(GLO)- Chiều 3-1, diễn giả, tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân đến từ Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Châu Á-Thái Bình Dương (TP.Hồ Chí Minh) đã có buổi giao lưu, nói chuyện hết sức bổ ích với khoảng 1.750 học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo của Trường THPT Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Buổi giao lưu do Hội cha mẹ học sinh phối hợp cùng Trường THPT Pleiku tổ chức với chủ đề: “Các thói quen có ích, cách ứng xử với cha mẹ và thầy cô giáo” nhằm trang bị thêm kiến thức cơ bản về kỹ năng sống cho học sinh toàn trường.
Với tài nói chuyện lưu loát, khả năng hùng biện sắc sảo, chất giọng lúc trầm lúc bổng, đi kèm dẫn dụ hàng loạt câu chuyện cảm động về tình cha mẹ và con cái, tình thầy trò, bạn bè… tất cả hòa quyện như một bản nhạc giao hưởng, nghe mãi không bao giờ chán.
Quang cảnh buổi ngoại khóa. Ảnh: Minh Vỹ |
Để giúp buổi nói chuyện trở nên hấp dẫn hơn, tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân thi thoảng dừng micro, tiến xuống sân trường tương tác trực tiếp với học sinh. Trong suốt 120 phút diễn thuyết, những câu chuyện cảm động của tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân kể ra đã chạm tận đáy lòng, trái tim của của học sinh khiến cả sân trường khoảng 1.750 người dự khán không phát ra bất cứ tiếng ồn nào. Thay vào đó là tiếng khóc thút thít, nước mắt ràn rụa xuất hiện trên khuôn mặt nam thanh, nữ tú Trường THPT Pleiku.
Em Lê Thị Như Hậu-học sinh lớp 12B4 (trường THPT Pleiku) chia sẻ trong nước mắt: “Sau khi nghe xong những lời tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân dạy, em cảm thấy thương bố mẹ và thầy cô vô cùng. Từ nay trở đi, em không chỉ sống và làm việc cho riêng mình, mà còn cho cả gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội”.
Ông Nguyễn Công Đức-Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh Trường THPT Pleiku cho biết thêm: “Học sinh ngày nay học suốt ngày. Còn những người làm cha mẹ như chúng tôi thì làm việc thâu đêm, do đó thiếu hẳn thời gian để trang bị kiến thức về kỹ năng sống cho các cháu. Thông qua các phương tiện truyền thông, được biết thầy giáo, diễn giả, tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân là người đã từng đi khắp mọi miền đất nước để nói chuyện trước học sinh và rất thành công về lĩnh vực này. Do đó, Hội cha mẹ học sinh chúng tôi chủ động xin phép Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa này. Tôi tin chắc rằng, từ nay trở đi, việc dạy con cái ở từng gia đình, dạy học trò trên lớp, sẽ trở lên thuận lợi, hiệu quả hơn trước”.
Học sinh khóc khi nghe tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân nói chuyện. Ảnh: Minh Vỹ |
Có mặt tại buổi ngoại khóa, tôi thật sự cảm động khi tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân đặt hàng loạt câu hỏi tương tác với học sinh, sau đó nhận được những cái giơ tay (thay phần trả lời) rất thật thà, khiến những bậc làm cha mẹ cảm động và suy tư. Chẳng hạn, khi diễn giả Nguyễn Thành Nhân hỏi: “Trong số các bạn ngồi đây, ai là người thương bố nhất”? Khoảng 50% học sinh giơ tay trả lời là… “có”. “Ai là người thương mẹ nhất”? Phần còn lại cho kết quả tương tự. Nhưng trước câu hỏi: “Vậy thì trong số các bạn ngồi đây, ai đã từng làm phiền lòng bố mẹ”? Tất cả học sinh đều giơ tay, đây có thể xem là hành động nhận lỗi, thay lời muốn nói của các em gửi tới các bậc sinh thành của mình.
Và khi diễn giả hỏi tiếp: “Các bạn có muốn tổ chức một buổi nói chuyện tương tự dành cho cha mẹ của mình hay không”? 100% học sinh giơ tay trả lời… “có”. Điều đó cho thấy, học sinh cũng muốn những bậc làm cha mẹ có cái nhìn chia sẻ, thông cảm cùng các em. Khi giữa gia đình, nhà trường và học sinh càng hiểu nhau, thì việc dạy cách làm người, dạy chữ cho các em trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân, tâm sự: “12 năm trước tôi đã đặt chân tới TP.Pleiku, nhưng để nói chuyện ở môi trường khác, đây mới là lần đầu tiên đứng nói chuyện trước các em học sinh tại tỉnh Gia Lai. Thông qua buổi ngoại khóa này, tôi muốn nói với các em rằng: 80% thành công của đời người, không liên quan đến vấn đề chuyên môn, mà liên quan tới kỹ năng sống. Tôi cũng muốn tiếp lửa tự tin cho các em rằng, đứng trước mọi khó khăn, “xin đừng bỏ cuộc” mà hãy “ráng thêm chút nữa”, rồi thành công sẽ đến với mình”.
Minh Vỹ