Người viết sử Sư đoàn 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm tham gia chiến đấu, ông Lê Minh Tân (tổ 15, phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) có nhiều kỷ niệm không quên về một thời gắn bó với Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5). Từ những trải nghiệm thực tế của một người lính, ông đã dành nhiều công sức và tâm huyết để tái hiện những trang sử vẻ vang của Sư đoàn.
 

Ký ức thời hoa lửa

Ông Lê Minh Tân sinh năm 1950 ở xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chưa đầy 18 tuổi, cậu học trò hiếu học xứ Thanh phải gác mộng đèn sách để lên đường ra mặt trận. Sau 3 tháng huấn luyện và ngần ấy thời gian hành quân vào Nam, đến tháng 7-1968, chiến sĩ thông tin vô tuyến điện Lê Minh Tân được biên chế về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn Bộ binh 2.

Ông Tân cho hay: Ban đầu, ông thuộc biên chế Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 338 (Quân khu 4). Sau thời gian huấn luyện, đơn vị của ông được lệnh vào miền Nam với phiên hiệu mới là Đoàn 2033. Tuy nhiên, do Quân khu 5 đang thiếu quân nên Tư lệnh Quân khu khi đó là Thiếu tướng Chu Huy Mân đề nghị Bộ Quốc phòng cho toàn bộ quân số Đoàn 2033 nhập vào Trung đoàn 1 (Sư đoàn Bộ binh 2). “Cuộc đời tôi gắn bó với Sư đoàn 2, với Tây Nguyên từ đó”-ông Tân nói.

 Ông Lê Minh Tân (bìa trái) cùng đồng đội đọc những trang sử hào hùng. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Lê Minh Tân (bìa trái) cùng đồng đội đọc những trang sử hào hùng. Ảnh: Ngọc Minh


Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng trong tâm trí cựu chiến binh Lê Minh Tân, ký ức về những ngày tham gia chiến đấu vẫn còn sống động và tươi mới. Ông kể: “Sau khi củng cố lực lượng, Sư đoàn mở chiến dịch X2 ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Mặc dù hạn chế về vũ khí, trang bị nhưng nhờ dũng cảm, mưu trí, quân ta đã tiêu diệt Chi đoàn 14 ngụy và đánh thiệt hại nặng Thiết đoàn 11 Mỹ với tổng cộng 60 chiếc xe tăng. Kết thúc chiến dịch với chiến thắng giòn giã, vào ngày 7-8-1968, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng”.

Vinh dự, tự hào được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông Tân luôn nhắc nhở bản thân không ngừng học tập, rèn luyện, nêu cao quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đầu năm 1970, Sư đoàn Bộ binh 2 mở chiến dịch ở Hiệp Đức, Quế Sơn (Quảng Nam). Đơn vị của ông được phân công vây đánh Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 2 ngụy. Lúc này, ông Tân là Tiểu đội phó Tiểu đội Vô tuyến (Tiểu đoàn 3).

Xuất kích cùng chỉ huy Tiểu đoàn và chiến sĩ trinh sát tiến về quả đồi nơi quân địch chiếm giữ, khi vừa đến khoảng trống lưng chừng đồi thì quân ta bị đại liên của địch bắn xối xả làm 4 cán bộ, chiến sĩ đi trước hy sinh, ông Tân bị thương ở tay. Chỉ huy hy sinh, đơn vị như “rắn không đầu” nhưng nhớ lời dạy của Bác: “Bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”, ông Tân nén cơn đau kịp thời liên lạc báo cáo tình hình với lãnh đạo cấp trên, đồng thời truyền lệnh cấp trên xuống để lực lượng của ta tác chiến linh hoạt, tiêu diệt địch.

Trong Chiến dịch Xuân Hè năm 1972, Sư đoàn Bộ binh 2 tập trung tấn công căn cứ Tân Cảnh của Sư đoàn 22 Bộ binh ngụy và quận lỵ Đak Tô (tỉnh Kon Tum). Chiến sự diễn ra ác liệt, ông Tân bị 1 mảnh rốc két văng trúng đầu. Mặc cho máu chảy đầm đìa, ông vẫn giữ chắc máy móc đảm bảo thông tin thông suốt.

Ngoài những chiến thắng trên, từ năm 1971 đến 1975, ông Tân cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 2 tham gia nhiều chiến dịch và giành nhiều chiến công như đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ-ngụy, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; tiêu diệt Trung đoàn 1, làm thiệt hại nặng Trung đoàn 2 ngụy, diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy Lào, 1 đại đội lính đánh thuê Thái Lan giúp Lào giải phóng cao nguyên Bolaven, thị trấn Păk Xoòng; giải phóng Cảng Sa Huỳnh… góp phần vào chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975. Từ năm 1978 đến 1988, ông Tân tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và trải qua nhiều vị trí công tác tại Sư đoàn Bộ binh 2 cho đến khi nghỉ hưu năm 1990.

