Cựu lính biển chữa tàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Suốt hơn 30 năm qua, tại TP Đà Nẵng, Hợp tác xã Sửa chữa tàu thuyền Cựu chiến binh đã trở thành điểm tựa vững chắc cho những con tàu, thuyền vươn khơi.

Nơi đây quy tụ nhiều thế hệ cựu chiến binh của thành phố, những người lính đã rời quân ngũ vẫn ngày ngày miệt mài khoác “áo mới” cho các con tàu sau bao năm dãi dầu giữa sóng gió biển khơi.

Tọa lạc tại Lô D3, khu âu thuyền Thọ Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, Hợp tác xã không chỉ mang lại việc làm ổn định cho những người lính năm xưa sau khi rời quân ngũ, mà còn là nơi để họ tiếp tục cống hiến, đóng góp cho cộng đồng bằng chính tay nghề và lòng yêu nghề của mình.

Bám biển cách riêng

Từng có 4 năm làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân, ông Ngô Gia Nghĩa (54 tuổi, quê Nghệ An) tự hào nói: “Biển cả không chỉ là nguồn sống mà còn là linh hồn của mỗi người dân Việt.

Ngày trước, lúc còn trong quân ngũ, tôi luôn xem mỗi nhiệm vụ trên biển là trách nhiệm thiêng liêng của một người lính. Giờ đây, khi đã rời quân đội, không còn những đêm lênh đênh giữa đại dương nữa, tôi vẫn chọn gắn chặt với biển, nhưng theo một cách khác”.

Hồi sinh những con tàu vươn khơi bám biển. Ảnh: Minh Hiền
Hồi sinh những con tàu vươn khơi bám biển. Ảnh: Minh Hiền

Mỗi ngày, từ 7 giờ sáng, ông Nghĩa lại đồng hành với những người đồng đội tại nơi mà ông gọi là “hải phận” của những người lính đã rời quân ngũ. Ở nơi ấy, họ không còn đối mặt với bão tố, sóng dữ hay những lần say sóng liên tục, mà là những con tàu rệu rã sau chuyến hải trình dài ngày. Bằng đôi tay chai sạn và kinh nghiệm tích lũy qua năm tháng, họ lặng lẽ hồi sinh từng con tàu, con thuyền.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề sửa chữa tàu thuyền, ông Nguyễn Văn Tài (60 tuổi, quê TP Đà Nẵng), người từng một thời đóng quân ở Gia Lai, cho biết, mỗi con tàu vào xưởng đều mang theo những dấu vết của biển khơi, từ lớp vỏ bị ăn mòn đến những bộ phận hư hỏng sau khi rong ruổi qua nhiều tháng ngày hoạt động. Nhiều chiếc tàu vỏ sắt, vỏ gỗ nằm cạnh nhau, mỗi chiếc có “triệu chứng” riêng và cần được “chẩn đoán” để có phương án “điều trị” phù hợp.

“Trước đây, có những con tàu vào xưởng trong tình trạng hư hỏng nặng, thoạt nhìn cứ tưởng không thể sửa chữa. Nhưng may mắn là, nhờ kiên trì phục hồi từng bộ phận, chúng tôi đã giúp con tàu vận hành ổn định trở lại”, ông Tài cười tươi chia sẻ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tài miệt mài với công việc. Ảnh: Minh Hiền
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tài miệt mài với công việc. Ảnh: Minh Hiền

Theo ông Tài, mùa cao điểm duy tu, bảo dưỡng tàu thuyền thường rơi vào khoảng tháng 3, tháng 4. Trong khoảng thời gian này, những người thợ phải dốc hết sức mình, miệt mài làm việc qua từng công đoạn, từ róc vỏ tàu, sơn màu, gắn chân vịt, dán keo…

Mọi thao tác đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của con tàu khi ra khơi. Họ làm việc không ngừng nghỉ với mong muốn giúp ngư dân sớm trở lại với biển cả, tiếp tục những chuyến đánh bắt đầy ắp cá tôm.

Vừa khéo léo nhét bã tre vào từng khe hở trên thân thuyền, thợ sửa tàu Nguyễn Văn Tài vừa say sưa kể: “Gia đình tôi không ai theo nghề này, nhưng nhiều đời đều là ngư dân. Ban đầu, tôi chọn nghề để lo cho gia đình, nhưng càng làm, tôi càng yêu thích công việc này. Cảm giác nhìn thấy con tàu sau sửa chữa trở lại biển cả, vững vàng trước sóng gió, thực sự rất vui”.

