Tính đến thời điểm này, đã có hơn 1.500 câu hỏi của nông dân gửi đến Thủ tướng và đại diện các bộ, ngành chờ đợi được giải đáp tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 - năm 2020 dự kiến tổ chức tại Đắk Lắk vào tháng 8 tới.
Điều nông dân muốn gửi gắm
Sau khi biết thông tin Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ được tổ chức ở Đắk Lắk, ông Nguyễn Tấn Công, HTX Dịch vụ nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, xã Nam Yang (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) rất vui mừng.
Là người quyết tâm theo đuổi lĩnh vực trồng tiêu sạch, ông Công muốn được tham dự hội nghị này và trực tiếp gửi câu hỏi đến Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng nông sản của nông dân TP.Cần Thơ trong khuôn khổ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 2. Ảnh: Nguyễn Chương |
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 8, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Hội nghị do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lăk chủ trì; Báo Nông Thôn Ngày Nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện. |
"Theo đuổi mô hình trồng tiêu sạch bao nhiêu năm, tôi rất trăn trở với nỗi vất vả của nông dân trồng tiêu hiện nay khi giá rớt sâu. Không chỉ tiêu, giá cà phê, cao su… cũng giảm mạnh. Nếu được tham dự tôi mong muốn Thủ tướng, ngành chức năng có giải pháp để khôi phục giá nông sản, giúp nông dân Tây Nguyên có cuộc sống ổn định" - ông Công nói.
Trong khi đó, ông Trần Huy Đường, nông dân trồng hoa, rau công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng) lại quan tâm đến chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên, bởi vùng này có rất nhiều tiềm năng.
Anh A Thi ở xã Pô Kô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum cho biết, những năm qua, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của đồng bào ngày càng ấm no.
Ông Nguyễn Tấn Công, xã Nam Yang, Đắk Đoa, Gia Lai bên vườn tiêu sạch của gia đình. Ảnh: K.N |
Tuy nhiên, anh A Thi cũng rất trăn trở vấn đề phá rừng ở Tây Nguyên còn diễn biến phức tạp, tranh chấp đất rừng giữa các công ty nông lâm nghiệp và người dân chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Lê Minh Quyền ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa), một nông dân chuyên nuôi trồng thủy sản thì quan tâm đến vấn đề bảo vệ ngư trường, quyền lợi của ngư dân khi đánh bắt xa bờ, vấn đề phát triển nuôi biển để giảm áp lực lên khai thác hải sản tự nhiên.
1.500 câu hỏi gửi Thủ tướng
Tính đến thời điểm này, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 1.500 câu hỏi khác nhau đến từ: Trực tiếp bà con nông dân, Hội Nông dân các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các phóng viên báo chí…
Với chủ đề: "Miền Trung - Tây Nguyên - Vượt thách thức, tăng trưởng giá trị nông sản, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" - Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 8, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk).
Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lăk chủ trì; Báo Nông Thôn Ngày Nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện.
Tham dự hội nghị dự kiến sẽ có khoảng 600 đại biểu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Thường trực Chính phủ; đại diện các Ban của Đảng, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Bộ trưởng, Trưởng ngành; Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các ban, đơn vị của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; các Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành của cả nước.
Tham dự hội nghị còn có đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.
Đại diện Ban tổ chức - ông Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay/điện tử Dân Việt, Phó Trưởng ban Tổ chức hội nghị cho biết: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 3 sẽ là nơi để đại diện nông dân trên cả nước tiếp tục phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những thành tựu đạt được và những khó khăn trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình tái thiết nông nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục những bất cập trước diễn biến của đại dịch Covid-19, phát huy sự sáng tạo của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp.
https://danviet.vn/dieu-nong-dan-muon-gui-gam-den-thu-tuong-20200721173923797.htm
Theo KHÁNH NGUYÊN (Dân Việt)