Đội chiêng "nhí" làng Klũh Klăh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mong muốn tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cách đây 4 năm, đội cồng chiêng “nhí” làng Klũh Klăh (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) chính thức thành lập. Nhờ kiên trì luyện tập, đội cồng chiêng của làng ngày càng được nhiều người biết đến.
Vừa kết thúc tiết mục biểu diễn cồng chiêng phục vụ khai mạc Liên hoan “Tiếng hát cựu chiến binh huyện Chư Prông lần thứ 3-năm 2019”, anh Siu Yít-Phó Trưởng thôn Klũh Klăh, đồng thời cũng là người phụ trách đội cồng chiêng “nhí” của làng nhanh tay thu dọn từng chiếc chiêng và cất cẩn thận. Anh Yít bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên đội tham gia biểu diễn ở hội thi cấp huyện, vì vậy các thành viên đều rất vui và nỗ lực để mang đến tiết mục hay nhất”.
 Đội cồng chiêng “nhí” làng Klũh Klăh biểu diễn tại một lễ hội. Ảnh: A.H
Đội cồng chiêng “nhí” làng Klũh Klăh biểu diễn tại một lễ hội. Ảnh: A.H

Chia sẻ về lý do mời đội cồng chiêng “nhí” làng Klũh Klăh biểu diễn phục vụ khai mạc Liên hoan “Tiếng hát cựu chiến binh huyện Chư Prông lần thứ 3-năm 2019”, ông Mai Khắc Tuấn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện-cho hay: “Chúng tôi cũng đã biết đến các đội cồng chiêng “nhí” của xã và cũng muốn qua liên hoan tạo điều kiện để động viên, khuyến khích các cháu nhỏ tiếp tục góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Qua lần liên hoan này, các cháu đã phần nào khẳng định được năng khiếu cũng như niềm đam mê cồng chiêng của cả đội. Thời gian tới, nếu có những hoạt động văn hóa-văn nghệ, chúng tôi sẽ tiếp tục mời các cháu tham gia biểu diễn”.

Nói về đội cồng chiêng “nhí” của làng, anh Yít cho biết, từ lâu cồng chiêng đã ăn sâu vào máu thịt của mình. Với mong muốn tiếng cồng, tiếng chiêng được lưu giữ qua nhiều thế hệ nên cách đây 4 năm, anh đã đứng ra vận động các cháu nhỏ trong làng tham gia vào đội chiêng. “Mỗi khi có lễ hội hay đám ma, trong làng luôn có một đội cồng chiêng của người lớn tham gia biểu diễn. Nhưng cồng chiêng là bản sắc văn hóa của dân tộc, phải luôn có người kế cận. Hơn nữa, nhiều người trong đội chiêng người lớn vì mưu sinh, phải đi làm ăn xa, mỗi khi làng có việc không về kịp thì sẽ có đội chiêng nhỏ tuổi thay thế”-anh Yít chia sẻ. Tuy nhiên, việc vận động các cháu nhỏ tham gia vào đội, duy trì tập luyện đều đặn không phải chuyện dễ dàng vì hầu hết các cháu còn ham chơi, chưa nhận thức được thế nào là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, thay vì chỉ vận động, giải thích, anh dành thời gian đến từng nhà, gặp gỡ gia đình để nhờ sự tác động thêm từ chính người thân của các cháu. Từ sự kiên trì, tận tâm của Phó Trưởng thôn Klũh Klăh, chỉ trong thời gian ngắn, đội cồng chiêng “nhí” của làng đã được thành lập. Bản thân anh Yít, với khả năng chơi tốt nhiều nhạc khí cụ khác nhau như: cồng chiêng, đàn organ, trưng... anh đã trực tiếp đứng ra đảm nhận vai trò người “truyền lửa” đam mê cho các em.
Đều đặn vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, 15 thành viên trong đội sẽ tập trung về Nhà văn hóa của làng cùng nhau luyện tập. Mỗi buổi tập diễn ra khoảng 2 giờ đồng hồ. Khi nào trong làng, trong xã có lễ hội hoặc có cơ quan, đơn vị nào mời biểu diễn, các thành viên sẽ sắp xếp để tăng thời gian tập luyện. Em Kpuih Nghĩa-11 tuổi, thành viên của đội-vui vẻ nói: “Cồng chiêng không dễ đánh, rồi đánh làm sao cho đều nhịp với mọi người lại càng khó nên thời gian đầu em định bỏ cuộc, không tham gia nữa. Cũng may có chú Yít kiên trì chỉ dạy, các bạn động viên nên em tiếp tục tập luyện. Bây giờ quen rồi, tuần nào không đi tập là thấy nhớ lắm!”. Còn với cậu bé Rơ Lan Quân, sau 4 năm gắn bó với đội cồng chiêng “nhí”, em đã có thể chơi được nhiều bài chiêng khác nhau trong các dịp như: mừng lúa mới, bỏ mả, lễ ăn trâu... “Em sẽ cố gắng tập luyện để có thể chơi nhiều bài chiêng thật hay và tham gia biểu diễn ở những lễ hội lớn”-Quân bày tỏ. Là “em út” của đội, cậu bé Rơ Mah Chun (8 tuổi) cũng đã nhanh chóng làm quen với các nhịp chiêng; sau 1 năm tham gia, em đã có thể chơi thành thục một số bài chiêng đơn giản. Chun bẽn lẽn: “Ngoài thời gian luyện tập cùng các thành viên trong đội, tranh thủ những tháng nghỉ hè, tối nào em cũng đến nhà chú Yít để nhờ chú chỉ dạy thêm về nhịp chiêng, cách bước chân...”.
Sau những lúng túng ban đầu, giờ đây các thành viên trong đội cồng chiêng “nhí” làng Klũh Klăh đã có thể tự tin biểu diễn trước đám đông nhiều bài cồng chiêng khác nhau, trong nhiều lễ hội khác nhau. Bà Phạm Bích Ngọc-cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội xã Ia Boòng-thông tin: Hầu hết các làng trên địa bàn xã đều có đội cồng chiêng “nhí”, nhưng duy trì sinh hoạt thường xuyên thì chỉ có 3 đội của các làng Klũh Klăh, Iắt, Kriêng... Hàng năm, xã đều tổ chức từ 1 đến 2 đợt giao lưu văn hóa-văn nghệ để các làng có cơ hội học hỏi lẫn nhau.
 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.