Để tiếng chiêng ngân mãi giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm qua, để giữ gìn bản sắc dân tộc, vợ chồng nghệ nhân A Thui (63 tuổi, thôn Kon Trang Long Loi, TT.Đăk Hà, H.Đăk Hà, Kon Tum) luôn chú tâm truyền dạy cồng chiêng, hát dân ca cho thế hệ trẻ.
Biểu diễn cồng chiêng - nét văn hóa truyền thống của đại ngàn ẢNH: ĐỨC NHẬT
Biểu diễn cồng chiêng - nét văn hóa truyền thống của đại ngàn ẢNH: ĐỨC NHẬT
Giữ hồn chiêng cổ
Chúng tôi gặp già A Thui trong ngày hội cúng giọt nước của làng Kon Trang Long Loi. Đây là một ngày hội trọng đại của cộng đồng người Rơ Ngao tại H.Đăk Hà. Mải miết chỉnh lại âm của bộ chiêng và căn dặn đám học trò trước giờ biểu diễn, già A Thui như chẳng để ý đến việc xuất hiện của người lạ.
Vì có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vợ chồng nghệ nhân A Thui đã vinh dự được nhà nước công nhận Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015.
Dặn dò đám trai làng lần cuối, già A Thui vỗ vai từng đứa rồi đẩy chúng ra giữa sân làng. Bài chiêng cúng giọt nước bắt đầu bằng những tiếng trầm hùng, hoang dại. Già Thui dõi theo từng bước chân của học trò và nở nụ cười mãn nguyện khi bài chiêng kết thúc.
Dắt chúng tôi đi vào giữa ngày hội, già A Thui cho biết ngay từ nhỏ ông đã được cha đưa đi tham gia các lễ hội văn hóa. Cũng trong những dịp ấy, cậu bé A Thui được nghe những người già đánh chiêng, hát xoang, chơi đàn t’rưng. A Thui bị mê hoặc bởi âm thanh trầm hùng, rền rĩ của cồng chiêng, lảnh lót của đàn t’rưng từ lúc nào không hay. Năm 13 tuổi, vì quá đam mê nên A Thui xin cha mẹ cho đi theo người già trong làng học đánh chiêng, tạc tượng.
Nhờ sự thông minh, lanh lợi vốn có, A Thui nhanh chóng hiểu biết về âm sắc của từng cái cồng, cái chiêng và thuộc nhiều bài chiêng cổ. Chẳng bao lâu, A Thui đã biết đánh nhiều bài cồng chiêng khác nhau.
Ông cho hay cồng chiêng là một loại nhạc cụ phổ biến nhất trong nền âm nhạc của người dân tộc bản địa. Cồng chiêng là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Để tiếng cồng chiêng được trầm hùng, dồn dập, ấm áp hoặc du dương và vang xa thì khi diễn tấu phải có sự điều chỉnh độ mạnh nhẹ lực của tay. Điều chỉnh bằng tay và gối chân để ngắt âm, thả âm tạo điểm nhấn của điệu nhạc nhằm lôi cuốn người nghe, tạo sự đồng điệu, hợp âm giữa tiếng cồng, chiêng và trống qua từng bản nhạc truyền thống.
Chỉ vào bộ nhạc cụ quý báu, ông A Thui cho hay nhiều năm trước khi thấy văn hóa dân tộc dần bị mai một, ông quyết tâm học, ghi chép lại các bài chiêng, đàn t’rưng… để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Đến nay, ông A Thui đã nhớ trong đầu hàng chục bài chiêng cổ. Ngoài ra, ông biết chơi đàn t’rưng, ting ning, tạc tượng gỗ, hát dân ca…
“Ting ning cùng t’rưng, b’rot là những cây đàn tôi thường xuyên trình diễn cùng với chiêng trong những dịp lễ hội. Còn lại, hầu hết những loại  nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc Ba Na, tôi đều biết chơi và chế tác, gồm cả đàn dây, trống và cồng chiêng, và các loại khác như kơni, b’rưng, k'long put...”, ông A Thui tâm sự.

Già A Thui chỉnh lại dàn chiêng trước giờ biểu diễn
Già A Thui chỉnh lại dàn chiêng trước giờ biểu diễn
Người cộng sự đắc lực
Không những biết chơi nhiều nhạc cụ, nghệ nhân A Thui còn rất am hiểu nhạc lý. Và theo ông, mặc dù về kỹ năng chơi đàn của ông so với nhiều nghệ nhân nổi tiếng khác chưa phải là hay nhất, nhưng chính việc ông am hiểu nhạc lý đã giúp ông dạy nhạc một cách hiệu quả.
“Nhiều nhạc công chơi nhạc rất hay, nhưng vì không hiểu sâu về lý thuyết nên việc truyền dạy cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Tùy vào khả năng của mỗi em, mình phải dùng lý thuyết để giảng giải một cách khoa học. Khi các em đã có chút “vốn” thì mới có thể cảm nhạc để mà học nhanh hơn”, nghệ nhân A Thui chia sẻ.
