(GLO)- 5 năm (2008-2013) thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp-nông dân-nông thôn (tam nông) trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả khích lệ.
Tuy nhiên, để nông nghiệp-nông dân-nông thôn trở thành cơ sở và lực lượng quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh bền vững; khẳng định vị trí chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa… rất cần cú huých mạnh hơn.
Làm đường vào khu sản xuất lúa xã Ia Trok, huyện Ia Pa. Ảnh: N.D |
Tính toán của cơ quan chuyên môn, tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn giai đoạn 2009-2013 hơn 18.000 tỷ đồng; trong đó vốn Nhà nước đầu tư trên 5.548 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 12.445 tỷ đồng và vốn huy động trên 13,6 tỷ đồng. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ trực tiếp cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là đầu tư công trình thủy lợi để mở rộng diện tích đất chuyên trồng lúa theo đúng quy hoạch được cơ quan chức năng phê duyệt, hạn chế thấp nhất tình trạng nông dân chuyển đất trồng lúa sang sản xuất các loại cây trồng khác.
Theo đó, đã có 40 công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng mới, tổng năng lực tưới theo thiết kế 5.665 ha, tổng vốn đầu tư trên 304 tỷ đồng; nâng tổng số công trình thủy lợi toàn tỉnh hiện nay lên 314 công trình, tổng năng lực tưới thiết kế hơn 48.000 ha; kiên cố hóa hơn 200 km kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng góp phần giảm thiểu tình trạng hạn hán mất mùa cục bộ do thời tiết diễn biến thất thường.
Theo tiến độ đầu tư công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương, diện tích canh tác lúa nước năm 2013 trên địa bàn tỉnh ước đạt 26.630 ha, tăng 4.350 ha so với năm 2008. Ưu tiên nguồn lực đầu tư đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; xây dựng và phát triển vùng chuyên canh cây trồng chủ lực quy mô lớn như: cao su, cà phê, mía, bắp lai, rau, thuốc lá; khuyến khích mở rộng số lượng mô hình trang trại chăn nuôi...
Mạng lưới hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ nông nghiệp, nông thôn cũng phát triển, nhất là đường giao thông, điện... được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn lực khu vực nông thôn được xem là bước đột phá trong hiện đại hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn. Tính từ năm 2008 đến nay, ngân sách trung ương và địa phương đầu tư cho lĩnh vực này hơn 108 tỷ đồng. Riêng định suất đầu tư cho lĩnh vực khoa học-công nghệ được bố trí năm sau cao hơn năm trước; cụ thể, mức đầu tư năm 2013 gần 13 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2008.
Từ nguồn vốn đầu tư này cơ quan chuyên môn đã thực hiện 118 dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển nông nghiệp cấp huyện và hơn 100 đề tài khoa học cấp tỉnh. Hiệu quả của việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học mang lại là đã lựa chọn được giống cây trồng ngắn và dài ngày mới cho năng suất cao phù hợp đặc điểm từng địa phương đưa vào canh tác đã tạo sự đa dạng cơ cấu cây trồng; hình thành vùng chuyên canh bền vững.
Trong quá trình sản xuất, phần lớn nông dân đã sử dụng các loại chế phẩm sinh học; đầu tư máy móc cơ giới hóa tăng năng suất cây trồng. Theo tổng hợp chưa đầy đủ của cơ quan chuyên môn, hoạt động cơ giới hiện chiếm tỷ lệ 60-65% trong các khâu của quy trình sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, hơn 36.146 lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp khu vực nông thôn được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 20.561 lao động. Thực tế mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tạo điều kiện cơ cấu lao động và kinh tế khu vực nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ.
Để nông nghiệp-nông dân-nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp đà phát triển, hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 rất cần nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa; cơ chế đặc thù phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai...
Quang Văn