Dành tâm huyết viết sử Sư đoàn

Vốn là người thích ghi chép, rồi trải qua nhiều vị trí công tác, ông Tân được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu của đơn vị, của cấp trên cũng như những người đi trước. Ông cũng được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng viết sử, viết văn, viết báo. Vì vậy, Sư đoàn đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho ông và 2 người nữa chịu trách nhiệm biên soạn, viết lịch sử cho đơn vị.

Ban đầu, ông Tân nghĩ viết sử đơn giản, chỉ cần ghi chép, kết nối các sự kiện lại với nhau là được. “Nhưng khi bắt tay vào việc, tôi mới thấy phức tạp, đòi hỏi người viết sử phải vừa biết bao quát, hài hòa, vừa theo quy tắc đã định trước”-ông Tân chia sẻ.

Những cuốn lịch sử của các đơn vị quân đội do ông Lê Minh Tân viết. Ảnh: Ngọc Minh
Những cuốn lịch sử của các đơn vị quân đội do ông Lê Minh Tân tham gia viết. Ảnh: Ngọc Minh

Thượng tá Đoàn Đức Khánh-Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Bộ binh 2: Những cống hiến của cựu chiến binh Lê Minh Tân đối với Sư đoàn là rất lớn. Trong giai đoạn cầm súng chiến đấu, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tâm huyết, trách nhiệm, ông Tân đã tỉ mẩn, kỳ công thu thập thông tin, tham khảo các bài viết, sách báo rồi tổng hợp viết thành cuốn lịch sử Sư đoàn. Cuốn sử là tư liệu quý giá có nhiều tác dụng cho thế hệ cán bộ Sư đoàn làm tài liệu để tuyên truyền, giáo dục cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ về sau này.

Mặc dù được Sư đoàn tạo điều kiện nhưng từ năm 1977 đến 1979, Ban viết sử mới hoàn thành bản thảo lần 1. Là người chịu trách nhiệm chính, ông không những phải nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử, sưu tầm sách báo, tạp chí mà còn đi thực địa để lấy thông tin.

“Như hồi Trung đoàn tham gia chiến đấu ở Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi), khi tới nơi, tất cả cán bộ, chiến sĩ được cán bộ địa phương phát cho 1 mảnh giấy ghi khẩu hiệu “Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giải phóng Mộ Đức” để gắn trên mũ. Khi đưa chi tiết trên vào sử sách buộc tôi phải tìm cho kỳ được cơ quan nào đưa ra chủ trương này. Sau 1 tháng lặn lội tìm kiếm, tôi mới biết đây là một trong những tiêu đề Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Rồi viết đến đoạn trận đánh ở thị xã Kon Tum, tôi bí thông tin không biết viết sao nên đành gác lại. Sau 1 tuần tìm tòi tài liệu, tôi bắt gặp bài “Bày mưu cho một trận đánh” của Thượng tướng-Giáo sư Hoàng Minh Thảo-nguyên Tư lệnh Mặt trận B3, trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Xuân Hè năm 1972, in trên tạp chí Quốc phòng. Bài viết có đề cập đến trận đánh ở thị xã Kon Tum đã giúp tôi có đầy đủ thông tin để viết tiếp”-cựu chiến binh Lê Minh Tân chia sẻ khó khăn khi viết sử.

Bản thảo vừa xong cũng là thời điểm xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, việc viết sử phải tạm hoãn, Sư đoàn Bộ binh 2 được lệnh điều quân sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Đầu năm 1989, khi tình hình yên ổn, Sư đoàn lại giao ông Tân hoàn thành việc viết sử. Lúc này, Ban viết sử chỉ còn một mình ông Tân do 1 người chuyển công tác, 1 người mất do đau bệnh.

Không ngại khó, ngại khổ, ông ngày đêm rà soát hàng trăm trang bản thảo, chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung cho đến khi hoàn chỉnh. Sau đó, Sư đoàn và Quân khu 5 đứng ra chủ trì hội thảo. Đến cuối năm 1989, cuốn Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5) tập 1, giai đoạn 1965-1975 chính thức được phát hành.

Ngoài ra, ông Tân còn viết lịch sử cho Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), Lữ đoàn Pháo binh 368, Trung đoàn 38 (Sư đoàn Bộ binh 2), Trường Thiếu sinh quân Quân khu 5…

 

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).