Nhiều công trình nước sạch bỏ hoang ở Đắk Lắk: Kinh phí xây dựng cao, hoạt động kém hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thực trạng hàng loạt các công trình nước sạch bỏ hoang hoặc gặp trục trặc đang làm “đau đầu” chính quyền các cấp ở tỉnh Đắk Lắk. Một lượng lớn tiền ngân sách lẫn tài trợ được bỏ ra đầu tư xây dựng nhưng nhiều công trình vẫn hoạt động kém hiệu quả...

Một công trình nước sạch ở Đắk Lắk được đầu tư xây dựng với kinh phí lớn nhưng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Bảo Trung
Một công trình nước sạch ở Đắk Lắk được đầu tư xây dựng với kinh phí lớn nhưng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Bảo Trung
Hàng loạt công trình gặp sự cố
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk đang có đến gần 200 công trình nước sạch vùng nông thôn. Trong đó, 112 công trình được đầu tư hoàn chỉnh, số còn lại thì đang trong giai đoạn xây dựng hoặc sửa chữa nâng cấp. Đáng chú ý, trong tổng số 112 công trình kể trên, có đến 46 công trình bỏ hoang... Phần lớn trong số đó đang được UBND các huyện quản lý, vận hành hoặc tạm giao lại cho đơn vị tuyến dưới là UBND cấp xã.
Như vậy, gần một nửa số công trình nước sạch vùng nông thôn được đầu tư bài bản ở tỉnh Đắk Lắk đang gần như “nằm chờ chết” nếu như không được xử lý kịp thời, đầu tư tiền của để khôi phục hoạt động. Một khoản tiền dự kiến sẽ rất lớn nhưng lấy đâu ra?
Ngày 17.2, ông Phạm Ngọc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS&VSMTNT) Đắk Lắk - cho biết, chính quyền UBND, Ban quản lý dự án các huyện vốn không có người đủ chuyên môn xây dựng, quản lý vận hành nhà máy nước sạch khi xây dựng xong. Người dân thấy nhà máy sự cố, hoạt động không đều thì chủ động đi mua nước bên ngoài về dùng, bỏ đi thói quen sử dụng nước ở nhà máy. Cần nhấn mạnh rằng, hiện tiền nước khi người dân dùng ở nhà máy chỉ là 5.800 đồng/m3.
Rất nhiều nhà máy nước sạch được UBND các huyện đề xuất xây dựng với kinh phí rất lớn nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu nước sạch cho vài trăm hộ dân trong vùng. Như nhà máy nước sạch ở xã Cư M’Gar (huyện Cư M’Gar) có tổng vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng, cấp nước cho hơn 440 hộ dân trong vùng (bình quân khoảng 27 triệu đồng/hộ). Nhà máy nước sạch ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk) được nhà nước đầu tư xây dựng gần 14 tỉ đồng, cấp nước cho hơn 300 hộ dân thuộc 3 buôn (bình quân khoảng 46 triệu đồng/hộ). Các chủ đầu tư cho rằng, phải tốn nhiều tiền xây dựng như vậy là do địa hình cách trở, lắp đường ống nước khó khăn, tốn kém hoặc do áp dụng công nghệ hiện đại... Cả 2 công trình trên đều vừa xây dựng xong không lâu nhưng lại đang liên tục gặp sự cố, trục trặc.
So sánh 2 công trình kể trên với các công trình nước sạch do TTNS&VSMTNT làm chủ đầu tư xây dựng kiêm quản lý vận hành, ông Bình cho hay: “Những công trình nước sạch do TTNS&VSMTNT đầu tư xây dựng kiêm quản lý vận hành khi hoàn thiện có giá thành không cao nhưng có thể cấp nước cho cả nghìn hộ dân trong vùng. Mỗi công trình thuộc diện kể trên có giá tiền bình quân chỉ khoảng từ 15-17 triệu đồng/hộ. Đó là chưa kể đến việc nhiều công trình nước sạch, đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng ở nhiều địa phương cũng có địa hình tương đương với những dự án kể trên, không khác biệt là bao. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước, công nghệ lắp đặt ở các huyện cũng lỗi thời hơn so với chúng tôi” - ông Bình nói.
Lãng phí tiền ngân sách
Trước đó, tháng 6.2020, Báo Lao Động có bài: “Nhiều công trình cấp nước sạch vùng nông thôn ở Đắk Lắk: Xây dựng tràn lan rồi... bỏ hoang” nêu rõ thực trạng năm nào, tỉnh này cũng có một vài địa phương củng cố hồ sơ trình Sở NNPTNT, UBND tỉnh xin làm chủ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch. Khi chính quyền huyện xây xong, cơ quan chức năng đã lập đoàn nghiệm thu, họ lập tức gửi văn bản cho tỉnh xin bàn giao lại để đơn vị khác có chuyên môn quản lý, vận hành.
Lãnh đạo TTNS&VSMTNT Đắk Lắk cũng cho rằng, đa phần các công trình do chính quyền huyện xây dựng, quản lý lại đang gặp sự cố, trục trặc gây lãng phí tiền của. Đó là chưa kể đến việc có huyện xây nhà máy nước trong khu dân cư chỉ với việc để bán được đất cho người dân. Số lượng công trình thuộc diện này không được chính quyền huyện thống kê, báo cáo cho đơn vị. Tỉnh nên giao đơn vị có chuyên môn, nghiệp vụ làm chủ đầu tư xây dựng kiêm quản lý vận hành để công trình đạt hiệu quả cao.
Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận, có những bất cập đang tồn tại ở các dự án nước sạch vùng nông thôn ở tỉnh. Trước đây, trước khi xin chủ trương cho xây dựng, chính quyền địa phương phải họp lại dân ở vùng thiếu nước sạch nếu 70% bà con đồng ý, ký biên bản thì mới được triển khai. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cách thức này cũng đã “lắng đi”.
BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.