Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 31-1-2024, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 249/UBND-KGVX yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, đảm bảo việc đầu tư và sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đúng nội dung, tính chất, mục tiêu, hiệu quả.

Nhiều dự án phát huy hiệu quả

Trong 3 năm (2021-2023), các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số. Tiêu biểu như Dự án đầu tư hệ thống giáo dục thông minh của Sở Giáo dục và Đào tạo được triển khai trong năm 2021-2022 với tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công của tỉnh. Dự án trang bị 20 phòng học tiên tiến cho 7 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Phòng học tiên tiến được đầu tư những thiết bị như: máy vi tính, bảng tương tác, hệ thống âm thanh... giúp giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau một cách dễ dàng, hiệu quả.

Hệ thống camera giám sát các vị trí xung yếu, thiết bị tích hợp, truyền tải thông tin đã hỗ trợ các trường giám sát, bảo đảm an ninh học đường, phát huy hiệu quả công tác quản lý. Phần mềm kết nối điều hành thông minh đã hỗ trợ 2 trường trong quản lý điều hành, điểm danh sự chuyên cần của học sinh đến lớp...

Các đơn vị chức năng và tổ chức đoàn thể phối hợp hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cài đặt định danh điện tử mức 1. Ảnh: Bá Bính

Các đơn vị chức năng và tổ chức đoàn thể phối hợp hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cài đặt định danh điện tử mức 1. Ảnh: Bá Bính

Tương tự, việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với trường hợp đã thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường được thực hiện với mục tiêu số hóa bản đồ địa chính; cập nhật, định vị những thửa đất biến động do cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do chia tách, giao dịch đất đai... Đến cuối năm 2023, dữ liệu địa chính thu thập được trên môi trường hệ thống phần mềm hệ thống thông tin đất đai đã được bàn giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để thực hiện công đoạn đối soát, ký số sổ địa chính điện tử, tích hợp lên hệ thống 220/220 xã với khối lượng dữ liệu không gian là 1.626.176 thửa và dữ liệu thuộc tính là 1.128.667 thửa. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã cập nhật dữ liệu cho 108 xã, xử lý 426.370 đơn; đối soát 419.102 đơn; đồng bộ tích hợp lên hệ thống 93 xã với khối lượng 190.906 đơn; ký số sổ địa chính điện tử 23.601 thửa.

Ngoài ra, việc triển khai phòng họp trực tuyến tại các đơn vị như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ban Dân tộc, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở Công thương… cũng đem lại hiệu quả bước đầu. Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Phòng họp trực tuyến đang được sử dụng hiệu quả, phục vụ các cuộc họp trực tuyến giữa Sở với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc tổ chức các cuộc họp so với cách thức họp trực tiếp như trước đây”.

Đối với cấp huyện, một số dự án đã đạt mục tiêu ban đầu đề ra như: Dự án đầu tư hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-viễn thông của huyện Ia Pa; các dự án nâng cấp phần mềm kế toán, trang bị thiết bị làm việc cho các đơn vị, nâng cấp hệ thống máy chủ và hệ thống mạng… của huyện Krông Pa; đầu tư hạ tầng Trung tâm IOC, mua sắm trang-thiết bị cho Trung tâm giám sát điều hành thông minh, hệ thống camera giám sát an ninh, camera tầm cao, camera giao thông, hệ thống giám sát đảm bảo an toàn thông tin SOC, hệ thống quản lý chiếu sáng đô thị thông minh của TP. Pleiku…

Anh Lê Văn Tuấn (thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Là một người dân, tôi đánh giá cao hoạt động của Trung tâm IOC. Từ hệ thống này, tôi được cập nhật thêm các thông tin như: cơ sở dữ liệu y tế, cơ sở dữ liệu giáo dục, báo cáo kinh tế-xã hội, báo cáo quan trắc môi trường, hành chính công, du lịch... Đây là kênh tương tác giữa người dân và chính quyền, trong đó, chính quyền thường xuyên cung cấp cập nhật thông tin đến người dân, còn người dân thường xuyên đóng góp, giám sát, phản ánh trong các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực như vệ sinh môi trường, quản lý đô thị, dịch bệnh...”.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Bên cạnh một số nhiệm vụ, dự án đã được triển khai hiệu quả thì cũng có những nhiệm vụ, dự án chưa thể thực hiện như: phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống thông tin quản lý an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh; đầu tư trang-thiết bị triển khai hệ thống khám-chữa bệnh từ xa cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; mua sắm phần mềm hệ thống thông tin nguồn tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh...

Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước, ngày 31-1-2024, UBND tỉnh có Công văn số 249/UBND-KGVX yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương trong giai đoạn 2021-2023. Đồng thời, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, đảm bảo việc đầu tư và sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đúng nội dung, tính chất, mục tiêu, hiệu quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò dẫn dắt chuyển đổi số của người đứng đầu; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chính trị quan trọng để thường xuyên đôn đốc việc thực hiện. Công tác đầu tư, mua sắm trong các kế hoạch ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cần theo nguyên tắc: Có người làm, người giám sát độc lập, thực hiện việc kiểm tra, giám sát kịp thời ngay từ khâu lập kế hoạch, phê duyệt chủ trương, lập dự toán đến các khâu thực hiện đầu tư, mua sắm và đến khâu quyết toán. Việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án cần tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, đồng bộ, chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ quan liên quan, đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Các đơn vị cũng được yêu cầu phải tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định các nhiệm vụ, chương trình, dự án CNTT và chuyển đổi số. Xác định rõ giải pháp kỹ thuật, công nghệ đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với quy mô, tính chất, đảm bảo sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn là các sản phẩm, dịch vụ tốt ở thời điểm lựa chọn theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm, cản trở việc quản lý, thực hiện, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cho CNTT và chuyển đổi số.

Có thể bạn quan tâm