Đòn bẩy phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông qua nhiều giải đấu cấp quốc gia ở môn bóng đá, bóng chuyền, võ thuật… được tỉnh đăng cai tổ chức, hình ảnh văn hóa, con người, vùng đất Gia Lai đã có cơ hội đi xa hơn, định vị rõ hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam. 



Lịch sử thế giới từng chứng kiến nhiều cuộc chạy đua khốc liệt giữa các quốc gia để giành quyền đăng cai những giải đấu thể thao tầm cỡ như: Olympic, FIFA World Cup, Euro, Asiad... Trong nhiều lý do dẫn đến điều này thì có một lý do là các quốc gia đều muốn tận dụng những sự kiện thể thao lớn như một cơ hội vàng để nâng cao vị thế, hình ảnh của mình trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch.

Vậy tại sao các sự kiện thể thao lại được xem như đòn bẩy để phát triển du lịch? Câu trả lời là, để phát triển du lịch, bên cạnh nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, hấp dẫn và hệ thống hạ tầng dịch vụ đủ sức đáp ứng yêu cầu của du khách, mỗi quốc gia đều phải có chiến lược quảng bá hình ảnh. Chiến lược này đôi khi mất rất nhiều thời gian, tốn kém tiền của nhưng chưa chắc đã đem lại hiệu quả như kỳ vọng bởi vướng phải rào cản về ngôn ngữ, văn hóa.

Trong khi đó, từ lâu, thể thao đã được xem như một “ngôn ngữ toàn cầu” với khả năng liên kết mạnh mẽ con người, không phân biệt thể chế chính trị, ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo… Việc hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đổ về quốc gia nào đó mỗi khi có sự kiện thể thao lớn mà không cần bất cứ lời mời gọi nào là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Huyện Ia Grai tổ chức hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô để thu hút khách du lịch. Ảnh: Phương Linh
Huyện Ia Grai tổ chức hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô để thu hút khách du lịch. Ảnh: Phương Linh

Với ưu thế quá lớn đó, các sự kiện thể thao tầm cỡ ngày càng được nhiều quốc gia tận dụng như một cơ hội nhanh nhất, hiệu quả nhất để quảng bá, kích cầu phát triển du lịch ngay trên “sân nhà”. Trong dịp này, tất cả các điểm đến hấp dẫn, các lễ hội, sản vật đặc trưng của quốc gia đều được đem ra giới thiệu với quan chức, huấn luyện viên, vận động viên, phóng viên báo chí và đông đảo cổ động viên, du khách đến từ nhiều nước.

Và từ những “sứ giả” trên, hình ảnh quốc gia chủ nhà của sự kiện thể thao sẽ nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới mà không tốn một xu chi phí quảng bá. Hiệu quả rõ nhất sau mỗi sự kiện thể thao là lượng du khách đến với quốc gia đăng cai thường tăng vọt so với trước.

Từ thực tế đó, khái niệm “du lịch thể thao” đã được hình thành và loại hình du lịch này ngày càng có sự tăng trưởng nhanh chóng. Thậm chí, theo nhận định của một hãng truyền thông lớn ở châu Âu thì du lịch thể thao chính là “trái tim của tăng trưởng du lịch toàn cầu”.

Tại Việt Nam, du lịch thể thao chưa phát triển mạnh như nhiều nước trên thế giới nhưng cũng đang từng bước được quan tâm. Nhiều địa phương, trong đó có Gia Lai đã chủ động nhập cuộc với mong muốn đẩy mạnh phát triển du lịch.

Cụ thể, những năm gần đây, cùng với việc tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch bên ngoài tỉnh, tổ chức các lễ hội văn hóa đặc trưng của địa phương, Gia Lai xác định tận dụng các sự kiện thể thao như một đòn bẩy để phát triển du lịch. Thông qua nhiều giải đấu cấp quốc gia ở môn bóng đá, bóng chuyền, võ thuật… được tỉnh đăng cai tổ chức, hình ảnh văn hóa, con người, vùng đất Gia Lai đã có cơ hội đi xa hơn, định vị rõ hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tiếp tục hướng đi này, Gia Lai chủ động đăng cai Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62, diễn ra vào ngày 27 và 28-3. Đây là sự kiện thể thao tầm vóc được tổ chức mỗi năm 1 lần, quy tụ những vận động viên điền kinh hàng đầu trong cả nước tham gia tranh tài và nhận được sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông.

Tỉnh xác định giải đấu này là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh con người, thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Do đó, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện để giải diễn ra thành công nhất về mặt chuyên môn, đảm bảo an toàn, tỉnh còn tổ chức đêm hội cồng chiêng Tây Nguyên, bố trí các gian hàng ẩm thực và bán đồ lưu niệm như một cách giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa, sản vật đặc trưng của địa phương với đông đảo người tham dự giải cũng như du khách gần xa.

Theo thông tin cách đây vài ngày từ Ban tổ chức, dự kiến sẽ có gần 9 ngàn người tham dự sự kiện này, trong đó có hơn 4 ngàn vận động viên. Trong bối cảnh ngành du lịch địa phương vừa trải qua thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đây rõ ràng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú vực dậy. Nhìn về xa hơn, giải đấu và những sự kiện tương tự sẽ mở ra một hướng đi triển vọng để thúc đẩy ngành du lịch Gia Lai ngày càng phát triển.

LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.