Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh: Cần sớm ban hành giá đất tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Ngoài việc cho rằng giá đất đền bù theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn thấp, các hộ dân thuộc diện thu hồi đất phục vụ Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng mong muốn tỉnh sớm ban hành giá đất tái định cư để họ sớm ổn định cuộc sống.

Còn nhiều băn khoăn

Ông Quảng Văn Tiếp (số 17C Châu Văn Liêm, tổ 9, phường Ia Kring) cho biết: Gia đình ông định cư ở khu vực này từ năm 2000, khi chưa quy hoạch Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh. Theo phương án bồi thường, gia đình ông được nhận 3,2 tỷ đồng đối với 2 phần diện tích nhà, đất đang ở với tổng diện tích 843 m2.

Ông Tiếp khẳng định, ông cũng như một số hộ dân ở đây đồng ý với phương án bồi thường và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Tuy nhiên, điều ông phân vân, lo lắng là hiện chưa có thông báo giá đất ở khu tái định cư đối với các hộ thuộc diện được bố trí tái định cư của dự án. Chính vì vậy, ông và một số hộ dân chưa dám nhận tiền đền bù, bởi không biết số tiền nhận được có đủ để mua đất và xây nhà hay không.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Vân (17B Châu Văn Liêm) cho hay: “Đến nay chỉ mới có thông báo phương án đền bù, còn giá đất tái định cư chưa thấy thì làm sao dám nhận đền bù. Mong các cấp chính quyền sớm ban hành bảng giá đất tái định cư để người dân còn “liệu cơm gắp mắm”. Người dân đã mòn mỏi chờ đợi từ rất lâu rồi, phải chịu nhiều thiệt thòi khi sống trong vùng dự án. Chính vì vậy, Nhà nước cần sớm triển khai để chúng tôi còn di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống lâu dài”.

Ông Quảng Văn Tiếp-Số nhà 17C đường Châu Văn Liêm (phường Ia Kring, TP. Pleiku, bìa trái) mong muốn tỉnh sớm ban hành giá đất tái định cư của dự án để gia đình tính toán phương án mua đất, xây nhà, ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn ảnh 1

Ông Quảng Văn Tiếp-Số nhà 17C đường Châu Văn Liêm (phường Ia Kring, TP. Pleiku, bìa trái) mong muốn tỉnh sớm ban hành giá đất tái định cư của dự án để gia đình tính toán phương án mua đất, xây nhà, ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo ông Trần Ngọc Lợi-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 9 (phường Ia Kring): Đa phần người dân đã nắm bắt được phương án bồi thường đưa ra, nhiều hộ cho rằng giá đền bù còn thấp. Nhưng điều mà họ quan tâm nhất hiện nay là giá đất ở các khu vực tái định cư như thế nào. Một số hộ diện tích chỉ khoảng 100 m2, giá trị đền bù chưa đến 500 triệu đồng thì giải quyết thế nào trong khi họ có đất và nhà ở ổn định tại đây đã hơn 20 năm.

Ông Lợi khẳng định: “Họ sẵn sàng bàn giao mặt bằng thực hiện dự án, chỉ mong Nhà nước quan tâm tạo điều kiện hơn nữa. Chứ với số tiền đền bù như thế, họ không thể mua đất ở khu vực tái định cư cũng như ở những chỗ khác, nói chi đến việc xây nhà, ổn định cuộc sống”.

Trong khi đó, ông Phan Phi Hải-Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring thì cho biết: Trên địa bàn phường có 282 hộ với 308 thửa đất có diện tích 14,97 ha tại tổ 8 và 9 thuộc diện thu hồi, bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Đến nay, có 93 thửa được các hộ đồng ý với phương án bồi thường, trong đó, 18 hộ đã nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng. Trong thời gian niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, phần lớn các hộ gia đình, cá nhân chưa đồng ý vì cho rằng giá đất bồi thường còn thấp, giá bồi thường nhà ở, vật kiến trúc, cây cối hoa màu chưa phù hợp với giá thị trường hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring cho biết thêm: Người dân đề nghị công bố giá đất tái định cư tại các tuyến đường quy hoạch và đường Nguyễn Văn Linh thuộc khu quy hoạch của dự án để có cơ sở cân đối nguồn tài chính của gia đình, sớm ổn định cuộc sống.

“Hiện UBND phường đang phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn của thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động và giải quyết kiến nghị của các hộ gia đình, cá nhân để họ chấp thuận theo chủ trương, sớm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Đối với những ý kiến vượt thẩm quyền thì phường sẽ báo cáo UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn tham mưu hướng xử lý”-ông Hải thông tin.

