Đôi điều về công việc viết sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng nay, tôi nhận được dòng tin nhắn của anh bạn già thân thiết: “Làm đi làm lại, mà vừa phát hiện thêm tài liệu, có cái này mới hội đủ điều kiện về chuyện cấp đất lập đồn điền tại Trung Kỳ và Bắc Tây Nguyên thời thuộc Pháp nè, dài dòng lắm…”.

Quả đúng như vậy, làm rồi mới thấy, viết lịch sử nói riêng, nghiên cứu khoa học nói chung là thế. Được bổ sung, chỉnh sửa… để hoàn thiện là việc làm hết sức bình thường.

Là một người viết, tôi luôn dặn mình phải nghiêm túc. Nhiều bạn trẻ làm việc với tôi những ngày đầu nhiều khi phải... khóc vì “cô khó”. Có bạn chọn tôi hướng dẫn luận văn thạc sĩ. Khi bảo vệ xong, bạn nói với tôi đùa mà thật: “Qua được “cửa ải” của cô là em mừng rồi”.

Các bạn làm việc ở nhà in, mỗi khi thấy sách của tôi cũng... ngán, vì nếu máy in chưa chạy, thế nào cũng phải sửa trang này, trang kia một chút. Thế nhưng chưa có lần nào sách mới của tôi “ra lò” mà không cảm thấy nuối tiếc vì vẫn còn đôi chỗ chưa thật hài lòng.

Bìa sách Lịch sử Báo Gia Lai (1947-2022). Ảnh: P.V

Bìa sách Lịch sử Báo Gia Lai (1947-2022). Ảnh: P.V

Những người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, không ai khẳng định, tôi làm ra cái này chắc chắn chỉ có đúng, không một chi tiết sai. Bởi nói như thế là không biện chứng.

Trong một cuốn sách, một bài nghiên cứu khoa học ngồn ngộn sự kiện thì việc có một vấn đề nào đấy chưa chuẩn, không phải là điều quá to tát (đương nhiên đó là việc không nên có và không ai muốn có). Nhưng vì ở thời điểm đó, với điều kiện về tư liệu, điều kiện điền dã… chỉ cho phép thực hiện được như thế.

Khi phát hiện tư liệu mới, có nguồn đáng tin cậy hơn thì việc cập nhật, chỉnh sửa là cần thiết. Và các nhà sử học không ngại chỉnh sửa, tiếp thu, vì mục đích cuối cùng của một công trình sử học là tiệm cận sự thật lịch sử. Mặt khác, theo thời gian, có thể có những vấn đề thay đổi là từ chính nhận thức của người viết nên họ tự thấy cần phải điều chỉnh.

Trong nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, nghiên cứu lịch sử nói riêng, có một phương pháp được coi là “xương sống” của công trình. Đó là phương pháp lịch sử. Một trong những nhiệm vụ của phương pháp này là thông qua các nguồn tư liệu để nghiên cứu và phục dựng đầy đủ các điều kiện hình thành, quá trình ra đời, phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp của các sự kiện, hiện tượng…

Vì vậy, trong phần dẫn luận của một công trình nghiên cứu bao giờ cũng có mục: lịch sử nghiên cứu vấn đề, từ đó, giúp người đi sau biết người đi trước đã làm gì, những gì có thể kế thừa, những gì phải điều chỉnh, lý do điều chỉnh… để hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình.

Những quyển sách lịch sử, bài viết được thực hiện những năm đầu giải phóng có lợi thế là còn nhiều nhân chứng sống. Trong điều kiện khan hiếm tư liệu thành văn để đối chiếu thì nguồn tư liệu có được từ trí nhớ của các nhân chứng sống là “bột”, là chất liệu quan trọng nhất giúp các nhà viết sử dựng lại sự kiện, vấn đề.

Ngoài những mặt rất được thì có một nhược điểm từ nguồn tư liệu này, nhất là khi nói về thành công của cách mạng là không ít sự kiện đã được tô hồng. Những công trình sau đó thường khai thác thành quả của người đi trước để chắt lọc những tư liệu cần thiết cho đề tài nghiên cứu mới.

Với những sự kiện đã chính xác rồi thì tốt. Nhưng cũng có những chi tiết chưa chính xác lại tiếp tục được kế thừa nên nó tiếp tục truyền tải cái chưa đúng, cho đến khi có nguồn tư liệu mới đáng tin cậy.

Xin nêu ra đây một số ví dụ: Khi viết phần mở đầu cho cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai”, bản in năm 2009, là người chấp bút phần này, tôi kế thừa “Địa chí Gia Lai”, ấn hành năm 1999 để viết sự kiện: Ngày 30-10-1893, Hiệp ước Pháp-Xiêm được ký kết. Nhưng khi làm quyển “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975”, in năm 2019, vì tiếp cận được với tư liệu gốc của hiệp ước này nên tôi đã viết lại trong cuốn sách mới: Hiệp ước Pháp-Xiêm được ký kết ngày 3-10-1893.

Một sự kiện khác là trận ném bom đầu tiên của thực dân Pháp vào Tây Nguyên (tháng 4-1924). Về sự kiện này, trong một số công trình liên quan như: “Tây Nguyên sử lược” của Phan Văn Bé, ấn hành năm 1993, “Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945)” của Dương Trung Quốc, ấn hành năm 2005, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005)”, ấn hành năm 2009, cuộc ném bom đầu tiên của thực dân Pháp vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên được nhắc đến là tháng 3-1929.

Như vậy, trận ném bom đầu tiên của thực dân Pháp vào vùng người Bahnar ở An Khê (tháng 4-1924) bị những công trình trên lãng quên. Một vài công trình, tuy có nhắc qua sự kiện này, nhưng lại có sai sót về địa điểm, tộc danh. Thiếu sót này, nhiều khả năng là vì thời điểm đó không có tư liệu.

Ngày nay, khi có nhiều thư viện mở, nhiều tài liệu lưu trữ đã được “giải mật”, người viết sử nói riêng, nghiên cứu khoa học nói chung có may mắn hơn thế hệ trước là được tiếp cận với những nguồn này. Đây là cơ hội để làm phong phú hơn, chuẩn xác hơn những công trình đi sau (nếu người sau làm nghiêm túc), nhưng không vì thế mà phủ nhận vai trò “đặt gạch” của những công trình khai mở thuở ban đầu.

Có thể bạn quan tâm