước, núi đá, mây trời.

Bức tranh thủy mặc mang lại cho con người cảm giác thư thái, tự tại, yên bình. Vẻ hoang sơ, thơ mộng này là điểm nhấn hấp dẫn với nhiều du khách.

Sản vật phong phú

Không chỉ là điểm tham quan lý tưởng, sông Ba đoạn dưới chân đèo Tô Na còn giàu có các loại thủy sản mang lại nguồn thu nhập ổn định, nuôi sống người dân vùng thung lũng Cheo Reo, trong đó có đặc sản cá chốt.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức (tổ 1, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) đã có hơn 8 năm mưu sinh trên dòng sông này. Trong căn chòi lộng gió bên sông, vừa nhanh tay làm sạch mớ cá mới thu hoạch được, anh vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện nghề.

“Trước đây, vợ chồng tôi mỗi lần giăng lưới cũng được 70-80 kg cá, tôm, có khi lên tới hơn 1 tạ. Trong đó nhiều nhất là cá bống. Bây giờ, tôm cá ít đi nhiều, dân chài cũng bỏ nghề dần, chỉ còn vợ chồng tôi trụ lại. Tuy cá lớn không còn nhưng tôi vẫn có nguồn thu nhập ổn định”-anh Đức chia sẻ.

Cũng theo anh Đức, cá chốt là đặc sản của vùng này. Có thể nhờ nguồn nước hợp lưu nên cá chốt sông Ba thơm ngon lạ lùng, không nơi nào sánh được. Mỗi ngày, anh thức dậy từ tờ mờ sáng đi giăng lưới. Nhiều đêm, anh ngủ lại luôn trên sông.

Cá thu được, anh chị làm sạch trước khi cung cấp cho các nhà hàng. Cung không đủ cầu nên ai muốn ăn phải dặn anh chị trước.

Trên đèo, lá giang không thiếu, chỉ cần một nắm nhỏ, anh chế biến ngay nồi canh cá chốt lá giang thơm ngon, nóng hổi đãi khách. Thêm món cá chốt kho tộ, nồi cơm nấu củi và đĩa cá rô phi nướng nữa là thành bữa tiệc thịnh soạn.

Vườn cam sai trĩu quả trên doi đất bên sông. Ảnh: Vũ Chi

Vườn cam sai trĩu quả trên doi đất bên sông. Ảnh: Vũ Chi

Cùng với phong cảnh hữu tình, thủy sản phong phú, mùa mưa, nước sông Ba dâng cao bồi đắp một lượng phù sa lớn cho ruộng vườn hai bên bờ. Tận dụng lợi thế này, nhiều hộ dân trồng cây ăn quả trên doi đất cách bờ chừng vài trăm mét. Đứng bên đèo phóng tầm mắt ra xa, màu xanh trù phú của những vườn trái cây sai trĩu quả.

Ngồi xuồng máy qua đây, du khách có thể thoải mái check-in, thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn và mua về làm quà. Cam, dừa, bưởi nơi đây luôn sai trĩu quả, mọng nước và ngọt lịm. Chủ vườn nhanh thoăn thoắt hái trái cây vào giỏ và chở ra xuồng cho khách. Chẳng cần cân đo đong đếm bởi tấm lòng người dân nơi đây luôn rộng rãi, nhiệt tình.

Kết thúc chuyến hành trình, anh Nguyễn Khánh Hòa (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) bất chợt thốt lên: “Quá tuyệt vời. Ngắm nhìn sông nước mênh mông, thưởng thức đặc sản, vị ngọt trong từng loại trái cây mang đến cảm giác trải nghiệm thú vị. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè của mình về nơi đây, một điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích thiên nhiên, thích trải nghiệm”.

Trải qua tháng năm, dòng sông Ba vẫn thao thiết chảy nuôi dưỡng tâm hồn con người vùng thung lũng Cheo Reo, làm dịu đi cái nắng nóng của đất trời cao nguyên. Tiềm năng du lịch trải nghiệm còn đó, chỉ chờ bàn tay con người khai phá, phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.