Cha trước, con sau...

Để có thể theo đuổi công việc này, những người thợ sửa tàu phải có sức khỏe dẻo dai và tinh thần bền bỉ. Dưới cái nắng gay gắt, họ cần mẫn tháo lắp những bộ phận máy móc, khom lưng hàng giờ dưới đáy tàu để sửa chữa.

Dẫu đã rời quân ngũ, họ vẫn giữ vững tác phong của người lính - nghiêm túc, chính xác, không ngại gian khó. phục hồi những chiếc tàu để chúng tiếp tục hành trình vươn khơi bình an.

Cựu binh hải quân Ngô Gia Nghĩa phấn khởi cho xem những bức ảnh cũ khi ông còn là chàng trai 21 tuổi làm nhiệm vụ trên đảo, hay bức hình chụp chung với Anh hùng Gạc Ma Nguyễn Văn Lanh. Ông vừa khoe cánh tay rám nắng vừa kể: “Hồi còn làm nhiệm vụ ban đêm, chúng tôi thích nhất là những lúc tạo âm thanh để cá heo bơi theo đuôi tàu. Cảnh tượng ấy vừa kỳ diệu, vừa gắn bó với đời lính biển. Giờ trở về đây, thỉnh thoảng những kỷ niệm lại ùa về, trở thành câu chuyện để chúng tôi nhắc đến trong lúc sửa chữa một chi tiết nào đó trên con tàu”.

Đều đặn từ sáng đến chiều tối, những người thợ nơi đây luôn tất bật với công việc. Tiếng búa gõ vào thân tàu vang lên liên hồi, xen lẫn tiếng máy mài từ đáy, tiếng hàn xì lách tách, tạo nên âm thanh đặc trưng của xưởng sửa chữa tàu thuyền. Mỗi con tàu vào xưởng giống như một “bệnh nhân”, được các thợ lành nghề tận tâm “bắt mạch, kê đơn”.

Khi hoàn thành một phần, họ lại tiếp tục sửa chữa bộ phận khác, kiên trì chăm chút từng chi tiết cho đến khi con thuyền “khỏe” lại.

Ông Trần Văn Triệu, 71 tuổi, chủ một chiếc tàu đang được tu sửa tại xưởng, cho biết ông đưa tàu từ huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) ra đây để sửa chữa.

Chi phí vận chuyển có tốn kém hơn do phải di chuyển vượt quãng đường xa, nhưng ông vẫn chọn cơ sở này. “Dù chi phí có cao hơn, nhưng ngư dân chúng tôi vẫn quyết tâm sửa chữa phương tiện để yên tâm vươn khơi ra biển”, ông Triệu chia sẻ.

Đồng hành với từng “căn bệnh” của mỗi con tàu suốt hơn hai thập kỷ, ông Nghĩa vẫn giữ nguyên tình yêu nghề. Với ông, mỗi ngày được làm việc là một cách để ông tiếp tục cống hiến, giống như những năm tháng tuổi trẻ ông từng hết mình vì nhiệm vụ.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông Nghĩa vừa uống nước vừa cười nói: “Nhìn thì tưởng sửa nhanh chứ tốn kha khá thời gian đó. Cùng một ‘bệnh hàu ăn’ mà con tàu nào cũng mắc đi mắc lại. Phải cạo sạch, xử lý kỹ, nếu không thì chỉ ít bữa lại đóng dày thêm, tàu chạy ì lắm!”.

Ông Tài cho biết, số lượng cựu chiến binh bám trụ với xưởng sửa tàu càng lúc càng ít đi do tuổi tác của họ cao dần. Thay vào đó là lớp trẻ, mà hầu hết đều là con em của các cựu chiến binh.

“Lớp cha trước, lớp con sau”, với ông và thế hệ con cháu mình, nơi đây từng ngày vẫn vang lên từng mũi đục, mùi sơn vẫn thoảng trong gió, và bụi vẫn bay khắp một vùng sóng nước. Bởi sửa chữa những con tàu không chỉ là mưu sinh, mà còn là cách họ giúp những con tàu an toàn vươn khơi, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Theo MINH HIỀN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.