Là một cộng sự đắc lực giúp chồng truyền dạy văn hóa dân tộc, bà Y Nhuih (53 tuổi) cho biết bà cũng là một nghệ nhân ưu tú của H.Đăk Hà. Sinh ra và lớn lên ở thôn Kon Trang Long Loi, từ nhỏ bà thường xuyên được theo bố mẹ đi tham gia các lễ hội văn hóa của dân tộc. Những điệu xoang, tiếng cồng chiêng như đã in sâu vào trong tiềm thức của bà. Yêu thích văn hóa của dân tộc nên năm 14 tuổi bà bắt đầu học múa xoang, hát dân ca, đinh bút, hát ru từ người già trong làng.
“Bây giờ thanh niên chỉ thích nhạc trẻ, nhạc vàng thôi. Những người thực sự muốn nghe nhạc cổ, nhạc dân ca chẳng còn mấy người. Mình muốn con cháu biết, lưu giữ để  văn hóa truyền thống dân tộc không bị mai một”, bà Y Nhuih nói.
Để những điệu xoang, lời hát được vang vọng từ đời này sang đời khác, nghệ nhân Y Nhuih đã cố gắng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy trong làng có nhiều em học sinh, thiếu nữ biết múa xoang, hát dân ca… để thể hiện trong những dịp lễ hội.
Nghệ nhân Y Nhuih cho biết thêm: “Ngoài hát, múa xoang mình còn rất thích tiếng cồng chiêng của dân tộc. Do đó, mình nhờ A Thui dạy cho để hai vợ chồng cùng truyền dạy thế hệ trẻ. Giai điệu cồng chiêng là nét văn hóa truyền thống từ lâu đời của ông bà để lại được sử dụng trong các dịp lễ do đó không thể bị mai một được.”
Điều đáng mừng hơn, sau khi được vợ chồng bà Y Nhuih truyền dạy, thanh niên trong làng đã có thể kiếm thêm thu nhập nhờ biểu diễn múa xoang, đánh chiêng phục vụ du lịch. Cũng từ truyền thống của gia đình mà cả 6 người con của vợ chồng bà đều thành thạo các nhạc cụ dân tộc cũng như những bài dân ca.

Vợ chồng ông A Thui đã truyền dạy văn hóa dân gian cho hàng trăm thanh niên trong làng
Vợ chồng ông A Thui đã truyền dạy văn hóa dân gian cho hàng trăm thanh niên trong làng
Linh hồn của Long Loi
Để những tiếng chiêng, điệu xoang không chìm vào quên lãng, năm 2017 vợ chồng nghệ nhân A Thui và một số nghệ nhân trong làng, phối hợp cùng chính quyền các cấp thành lập CLB dân gian. Cùng với đó, vợ chồng nghệ nhân A Thui cũng mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí người trong làng. Đến nay, lớp học của vợ chồng ông đã truyền dạy cho 26 người già, 65 người trẻ về các loại nhạc cụ và 50 thiếu nữ về dân ca, nhạc cổ.
Là một học trò cưng của già A Thui, A Tram (16 tuổi) cho biết trước đây cậu rất chậm tiếp thu. Ai cũng cho rằng cậu không có năng khiếu âm nhạc. Thế nhưng vì tò mò với những nhạc cụ truyền thống nên khi già A Thui mở lớp dạy chiêng, A Tram liền đăng ký đi học. Sau nhiều lần A Tram không thuộc được bài, già A Thui đã quyết định dừng việc tập đàn của cậu khoảng 3 tháng. Khoảng thời gian này, cậu chỉ tập trung vào việc đọc và gọi tên các nốt nhạc, cảm nhận nhịp phách... Trước sự hướng dẫn của già A Thui, A Tram say sưa luyện tập. Có hôm cậu bé luyện tập đến tận khuya rồi ngủ lại luôn ở nhà người thầy đáng quý.
Kết quả ngoài mong đợi, sau 3 tháng ấy, khi được trở lại tập đàn, A Tram như “cá gặp nước”, học bài nào thuộc bài đó, nhanh chóng vượt trội so với các bạn khác. Đến nay A Tram đã thuộc nằm lòng 10 bài chiêng truyền thống để biểu diễn trong các lễ hội lớn như: đâm trâu, cúng lúa mới, cúng nước giọt…
A Tram khoe: “Nhờ già A Thui tận tình chỉ dạy mà đến nay em đã biết đánh nhiều bài chiêng biểu diễn trong các lễ hội. Ngoài ra em còn tham gia biểu diễn chiêng để phục vụ các đoàn khách tham quan, du lịch kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Già A Thui vừa là người thầy vừa là tấm gương sáng để chúng em noi theo”.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao - du lịch và truyền thông H.Đăk Hà, ví vợ chồng nghệ nhân A Thui như linh hồn, như bóng cây kơ nia của làng Kon Trang Long Loi, bởi những đóng góp của vợ chồng ông trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc tại địa phương.
“Không chỉ dạy cồng chiêng, múa xoang hay tạc tượng mà vợ chồng nghệ nhân A Thui còn có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc. Về phía địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để các nghệ nhân tiếp tục công cuộc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”, bà Thắm nói.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.