Đến Quảng Châu viếng mộ Phạm Hồng Thái

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi đến Quảng Châu vào một đêm cuối thu. Chiếc Boing 747 của Hãng Hàng không South China nghiêng cánh trong bầu trời đêm, bên dưới là triệu triệu ánh đèn đủ màu sắc cùng hàng vạn con đường ánh sáng như đưa tôi rơi lạc vào một mê cung huyền ảo. Rời nhà ga sân bay Tân Bạch Vân, thay vì đi tàu điện ngầm để ngắm cảnh, chúng tôi đi bằng ô tô trên đường cao tốc 4-5 tầng về trung tâm thành phố cách đó 30 km.
 Tác giả trước mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ảnh: Tuy Phước
Tác giả trước mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ảnh: Tuy Phước
Thành phố Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, có diện tích trên 7.000 km2 với số dân hơn 12 triệu người, là thành phố lớn thứ ba của Trung Quốc. Dòng Châu giang vắt ngang qua thành phố cũng là dòng sông lớn thứ ba của đất nước đông dân nhất thế giới này, sông dài 2.200 km chảy qua các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu. Hai bên bờ là những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô như đang chen nhau soi mình xuống dòng nước mùa thu xanh biếc. Trời cuối thu ở vùng cận nhiệt đới thật đẹp. Không có sắc vàng, sắc đỏ của những chiếc lá phong đổi màu giữa giá rét như các tỉnh thuộc vùng ôn đới khu vực phía Bắc Trung Quốc, song màu xanh sậm của điệp trùng rừng cây trong thành phố giữa tiết trời hơi se lạnh mang lại cho ta một cảm giác ấm áp pha lẫn chút bâng khuâng nỗi nhớ quê nhà.
Mặc dù không có trong chương trình của đoàn, song chúng tôi vẫn đề nghị hướng dẫn viên đưa đến viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trước khi đi tham quan đặc khu Thâm Quyến cách Quảng Châu 200 km. Có lẽ không một người Việt nào có dịp sang đây mà không đến viếng mộ ông ở Hoàng Hoa Cương. Đây như trái tim của thành phố. Với diện tích khoảng 130.000 m2, ngoài 72 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, Hoàng Hoa Cương không chỉ là nơi an nghỉ vĩnh hằng của những liệt sĩ mà còn là một công viên xanh tràn ngập nhiều sắc hoa, tỏa hương thơm ngát. Ngoài cổng Hoàng Hoa Cương hùng vỹ và tráng lệ, tấm bia đá màu xanh sừng sững với dòng đại tự theo chiều thẳng đứng “Thất thập liệt sĩ chi mộ” và theo chiều ngang “Hạo khí trường tồn” vô cùng trang nghiêm. Con đường từ ngoài vào trong rộng rãi, 2 bên trồng 72 loài thảo mộc xanh tốt quanh năm. Mộ ông nằm sâu bên trong, phía cuối đường giữa rừng cây kim giao xanh sẫm. Trước khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn ghi bằng chữ Hán lược thuật lại hành động anh hùng của ông. Chỉ riêng mộ phần của Phạm Hồng Thái là có đặt dòng chữ “Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái” bằng Việt ngữ và “Việt Nam Phạm Hồng Thái liệt sĩ chi mộ” bằng Hán ngữ.  Kính cẩn thắp nén hương trước mộ ông, chúng tôi cúi đầu hồi tưởng. Ngày 19-6-1924, sau khi mang bom giết Toàn quyền Merlin không thành, bị giặc truy đuổi, ông gieo mình xuống dòng Châu giang tự tử, quyết không để lọt vào tay kẻ thù. Sau đó, giặc Pháp bêu thi hài ông mấy ngày bên bờ sông rồi các chiến sĩ yêu nước như: Liêu Trọng Khải, Uông Tinh Vệ… đem ông về mai táng ở chân núi Bạch Vân. Năm 1925, Tỉnh trưởng Quảng Đông bấy giờ là Hồ Hán Dân cho cải táng ông vào nghĩa trang danh dự Hoàng Hoa Cương cùng 72 liệt sĩ cách mạng Trung Quốc. Đến năm 1958, chính quyền tỉnh Quảng Đông cho xây khu mộ ông to đẹp như bây giờ. Gần một thế kỷ đã qua, khu mộ lúc nào cũng ấm cúng, nghi ngút khói hương…
Thành phố Quảng Châu có hàng chục điểm tham quan hấp dẫn. Đó là những dãy phố hiện đại với các tòa cao ốc, các khu vui chơi, mua sắm, đặc biệt là những khu phố cổ có tuổi đời hàng trăm năm mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa xưa. Tuy nhiên, điểm nhấn của thủ phủ phía Nam Trung Quốc ngoài Hoàng Hoa Cương, Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn còn là Công viên Việt Tú, đây cũng là nơi đặt biểu tượng của thành phố: tượng Ngũ Dương. Chuyện kể rằng, thuở xưa có 5 vị thần tiên mão áo màu sắc khác nhau, cưỡi trên lưng 5 con dê, mỗi con một màu, bay từ thiên đình xuống Quảng Châu. 5 vị thần tiên cho người dân các loại cây ngũ cốc, hoa quả mang theo, dạy dân biết trồng trọt, mang lại cuộc sống ấm no, thịnh vượng mãi về sau. Vì sự tích ấy, Dương Thành (thành Dê) trở thành tên gọi một thời của TP. Quảng Châu.
Dưới bóng cây quanh năm xanh mát, mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương luôn thu hút hàng vạn du khách viếng thăm mỗi khi có dịp đến thành phố Quảng Châu. Bất chợt tôi nghĩ ở TP. Pleiku hiện có ngôi trường phổ thông vinh dự mang tên ông. Nếu như có điều kiện, nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh xuất sắc được dịp sang đây viếng mộ thì ý nghĩa vô cùng.
 Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.