Điểm đến giữa non ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) trở thành điểm đến yêu thích với những du khách ưa khám phá, tìm kiếm vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn. Ngoài đỉnh Quế, trên cung đường về miền tây xứ Quảng nay còn có thêm điểm dừng chân như Lộc Trời, Hoa Phong Lan với nhiều trải nghiệm thú vị...

Danh thắng ruộng bậc thang miền tây xứ Quảng. Ảnh: T.NHAN
Danh thắng ruộng bậc thang miền tây xứ Quảng. Ảnh: T.NHAN



Từ xã Lăng trở đi xã Ch’Ơm, khí hậu và nhiệt độ của các xã vùng cao Tây Giang dần có sự khác biệt lớn so với các xã vùng giữa và vùng thấp. Nơi điểm đến Lộc Trời mọc lên ven đường, nằm giáp ranh giữa địa phận xã Lăng và Tr’Hy, đã nghe mát mẻ và nhiệt độ bắt đầu chênh lệch 2 - 3 độ so với vùng xuôi.

Lên tới Đỉnh Quế, điểm check-in có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, nơi mỗi sớm, mỗi chiều đều có sương, mây giăng phủ, nhiệt độ, khí hậu vô cùng mát mẻ và se lạnh về đêm. Lưng chừng đèo, núi Tr’Hy, A Xan, Ga Ri, Ch’Ơm, những cánh rừng tự nhiên xanh thẳm ẩn hiện giữa mây trời và gió núi, tựa chốn bồng lai tiên cảnh.

Sớm, chiều, những dải mây trắng bồng bềnh ôm lấy đồi núi như những đóa mây hoa. Những chòi lá, nhà sàn đơn sơ mang đậm nét sinh hoạt truyền thống của tộc người Cơ Tu hiện giữa mây ngàn, gió núi làm nên sắc màu của bức tranh du lịch cộng đồng Tây Giang mà không nơi nào có được.

Nơi đó, những bà mế, những thiếu nữ Cơ Tu có thể nhóm lên đốm lửa hồng, bày ra trước mắt món cơm lam, bánh sừng trâu, thịt trâu xông khói gác bếp chấm muối tiêu rừng đặc sản, hay có thể phục vụ du khách món rau dớn xào, luộc, ốc đá, măng rừng, cá niêng suối... chiên giòn hoặc kho, nướng, ngon khó cưỡng.

 Điểm đến Lộc Trời nằm giữa ranh giới xã Lăng và Tr’Hy hình thành cách đây chừng 1 năm đã kịp mở cửa đón khách, ghi dấu thêm một điểm đến giữa núi rừng Tây Giang.

Điểm đến này là công sức của chàng trai Cơ Tu tên Bling Miêng, nguyên là Bí thư Đoàn xã Tr’Hy. Lộc Trời không chỉ có những góc “sống ảo” thú vị, mà còn có những ngôi nhà sàn nhỏ thân thiện bằng chất liệu gỗ, lá cây rừng, tre nứa...

Những luống hoa mọc trên đất khó, có gác vọng nguyệt, góc ngắm và săn mây được thiết kế đẹp mắt, hoang sơ nhưng vẫn rất chuyên nghiệp, sang trọng. Lộc Trời được thiết kế kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, tạo nên không gian ấm áp, thi vị.


 

Check-in tại điểm đến Lộc Trời, địa điểm giáp ranh giữa xã Lăng và Tr’Hy.
Check-in tại điểm đến Lộc Trời, địa điểm giáp ranh giữa xã Lăng và Tr’Hy.


Tại Lộc Trời, sự đầm ấm của một gia đình đồng bào Cơ Tu hiện diện với những bữa cơm quen thuộc. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa đời sống, văn hóa ẩm thực vùng miền, được thưởng thức những bữa ăn gia đình, sống hòa vào thiên nhiên.

Từ Lộc Trời, tiếp tục hành trình với núi, sẽ đến đỉnh Quế. Một dãy nhà sàn được thiết kế thân thiện, đẹp mắt và cũng là nơi mà du khách có thể ngồi nhâm nhi tách cà phê, ấm trà, hòa vào thiên nhiên.

Đỉnh Quế vẫn là địa điểm cuốn hút lòng người, là trạm dừng chân của đông đảo khách lữ hành. Từ đỉnh Quế về Ch’Ơm, nếu ban ngày khí hậu vô cùng mát mẻ thì từ chiều và đêm xuống, nhiệt độ thường xuyên giảm mạnh, 18 - 20 độ C, riêng mùa đông cá biệt có thời điểm giảm còn 12 - 13 độ C...

Thiên nhiên luôn hiện hữu, là món quà quý giá và là giá trị cuộc sống mà đất và người Tây Giang ưu ái dành đặc ân cho du khách xa gần. Trên cung đường về với A Xan, Ch’ơm, danh thắng ruộng Chuôr (ruộng bậc thang) chạy dài, trùng điệp với sắc màu tươi mới.

Từ đây, du khách cũng có thể khám phá rừng đỗ quyên, quần thể cây đa nghìn năm tuổi, rừng pơmu... Vẻ đẹp thiên nhiên cùng văn hóa, ẩm thực là món quà mà vùng cao dành tặng cho khách phương xa có dịp đặt chân đến.

Theo TRIÊU NHAN (QNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.