Ngày 12-4, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 đã bắt đầu các cuộc chất vấn không chính thức với các ứng cử viên chạy đua vào chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Đây được cho là một thay đổi mang tính lịch sử của diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này bởi lẽ lần đầu tiên công chúng có thể trực tiếp theo dõi các ứng cử viên chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc thể hiện năng lực của mình thông qua các cuộc chất vấn không chính thức được truyền hình trực tiếp và phát sóng trực tuyến từ Trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Mỹ.
Quang cảnh một cuộc chất vấn không chính thức với ứng cử viên vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc. |
Phiên điều trần dự kiến kéo dài 3 ngày, và mỗi ứng cử viên có 2 giờ đồng hồ cho phần phát biểu của mình - gồm một bài thuyết trình ngắn và sau đó trả lời các câu hỏi từ đại diện của 193 nước thành viên Liên hợp quốc.
Các câu hỏi xoay quanh các vấn đề như làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển bền vững, cải thiện những nỗ lực kiến tạo hòa bình, bảo vệ nhân quyền, xử lý những thảm họa nhân đạo khổng lồ và giải quyết những thách thức trong tiến trình thực thi chương trình phát triển bền vững năm 2030.
Hiện cuộc đua chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc có 8 ứng cử viên chính thức, gồm ông Igor Luksic - cựu Thủ tướng Montenegro; bà Irina Bokova - cựu Ngoại trưởng Bulgaria và hiện là người đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); ông Danilo Turk - cựu Tổng thống Slovenia; bà Vesna Pusic - cựu Ngoại trưởng Croatia; bà Natalia Gherman - cựu Phó Thủ tướng Moldova; bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand và hiện là Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); và ông Anotnio Guterres - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và từng là người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).
Trong bài phát biểu khai mạc phiên điều trần, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70, ông Mogens Lykketoft, nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Liên hợp quốc đang phải giải quyết vô số cuộc khủng hoảng đồng thời phải cải tổ vai trò và hoạt động của mình sao cho hiệu quả hơn, việc tìm được ứng cử viên tốt nhất để kế nhiệm Tổng Thư ký Ban Ki-moon là "hết sức quan trọng."
Ông cho biết thêm lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của Liên hợp quốc, tiến trình bầu chọn và bổ nhiệm tổng thư ký được thực hiện dựa trên các nguyên tắc minh bạch và đa dạng.
Theo quy định, tiến trình bầu chọn tổng thư ký diễn ra tại các cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an và cơ quan nắm quyền lực cao nhất trong Liên hợp quốc này sẽ đề cử ứng cử viên duy nhất để Đại hội đồng nhất trí thông qua.
Đối với cuộc chạy đua năm nay, quyền đề cử vẫn thuộc về Hội đồng Bảo an, song điểm khác biệt là các ứng cử viên có cơ hội để công khai thể hiện năng lực cũng như trình bày những kế hoạch hành động của mình nếu như được đắc cử vào chức vụ lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31-12-2016 và tân Tổng Thư ký sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm từ ngày 1-1-2017.
Theo TTXVN