Mong người dân đồng thuận

Theo quy hoạch, Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh dự kiến tiến hành thu hồi khoảng 39,7 ha đất của 778 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thuộc các phường: Trà Bá, Hội Phú và Ia Kring. Dự án do UBND TP. Pleiku làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 2.160 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 1.500 tỷ đồng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Trọng Hoàng-Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku-cho hay: Đơn vị phối hợp với UBND các phường đã niêm yết công khai phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 735/781 thửa đất, đạt 94% so với kế hoạch. Đến nay, 206 hộ/778 hộ và 1 tổ chức đã đồng ý phương án bồi thường; qua đó đã phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, chi trả cho 54 hộ và 1 tổ chức với tổng số tiền hơn 132,5 tỷ đồng trên phần diện tích thu hồi là 37.617,7 m2. Bên cạnh đó, 152 hộ đã đồng ý, đang thực hiện lập hồ sơ để trình phê duyệt thực hiện phương án đền bù.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku thông tin thêm: Trung tâm đang phối hợp giải quyết các vướng mắc liên quan đến đơn giá bồi thường về đất, nhà ở, vật kiến trúc, cây cối hoa màu còn thấp so với mong muốn của người dân. Về chính sách hỗ trợ khác đối với người dân khi Nhà nước thu hồi đất, UBND TP. Pleiku đã có văn bản đề nghị tỉnh xem xét để bảo đảm họ có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và quan trọng là phải công bằng. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không đủ điều kiện được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì đến nay tỉnh chưa có văn bản hồi đáp để tiến hành thực hiện.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (đường Châu Văn Liêm, tổ 9, phường Ia Kring) có giá trị đền bù thấp nên mong muốn được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn ảnh 2

Gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (đường Châu Văn Liêm, tổ 9, phường Ia Kring) có giá trị đền bù thấp nên mong muốn được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn

Đặc biệt, giá giao đất có thu tiền sử dụng đất tái định cư của dự án chưa được ban hành trong bảng giá đất của tỉnh giai đoạn 2020-2024 nên gặp khó khăn trong việc giao đất, xác định giá trị lô đất tái định cư. Tổng cộng có 497 trường hợp được bố trí tái định cư vùng dự án.

“Người dân căn cứ giá trị bồi thường của mình và giá đất tái định cư để làm cơ sở đồng thuận theo phương án bồi thường và bố trí tái định cư nhưng hiện nay chưa có. Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đã xây dựng khung giá dự kiến nhưng để thực thi đúng quy định pháp luật cần được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”-ông Hoàng nói.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku, Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh là một trong những công trình trọng điểm được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Khi hoàn thành, đây sẽ là điểm nhấn làm thay đổi diện mạo TP. Pleiku, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống cho người dân. “Chính vì thế, chúng tôi rất cần sự đồng thuận, thống nhất cao của các hộ dân trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra”-ông Hoàng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Kỳ cuối: Cần minh bạch thị trường đất đai

Kỳ cuối: Cần minh bạch thị trường đất đai

(GLO)- Trong thực tế, nhu cầu giao dịch đất đai của người dân vẫn đang có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, khi hoạt động này thiếu sự kiểm soát sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để hoạt động giao dịch bất động sản diễn ra đúng pháp luật, ngành chức năng cần có giải pháp định hướng và chính sách minh bạch hóa thị trường đất đai.

Gồm 30 thành viên trong Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng

Gồm 30 thành viên trong Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng

(GLO)- Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (Hội đồng) gồm 30 thành viên; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Hội đồng. Theo đó, Hội đồng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng.
Đường biến thành... sông

Đường biến thành... sông

(GLO)- Mùa nắng thì bụi mù trời, mùa mưa thì cả đoạn đường biến thành sông khiến nhiều hộ dân sống tại hẻm 494 đường Phạm Văn Đồng (tổ 4, phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) không thể lưu thông. Đáng nói, thực trạng này kéo dài gần 10 năm nay.
Công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung: Khó khăn từ nhiều phía

Công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung: Khó khăn từ nhiều phía

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các huyện phải có ít nhất 1 công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp (tiêu chí 7.4). Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa có địa phương nào xây dựng được công trình này.
Đề xuất thành lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn

Đề xuất thành lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn

Ngày 18-9, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, sở vừa phối hợp với đoàn chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mở đợt khảo sát, làm việc để thống nhất về dự án 'Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam' tại tỉnh Bình Định.
Ảm đạm chợ huyện Ia Grai

Ảm đạm chợ huyện Ia Grai

(GLO)- Tọa lạc ở vị trí đắc địa nhưng chợ huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) lại rơi vào cảnh ế ẩm triền miên. Chợ có diện tích hơn 11.000 m2 với tổng số 180 lô, nhưng trên thực tế số lô đang hoạt động ít hơn số đăng ký rất nhiều. Tình trạng tiểu thương bỏ lô sạp để ra phía đường bên cạnh chợ thuê mặt bằng kinh doanh càng lúc càng nhiều. Có những lô trong nhà lồng trước kia là mặt tiền thì nay sử dụng làm kho hàng, che khuất các lô phía trong nên việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
An Khê: Các thôn, làng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

An Khê: Các thôn, làng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 28-12-2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định Bộ tiêu chí thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thị xã An Khê tích cực triển khai, phấn đấu đưa thôn An Xuân 3 (xã Xuân An) và làng Pốt (xã Song An) đạt chuẩn NTM trong năm 2023.
Ia Ko khó “về đích” nông thôn mới

Ia Ko khó “về đích” nông thôn mới

(GLO)- Xã Ia Ko (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) là 1 trong 9 xã trên địa bàn tỉnh đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2023. Đến nay, xã vùng sâu này mới chỉ đạt được 11/19 tiêu chí và rất khó về đích NTM như kế hoạch đề ra.