Dồn lực phục vụ xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chuẩn bị các phương án giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, các mỏ vật liệu, đất nền… phục vụ thi công dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Thông tin từ Ban chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 cho hay, đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ đầu tư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Mới đây, Ban chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm tỉnh Đắk Lắk tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương của tỉnh có dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua, gồm: hầm đèo Phượng Hoàng; khu vực nút giao số 4 giao với đường Trường Sơn Đông thuộc địa bàn H.M’Đrắk; nút giao liên thông số 5 tại xã Cư ELang, H.Ea Kar; nút giao liên thông số 7 tại xã Hòa Tiến, H.Krông Pắc; nút giao liên thông số 8 tại xã Ea K’Nuếc, H.Krông Pắc và nút giao liên thông số 9 giao với đường tránh đông TP.Buôn Ma Thuột.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk khảo sát, kiểm tra các địa bàn dự kiến tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua. Ảnh: CTV
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk khảo sát, kiểm tra các địa bàn dự kiến tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua. Ảnh: CTV
Qua khảo sát, kiểm tra, Ban chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị tốt phương án giải phóng mặt bằng bảo đảm các quy định pháp luật; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng kịp thời, phù hợp. Đồng thời chuẩn bị các mỏ vật liệu, đất nền phục vụ công trình để kịp thời triển khai thi công khi dự án được Quốc hội thông qua…
Trước đó, hồi tháng 2, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng tổ chức thẩm định để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Cao tốc này có điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: CTV
Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: CTV
Theo quy hoạch, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô 4 làn xe, chiều dài khoảng 117,5 km; trong đó, đoạn qua Khánh Hòa khoảng 32,7 km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km. Toàn tuyến dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm, gồm: hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100 m, hầm Ea Trang khoảng 700 m và hầm Chư Te khoảng 700 m. Dự án được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỉ đồng; dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.
Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 938 ha; trong đó, đất rừng sản xuất gần 332 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 21,3 ha. Như vậy, khi triển khai dự án, diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 353 ha, trong đó tỉnh Đắk Lắk 282 ha, Khánh Hòa 70,8 ha.
Theo Trung Chuyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.