Đến thời của thuốc viên trị Covid-19?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Merck và Pfizer lần lượt công bố những kết quả khả quan về thuốc viên trong điều trị Covid-19, hứa hẹn mở ra chương mới trong cuộc chiến chống đại dịch đang đe dọa toàn cầu.

Thuốc molnupiravir của Merck. Ảnh: AFP
Thuốc molnupiravir của Merck. Ảnh: AFP
Thuốc của Merck và Pfizer đều dùng theo đường uống, ngay sau khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh Covid-19, nhằm ngăn chặn nguy cơ bệnh trở nặng và cần nhập viện điều trị. Đây là dạng điều trị luôn được theo đuổi sau khi thế giới bắt đầu đối mặt cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hồi năm ngoái.
Hiệu quả do hãng công bố
Sau nhiều tháng nghiên cứu, Merck và Pfizer lần lượt công bố kết quả, với Merck là thuốc viên molnupiravir và Pfizer là thuốc paxlovid. Hai loại này có tác dụng làm suy yếu năng lực sinh sản của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), từ đó làm chậm đà diễn tiến của căn bệnh.
Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy người uống molnupiravir giảm được 50% nguy cơ nhập viện và tử vong, trong khi hiệu quả của thuốc paxlovid là 89%.
Một loại thuốc trị trầm cảm đã có mặt trên thị trường là fluvoxamine cũng chứng tỏ khả năng ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng ở Covid-19, theo báo cáo đăng trên chuyên san Lancet Global Health vào tháng 10.
Tại sao cần có thuốc viên?
Trước khi xuất hiện thuốc viên, thế giới buộc phải dựa vào các liệu pháp điều trị dưới dạng kháng thể tổng hợp, thông qua đường tiêm tĩnh mạch và cần bệnh nhân phải nhập viện thời gian dài.
Trong khi đó, thuốc viên có thể được kê đơn cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Thuốc của hai hãng Merck và Pfizer, đến nay vẫn chưa cho thấy nhiều phản ứng phụ, yêu cầu dùng khoảng 10 liều trong 5 ngày.
“Sự thành công của thuốc viên đường uống hứa hẹn đánh dấu kỷ nguyên mới, thời điểm mà chúng ta có thể ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19”, theo AFP hôm 6.11 dẫn lời nhà virus học người Anh Stephen Griffin.
Mặt hạn chế là gì?
Đến nay, vẫn chưa đánh giá được cụ thể hiệu quả của hai liệu pháp trên, vì kết quả đều dựa trên các tuyên bố của hãng và nhà sản xuất vẫn chưa công bố dữ liệu nghiên cứu lâm sàng.
Tháng 9, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Karine Lacombe của Pháp cảnh báo rằng nên thận trọng trước những tuyên bố của các hãng dược cho đến khi có cơ hội xem xét kỹ lưỡng các cuộc nghiên cứu liên quan.
Tuy nhiên, một số thông tin cho thấy Merck và Pfizer đều ngừng các cuộc thử nghiệm lâm sàng sớm hơn dự kiến, vì thu được kết quả khá chắc chắn và nhận được sự đồng ý của các ủy ban theo dõi độc lập.
Chi phí điều trị
Anh đã phê chuẩn thuốc molnupiravir của Merck cho các trường hợp đối mặt nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19, như người cao tuổi, người béo phì, mắc chứng tiểu đường. Giới chức y tế Mỹ và EU cũng đang tăng tốc quá trình thẩm định liệu pháp này.
Một số nước đã đặt hàng molnupiravir, như Mỹ ký kết 1,7 triệu liều với giá khoảng 700 USD cho liệu trình 5 ngày. Tuy nhiên, giá thuốc có thể giảm xuống 20 USD/liệu trình sau khi Merck ký thỏa thuận chia sẻ công thức thuốc, cho phép các nước nghèo của thế giới có thể tiếp cận thuốc trị Covid-19 giá rẻ.
Còn về Pfizer, hãng hứa hẹn sẽ cung cấp paxlovid với mức giá phải chăng và dựa theo mức độ thu nhập của từng quốc gia để định giá phù hợp.
Theo Thụy Miên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.