Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh: Đak Đoa bàn giao toàn bộ mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Gia Lai (đường tránh quốc lộ 19) dài hơn 15 km (từ ngã tư quốc lộ 19, thuộc địa phận thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku đến ngã tư quốc lộ 14, thuộc thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) và rộng hơn 30 m.

Dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư với tổng số vốn là 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Do tính chất quan trọng của dự án, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thi công công trình. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có huyện Đak Đoa chi trả xong gần 60 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 1 tổ chức và 135 hộ dân với hơn 152.648 m2 đất (trong đó có gần 1.596 m2 đất ở, hơn 87.000 m2 đất trồng cây lâu năm, hơn 53.337 m2 đất trồng lúa 2 vụ) thu hồi để thực hiện dự án.

Được cán bộ giải thích cặn kẽ, người dân xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) đã đồng thuận nhận tiền đền bù. Ngay sau khi nhận đủ tiền đền bù, 1 tổ chức và 135 hộ dân ở các làng Sao Đúp, Ia Mút, Ring Rai nhanh chóng bàn giao toàn bộ diện tích đất đã thu hồi cho nhà thầu thi công dự án. Nhờ đó mà hơn 7 km đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh đi qua xã Hà Bầu thi công vượt tiến độ đề ra.

Thi công đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh (đường tránh quốc lộ 19) đoạn qua làng Ia Mút, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.C

Thi công đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh (đường tránh quốc lộ 19) đoạn qua làng Ia Mút, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.C

Ông Mai Tấn Lợi-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Đak Đoa-cho biết: “Thời gian đầu triển khai thực hiện dự án, do chưa hiểu rõ chính sách đền bù, hỗ trợ của Nhà nước nên còn một số người dân ở xã Hà Bầu có ý kiến khác nhau về việc áp giá bồi thường đất lúa, đất trồng cây lâu năm, đơn giá bồi thường các loại cây trồng. Sau khi được giải thích cụ thể, bà con đã đồng loạt bắt tay vào giải phóng mặt bằng và bàn giao đầy đủ đất xây dựng dự án”.

Theo chân ông Y Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Bầu, chúng tôi đến công trường thi công đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh. Theo người dân nơi đây, ngay từ khi khảo sát, đo đạc, cắm mốc chỉ giới tuyến đường, bà con đã được cán bộ phổ biến chủ trương, mục đích xây dựng công trình này là để hoàn thiện mạng lưới giao thông trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các huyện Đak Đoa, Chư Păh và TP. Pleiku.

Cùng với đó, các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bảng tổng hợp kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của từng hộ đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và hội trường các làng có đất thu hồi. Tuy vậy, nhiều hộ dân vẫn có những ý kiến băn khoăn về việc áp giá bồi thường tài sản gắn liền với các loại đất.

Chị Del (làng Ia Mút) bộc bạch: “Lúc đầu, mình và nhiều người khác chưa hiểu biết về chế độ bồi thường nên có đi lên xã thắc mắc. Sau đó, mình thấy bồi thường cụ thể từng thửa đất, từng loại cây trồng nên bằng lòng, không thắc mắc nữa”.

Còn ông Y Hiếu thì nói: “Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, không làm bụi bẩn bay xa, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con”.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.