Để tâm hồn nở hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong muôn ngàn áp lực đời sống hiện đại, tôi vẫn gặp ở đâu đó những cố gắng âm thầm để níu giữ, nuôi dưỡng tâm hồn của bao con người.

Khi lướt Facebook, tôi thấy nhiều người post hình hoa, từ hoa hồng, hoa lan, hoa cúc đến xuyến chi, mười giờ... Có vẻ đẹp kiêu sa, đài các của những loài được trồng trong giò, trong chậu, được chăm bón kỹ lưỡng; có vẻ đẹp đơn sơ, hoang dại của những loài mọc an yên giữa cỏ, nở bình dị bên vệ đường. Và nếu Facebook biết tỏa hương, hẳn thế giới ấy sẽ ngạt ngào!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ký ức tuổi thơ tôi là cả một miền hoa dại. Hoa sim, hoa mua tím biếc những chiều hè. Hoa trang, hoa mò đỏ rực rỡ như những đóa lửa. Dọc con đường đến lớp cũng nở đầy râm bụt và ngũ sắc. Trong vườn nhà, mỗi lúc sang xuân, trắng tinh những nhành hoa mơ, hoa mận. Hàng cau trước cửa, đêm đêm thả đầy những nụ bé xinh như những hạt gạo xuống sân nhà.

Sáng ra, bể nước mưa bên hiên nở đầy hoa trắng. Và gốc lê ki ma đầu hè mỗi mùa đơm hoa lại rụng xuống cơ man là nụ tròn xinh xắn đáng yêu như những hạt cườm. Chị em tôi nhặt hoa lê ki ma, xâu thành chuỗi, đeo vào cổ, đeo vào tay, ngắm nghía, nâng niu, lâng lâng với niềm hạnh phúc tuổi dại. Tâm hồn tuổi thơ trong trẻo cứ ngẩn ngơ xao xuyến trước những màu hoa, những mùa hoa nở rồi tàn, hồn nhiên và lặng lẽ giữa đất trời.

Những tháng ngày thơ ấu trôi nhanh như cơn mơ. Tôi chuyển nhà, xa quê, mải mê với học hành, sách vở. Ra trường, cặm cụi với nghề, với cả gánh áo cơm... Có lúc quên hẳn rằng tâm hồn cũng rất cần được... ăn uống. Tôi ru tôi trong cuộc sống phẳng lặng, ngỡ chẳng còn nhu cầu thưởng thức cái đẹp.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi. Những điều tưởng đã qua rất lâu, ngỡ chỉ thuộc về ký ức hóa ra vẫn đi theo ta suốt cả cuộc đời. Những mùa hoa sen nở kín mặt đầm, những mùa hoa cải nở vàng bến sông, những đồi hoa sim tím miên man bao chiều thương nhớ, những đêm hoa cau rụng trắng bên hè, những mùa hoa gạo đỏ nhưng nhức một miền lửa cháy…

Tất cả những chắt chiu dịu dàng êm đẹp thời trẻ dại vẫn còn đọng mãi trong cõi sâu kín nào đó của tiềm thức, thành một hành trang lặng lẽ và quý giá. Tôi nhận ra mình đã toan đổ lỗi cho hoàn cảnh khi không giữ được sự trong trẻo và giàu có của tâm hồn bởi mải đuổi theo những mục tiêu, ảo ảnh xa vời phía trước, để cho tâm hồn khô cằn giữa những tháng năm bộn bề lo toan, vất vả.

Tôi nhớ đến câu chuyện về những người thổ dân được thuê khuân vác hành lý cồng kềnh cho những nhà thám hiểm ở châu Phi. Sau những ngày miệt mài băng rừng vượt núi, họ bỗng dưng ngồi lại, buông bỏ hành lý trên vai xuống và không đi nữa. Họ cứ ngồi như thế, yên lặng rất lâu. Khi những người da trắng quát tháo, thúc giục lên đường, những người thổ dân đã đáp: chúng tôi đang chờ tâm hồn bắt kịp thể xác!

Có phải chúng ta, trong cuộc sống đang trôi cuồn cuộn từng ngày từng giờ, có lúc cũng đang để cho tâm hồn lạc mất thể xác? Để khi nhận ra sự khô héo của tâm hồn, chúng ta vội vã cuống cuồng đi kiếm tìm, bù đắp? Một chuyến lên vùng non cao, một hành trình về vùng biển vắng, một vài tấm ảnh chụp những bông hoa đang khoe sắc có đủ làm đầy sự thiếu hụt, nghèo nàn của tâm hồn? Sẽ ra sao nếu chúng ta đối đãi với tâm hồn bằng sự vá víu tạm bợ?

Xã hội càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ của con người càng cao. Sự thỏa mãn về nhu cầu vật chất trở nên dễ dàng nhưng sự thỏa mãn về đời sống tinh thần lại là điều khó đạt tới. Trong muôn ngàn áp lực đời sống hiện đại, tôi vẫn gặp ở đâu đó những cố gắng âm thầm để níu giữ, nuôi dưỡng tâm hồn của bao con người. Những người đàn ông tỉ mỉ chăm sóc những giò lan, cây cảnh sau giờ làm việc. Những người đàn bà dịu dàng cắm hoa đặt vào từng căn phòng mỗi sáng. Những đứa trẻ chăm chỉ vẽ tranh, đọc sách bên hiên nhà… Họ làm điều đó với tất cả đam mê, thành niềm vui, thành nếp sống thường nhật.

Và bao người nữa, đang tranh thủ chớp lấy từng khoảnh khắc vẻ đẹp của cuộc sống quanh mình, từ màn sương sớm đến đỉnh núi lúc hoàng hôn, từ giọt nắng mai đến chiếc lá rụng, từ cánh chim bay, làn mây trắng đến dòng thác đổ… Tất cả trở thành niềm vui sống của mỗi người, thành sự lan tỏa những điều nhỏ bé tích cực đến cộng đồng xã hội.

Và như vậy, có phải chúng ta đang gìn giữ, nuôi dưỡng, bảo vệ cái đẹp hay chính cái đẹp cũng đang cứu rỗi tâm hồn và cuộc đời chúng ta sau những năm tháng dài vất vả? Có lẽ, điều trước tiên và sau rốt chúng ta cần làm là giữ cho tâm hồn nở hoa, sao cho những đóa hoa lòng đã nở không bị thời gian và cuộc sống làm cho khô cằn, phai úa.

Có thể bạn quan tâm

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi thông tin Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố trên 1.000 bị can liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam, trong đó có cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), dư luận đã giật mình.

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Theo Công văn 1127 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm này đã phần nào không còn sát với thực tế.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.