Nói thế là vì, người dân - đối tượng thụ hưởng chính - dù do yếu tố khách quan hay chủ quan cũng bị thiệt thòi. Ngân sách nhà nước dù khó khăn vẫn dành sự ưu tiên nhất định nhằm giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, tỷ lệ người dân được hưởng nguồn nước sinh hoạt đảm bảo cũng là một tiêu chí. Tại nhiều địa phương, nhu cầu nước sinh hoạt là cần kíp. Song họ định cư ở bên công trình nước sinh hoạt được xây dựng lên rồi bỏ phí quả là sự vô lý và phí phạm.
Một công trình nước sinh hoạt được đầu tư, xây dựng nên quan trọng là phải được sử dụng hiệu quả, lâu dài. Vậy nhưng việc duy tu, bảo dưỡng đã bị xem nhẹ hoặc thiếu nguồn kinh phí dẫn đến công trình bị hư hại, xuống cấp chỉ sau ít năm sử dụng. Việc tuyên truyền sử dụng nguồn nước từ các công trình cũng thực sự chưa hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ hộ dân được thụ hưởng chưa cao.
Tại nhiều nơi, người dân đã tự bỏ kinh phí khoan giếng mà bỏ qua nguồn nước từ các nhà máy nước, dẫn đến việc khai thác tràn lan nguồn nước ngầm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự bền vững nguồn tài nguyên nước của quốc gia. Vì vậy, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền và có những giải pháp phù hợp để nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước sinh hoạt từ các nhà máy, các công trình nước sinh hoạt đã được đầu tư tại địa phương.
Ngoài ra, các địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả các công trình đã đầu tư, khai thác. Đối với những công trình đã quá cũ kỹ, lạc hậu, khai thác không hiệu quả thì cần thanh lý, giải quyết dứt điểm. Công trình nào có thể còn sử dụng thì cần huy động nguồn lực, kinh phí để duy tu, sửa chữa giúp người dân có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, lâu dài. Và quan trọng nhất là "của bền tại người", đấy là việc bảo vệ, bảo quản công trình. Vấn đề này không chỉ từ cơ quan hữu quan mà cả cộng đồng thụ hưởng nguồn nước cũng cần vào cuộc. Khi ý thức bảo quản có, nhu cầu sử dụng có cộng với sự đồng hành của cơ quan chức năng thì việc lãng phí sẽ được giảm thiểu.