Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh: Nhiều hộ ở Chư Păh chưa đồng thuận mức giá bồi thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh (đường tránh quốc lộ 19) có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 15 km đi qua các huyện: Đak Đoa, Chư Păh và TP. Pleiku.

Trong đó, đoạn qua địa phận xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) dài 3,43 km. Chỉ giới đường này rộng 50 m, nền đường rộng 30 m, tổng vốn đầu tư toàn tuyến là 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Tiến hành đo đạc, thi công đường hành lang kinh tế phía Đông tại thôn 3, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ảnh: H.C

Tiến hành đo đạc, thi công đường hành lang kinh tế phía Đông tại thôn 3, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ảnh: H.C

Trong các cuộc họp lấy ý kiến công khai về phương án bồi thường tài sản gắn liền với đất tổ chức tại các thôn 1, 2, 3, 4 và trụ sở UBND xã Nghĩa Hưng, người dân thống nhất cao với chủ trương thu hồi 21,26 ha đất và đồng tình với việc làm đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh để mở rộng hệ thống giao thông, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận với Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 20-5-2021 của UBND tỉnh về việc quy định mức giá bồi thường 396.396 đồng/cây cà phê kinh doanh từ 6 đến 20 năm, vì giá thị trường hiện nay đã vào khoảng 700.000 đồng/cây. Một số hộ khó khăn, sống dựa vào nguồn thu nhập từ việc thuê đất hàng năm thì đề nghị chính quyền xem xét thực hiện chính sách hỗ trợ, hoán đổi đất và tái định cư để sau khi thu hồi đất có điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Đỗ Văn Túc-Trưởng thôn 2 (xã Nghĩa Hưng) cho biết: “Thôn 2 có 6 hộ có nhiều đất bị thu hồi để làm đường. Các hộ này kiến nghị bồi thường tài sản và đất tương đương với giá thị trường. Giá cà phê, hồ tiêu, chè, chanh dây… tăng cao nên bà con đề nghị Nhà nước cũng tăng mức bồi thường khi thu hồi đất để đỡ thiệt thòi”.

Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, UBND huyện Chư Păh đã có Thông báo số 16 ngày 21-3-2023 về việc thu hồi 78.579 m2 đất trồng cây lâu năm của 34 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức (Công ty cổ phần Chè Biển Hồ). Đến nay, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ đã nhận hơn 3,6 tỷ đồng tiền bồi thường và hoàn thành bàn giao hơn 37.481 m2 đất trồng cây lâu năm cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Minh Phụng cũng đã ký Quyết định số 550 ngày 22-5-2024 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của dự án (đợt 2). Theo đó, UBND huyện sẽ tổ chức chi trả hơn 2,6 tỷ đồng cho 28 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hơn 34.527 m2 đất trồng cây lâu năm.

Ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho hay: “Trước việc một số hộ dân kiến nghị điều chỉnh mức giá bồi thường đối với cây cà phê kinh doanh từ 6 đến 20 năm, UBND huyện đã có công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.